Đọc kinh gì để trí tuệ sáng suốt?

14/03/2020 6:15
HỎI: Xin hỏi nên đọc bài kinh gì hoặc niệm Phật như thế nào để trí tuệ sáng suốt và cải thiện trí nhớ? (TUYẾT NHI, tuyetnhids…@gmail.com)

Các Phật tử nhí đọc kinh Vu lan tại một khóa tu - Ảnh minh họa

ĐÁP:

Bạn Tuyết Nhi thân mến!

Kinh điển của Phật giáo có rất nhiều, trọng tâm vẫn quy về thực hành và thành tựu Bát Thánh đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định), cô đọng hơn là thành tựu giới- định-tuệ. 

Điều cần lưu tâm là không có một bản kinh Phật nào hay danh hiệu một vị Phật nào mà chỉ tụng hay niệm đơn thuần rồi có tính cách linh thiêng mà cải thiện được trí nhớ và trí tuệ sáng suốt cả. Muốn cải thiện trí nhớ và trí tuệ sáng suốt thì bạn cần được xây dựng cuộc sống trên nền tảng của giới-định-tuệ.

Đầu tiên là thực hành giới (giữ 5 giới: không sát sinh, không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối, không say nghiện). Năm giới quý báu này được Đức Phật chế định và trao truyền cho hàng Phật tử trau dồi nhân cách đạo đức, trui rèn phẩm hạnh thanh cao. Giữ được năm giới sẽ giúp cho đời sống chúng ta ổn định, thăng bằng, thanh thản và bình an. Đây là cơ sở quan trọng để thiết lập định, nội tâm an tịnh.

Tụng kinh và niệm Phật là một trong những pháp khiến cho tâm an tịnh. Tuy nhiên, pháp trọng yếu mà Đức Phật đã dạy để định tâm là thiền định (chỉ-quán). Tụng đọc kinh Phật chỉ góp phần trợ duyên đưa đến định, trong khi mục đích chính của tụng kinh là để biết con đường, phương pháp thực hành thiền định. Niệm Phật cũng vậy, nếu niệm danh hiệu (chỉ thuần xưng danh, gọi tên) của bất cứ vị Phật nào thì cũng chỉ có tác dụng trợ duyên đưa đến định mà thôi. 

Bạn muốn niệm Phật thì hãy niệm 9 ân đức Phật bảo. Đức Như Lai bậc: 1.Ứng Cúng, 2.Chánh Biến Tri, 3.Minh Hạnh Túc, 4.Thiện Thệ, 5.Thế Gian Giải, 6.Vô Thượng Sĩ-Điều Ngự Trượng Phu, 7.Thiên Nhơn Sư, 8.Phật, 9.Thế Tôn. Bạn có thể niệm một hoặc cả chín ân đức. Niệm mỗi ân đức nào, hiểu rõ ý nghĩa của ân đức ấy. Niệm từ một đến hàng trăm lần, hàng ngàn lần... với lòng biết ơn, với tâm kính quý và hoan hỷ, sẽ phát sinh đức tin trong sạch và sâu sắc nơi Đức Phật. Niệm ân đức Phật bảo có thể đưa đến cận định.

Thực ra, niệm ân đức Phật bảo chỉ là một trong 40 đề mục thiền chỉ. Mỗi người có thể tùy duyên chọn một hay nhiều đề mục thích hợp để hành trì. Chính sự thực hành thiền định với các đề mục thiền chỉ mới đem lại an tịnh nội tâm, nền tảng của trí tuệ. Khi nội tâm được lắng dịu, an định, tâm không bị tán loạn thì khả năng tập trung sẽ cao hơn. Từ cơ sở này, trí nhớ sẽ được cải thiện đáng kể, sự thông minh được phát huy, rất hữu ích trong học tập và nghiên cứu khoa học, xa hơn là thành tựu trí tuệ.

Tiếp tục tu tập thiền quán (minh sát) để thấy rõ sự vô thường và vô ngã của các pháp. Chỉ khi nào thường minh về vô thường, vô ngã mới gọi là thành tựu trí tuệ. Trí tuệ này dĩ nhiên là khác với sự thông minh, sáng suốt (thức tri) theo thế thường. Tóm lại, bạn cần cố gắng thiết lập đời sống theo giới-định-tuệ, cụ thể là giữ giới và tu tập định tâm (được chừng nào hay chừng nấy) thì mới có thể cải thiện trí nhớ, phát huy sự thông minh sáng suốt và về sau sẽ thành tựu trí tuệ.

Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ 
(tuvangiacngo@yahoo.com)

Các tin tức khác

Back to top