Thời Phương đẳng trong ngũ thời, bát giáo Đức Phật nói kinh gì?

24/05/2022 12:11
Hỏi: Tôi đọc trong kinh sách được biết Giáo pháp của Đức Phật Thích Ca được phân ra Ngũ thời, Bát giáo (5 thời, 8 giáo). Năm thời gồm: Thời Hoa nghiêm, thời A-hàm, thời Phương đẳng, thời Bát-nhã, thời Pháp hoa và Niết-bàn. Tôi không rõ thời Phương đẳng Đức Phật nói kinh gì? Độ cho chúng sanh căn cơ ra sao? Tám giáo: Tạng, Thông, Biệt, Viên, Đốn, Tiệm, Bí mật, Bất định giáo có nghĩa là gì? VŨ TRUNG,vutrung29...@gmail.com)

Bạn Vũ Trung thân mến!

Ngũ thời, Bát giáo là phán giáo của Đại sư Trí Giả hay Trí Khải (538-597), người sáng lập tông Thiên Thai, một tông phái Phật giáo lớn ở Trung Quốc. 

Theo Đại sư Trí Giả, giáo pháp được Đức Phật thuyết giảng chia làm 5 thời kỳ (Ngũ thời) gồm: Thời Hoa nghiêm (21 ngày đầu tiên sau khi Phật thành đạo), thời A-hàm (12 năm kế tiếp), thời Phương đẳng (8 năm kế tiếp), thời Bát-nhã (22 năm kế tiếp), thời Pháp hoa và Niết-bàn (8 năm cuối cùng).

Thời Phương đẳng (Phương tiện) là thời thuyết giáo thứ ba, tiếp theo thời A-hàm. Phương là hướng, hàm nghĩa bao la rộng lớn, đẳng là bình đẳng. Phương đẳng chỉ cho thể loại giáo pháp có nghĩa lý sâu xa, rộng lớn, bình đẳng nên còn gọi là “phương quảng”. Phương đẳng là buổi đầu của thời kỳ Đức Phật nói pháp Đại thừa, đề cao giáo pháp Đại thừa, khuyến khích mọi người dũng mãnh phát tâm tu học theo giáo pháp Đại thừa. 

Các kinh điển Đại thừa được thuyết trong thời Phương đẳng thuộc bộ loại Phương đẳng (Phương quảng) như các kinh Duy-ma, kinh Thắng Man v.v… Đối tượng giáo hóa của thời Phương đẳng thông suốt cả Tiểu lẫn Đại thừa nên còn gọi Thông giáo. Mọi căn cơ Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát đều có thể nghiên cứu, tu tập theo giáo pháp Phương đẳng. Giáo pháp này ví như “nhật chiếu bình địa” (mặt trời lên cao, chiếu xuống mặt đất bằng) khắp nơi đều sáng tỏ. Vị của giáo pháp Phương đẳng được ví như sinh tô (váng sữa sống), người lớn và trẻ nhỏ đều dùng được.

Cũng theo Đại sư Trí Giả, Bát giáo là toàn bộ giáo pháp của Đức Phật bao gồm Tứ nghi - Bốn phương thức giáo hóa và Tứ giáo - Bốn nội dung giáo hóa chúng sinh. 

Bốn phương thức giáo hóa gồm: Đốn giáo, Tiệm giáo, Bí mật giáo, Bất định giáo. 

- Đốn giáo là phương thức giáo hóa chỉ cho chúng sinh giác ngộ ngay nơi Phật tính của chính mình.

- Tiệm giáo là phương thức giáo hóa, giảng dạy giáo pháp từ thấp đến cao, từng bước giúp chúng sinh giác ngộ.

- Bí mật giáo là phương thức giáo hóa cho những đối tượng có căn cơ, trình độ đặc thù, người khác không biết được.

- Bất định giáo là phương thức giáo hóa không nhất định, cùng một hội chúng và nội dung giáo lý nhưng tùy căn cơ khác biệt của mỗi người mà lãnh hội, thể nhập chân lý khác nhau. 

Bốn nội dung giáo hóa gồm: Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, Viên giáo.

- Tạng giáo là giáo pháp Tiểu thừa, dành cho hàng Thanh văn, Duyên giác.

- Thông giáo là giáo pháp Đại thừa nhưng thông cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa, dành cho hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát (cấp thấp).

- Biệt giáo là giáo pháp quyền Đại thừa, chỉ đặc biệt dành riêng cho hàng Bồ-tát.

- Viên giáo là giáo pháp thuần Đại thừa, siêu việt, viên dung tất cả pháp; là giáo pháp giác ngộ chân thật của Đức Phật.

Cần lưu ý rằng, Ngũ thời và Bát giáo là phán giáo của Đại sư Trí Giả, tại Trung Quốc, sau Đức Phật nhập Niết-bàn hơn cả ngàn năm. Sự phán định Giáo pháp này dĩ nhiên có sự thừa tiếp tư tưởng của tiền nhân đồng thời cũng là quan điểm cá nhân của Đại sư Trí Giả. 

Bằng đức độ và trí tuệ siêu việt của bậc tông chủ, nhất là học phong lừng lẫy của tông Thiên Thai, có vị trí quan trọng trong triết học, tư tưởng Phật giáo Trung Quốc nên phán giáo của Đại sư Trí Giả được mặc nhiên chấp nhận rộng rãi tại Trung Quốc và các nước Phật giáo Bắc truyền.

Ngày nay, Phật giáo được quốc tế hóa, các truyền thống Phật giáo tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn. Đặc biệt, có nhiều nghiên cứu lịch sử về sự nghiệp hoằng truyền giáo pháp của Đức Phật. Là hậu thế, người học Phật chúng ta luôn tôn kính với các phát kiến của tiền nhân, đồng thời cần tìm hiểu, đối chiếu những phát kiến mới về Đức Phật nhằm tin sâu Phật pháp và tôn vinh Chánh pháp. 

Chúc bạn tinh tấn!


Các tin tức khác

Back to top