chữ Tình và chữ Nghĩa

19/12/2021 1:26
P.V: Tôi rất tâm đắc với những điều thiền sư bàn về chữ Tình và chữ Nghĩa. Trong đời sống vợ chồng, tòa lâu đài hạnh phúc vững chãi chỉ có thể xây dựng trên nền tảng của Nghĩa. Song làm thế nào để chuyển hóa từ thứ tình đắm say bồng bột đến thứ tình thương có nhiều hiểu biết và biết ơn là Nghĩa lại không hề dễ dàng.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Ở Việt Nam, ngày xưa, người ta không nấu cơm bằng gas hay bằng điện như bây giờ mà nấu bằng rơm. Rơm cháy rất mau. Có cách nào để làm cho rơm cháy chậm lại? Mình đặt một nắm rơm vào và lấy cái đũa bếp đè xuống thì nắm rơm sẽ cháy từ từ, được lâu hơn. Ở nông thôn Việt Nam ngày xưa còn nấu bằng trấu. Trấu tức là vỏ lúa. Không có hộp quẹt vì vậy người ta phải nuôi lửa. Nuôi lửa hay nhất là bằng trấu: mình đổ vào một vài bát trấu thì trấu cháy ngún rất lâu. Sáng dậy mình khơi ra thì còn lửa trong bếp.

Ngày xưa, người Việt Nam có truyền thống đi xin lửa, vì không có hộp quẹt. Mỗi khi nấu cơm, nếu nhà mình không có trấu để giữ lửa thì mình phải qua hàng xóm xin lửa. Mình phải cầm một nắm rơm dài, dúi vào chỗ lửa trấu đang còn cháy, đợi chừng hai, ba chục giây. Khi thấy khói lên thì mình biết nắm rơm đã bén lửa rồi, chỉ cần thổi một hơi nhẹ là lửa cháy lên. Mình lấy một nắm rơm khác, bọc lại, đem về. Ngày xưa, đi xin lửa là chuyện mỗi ngày.

Tình là ngọn lửa rơm mau tàn. Còn nghĩa là lửa trấu, cháy suốt đêm. Ân nghĩa là cái phải tiếp nối cái tình. Tình phải được bắt đầu cho khéo để từ từ đưa tới cái nghĩa. Ân nghĩa là cái nuôi dưỡng một cặp vợ chồng cho tới khi đầu bạc răng long. Răng long thì đi làm răng giả, còn đầu bạc thì đi mua thuốc nhuộm. Nhưng nuôi dưỡng nghĩa chúng ta phải nuôi dưỡng bằng thương yêu. Mỗi ngày mình phải xây dựng cái ơn và cái nghĩa. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ săn sóc đều là tạo ra ơn và nghĩa. Chính cái đó nó là keo sơn giúp cho một cặp vợ chồng sống với nhau suốt đời.

Các tin tức khác

Back to top