Phải làm gì trong khi bị bệnh nặng?

6/12/2019 6:02
Hỏi: Thưa Luang Por, cô gái trẻ này bị ung thư não. Bác sĩ bảo ung thư sẽ khỏi, nhưng nó vẫn còn đó. Cô ấy phải làm gì trong hoàn cảnh này?

Đáp: 


Tất cả chúng sanh đều bị “ung thư” - tất cả mọi người… (Luang Por cười). Mọi người đều bị “ung thư” - căn bệnh không thuốc chữa - đó là: Chết. Dầu con có chữa được "ung thư" này, ung thư kia cũng không hết. Con hiểu không?


Chúng ta không thể nghĩ là mình sẽ vượt qua mà không có vấn đề gì. Thân này là ổ bệnh. Đó chính là bản chất của thân vật lý này. Chớ lo âu… chỉ có thế. Hãy chấp nhận những gì ta có được và tận dụng chúng. Quá lo lắng, bức xúc chỉ đem lại lắm ưu phiền, và điều đó sẽ khiến cho các cơ quan trong thân không hoạt động tốt.


Sư, cũng vậy, sư cũng bị “ung thư”. Sư đi bác sĩ và ông khám thấy nhịp tim sư đập không bình thường. Nhưng sư nói, “Không, vậy là bình thường rồi. Trái tim tôi sử dụng quá lâu rồi, nên nó hao mòn đi”.


Suốt khoảng đời của một con người, cũng có lúc sự vật đổ vỡ. Tất cả mọi thứ cần theo định luật thiên nhiên - chớ lo âu. Khi đủ duyên, mọi thứ sẽ tự động làm những gì chúng cần phải làm (Luang Por cười…). Bình tĩnh. Nếu tâm ta thư thái, ta sẽ có thể cảm nhận hạnh phúc.


Dầu ta phải đối mặt với vấn đề gì, Đức Phật muốn ta phải là “người biết”, và hãy để mọi thứ ở đời đến rồi đi. Nếu ta có thể buông, thì không có gì nặng nhọc. Chỉ khi ta gánh vác nhiều việc thì chúng sẽ nặng nề. Gánh vác sự việc có nghĩa là bám chặt vào chúng như thể chúng là của ta, nhưng, thực ra, trên thế giới này, không có gì là của ta, thuộc về ta.


Có một thế giới ở bên ngoài, bề mặt của hành tinh Trái đất, và có một thế giới nội tại. Trong thế giới nội tại có các khía cạnh của thân, và các thành phần, kết hợp của một con người mà ta gọi là bản ngã. Nhưng chúng ta không thể gọi các thứ đồ được kết nối lại như là “của ta”. Tất cả mọi thứ rồi sẽ rã tan. Tất cả những hiện hữu sẽ hoại diệt. Dần dần mọi thứ chuyển đổi thành một trạng thái không có gì thuộc vào ta nữa.


Vì thế Đức Phật không muốn chúng ta nhìn cuộc đời theo quan điểm lầm lạc. Khi ta nhìn sự vật sai, ta bắt đầu nắm giữ chúng. Ta phát sinh nhiều mối ưu tư khiến ta cảm thấy như bị cầm tù, bị trói cột bằng mọi thứ phiền não, không có chút tự do gì.


Dầu ta có bị các bệnh thông thường gì - đừng nghĩ tới nó như một vấn đề quan trọng. Tất cả là chuyện tự nhiên. Mọi thứ, một khi đã phát sinh, phải luôn chuyển đổi. Đó là bình thường.


Bệnh hoạn là chuyện hoàn toàn bình thường và tự nhiên. Do đó Đức Phật đã dạy ta nên coi đó là đối tượng tu tập, quán xét và tìm phương cách để hiểu nó. Như thế ta có thể hướng các cảm tính của mình đến một đạo pháp giúp ta giải thoát khỏi mọi trói buộc của uế nhiễm. Quán chiếu về thân bệnh có thể giúp ta được bình an, nhẹ nhõm.


Nhưng nếu ta bám víu vào sự vật, các yếu tố khác sẽ chế ngự ta: thí dụ sân, tham hay si. Ba thứ này là căn nguyên chánh của mọi vấn đề chế ngự ta. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy ta phải tu tập và quán xét để các trạng thái bất thiện không phát khởi.


Tất cả giáo lý của Đức Phật đều là về khổ và phương cách diệt khổ. Đức Phật chỉ dạy có thế, nếu ta muốn nói gọn về giáo lý của Ngài.


Khổ có mặt vì có ái. Ái trở nên mạnh mẽ khi ta để cho nó phát khởi. Nhưng nó sẽ giảm nếu ta  biết cách ngăn chặn, chống đỡ nó. Ta sẽ không có khổ nếu ta biết cách buông bỏ.


Vì thế ta cần phải biết các phương cách buông bỏ và để sự vật như chúng là. Ta phát triển các phương cách chú tâm đến điều có thể làm giảm ngã tưởng, sự bám víu mà Đức Phật gọi là “attavādupādāna”, sự bám víu vào cái ngã.


Giáo lý mà Đức Phật dạy để làm giảm thiểu sự bám víu và các cảm giác của ngã chấp, đơn giản là trước tiên ta phải dừng lại, phải vun trồng một trạng thái tâm gọi là ekaggatā (nhất tâm), hay, nói cách khác, đó là pháp hiện-tại. Để trụ vững trong pháp của giây phút hiện tại, ta cần không chỉ sự quyết tâm cơ bản mà ta còn phải phát triển một sự hiểu biết bản thân. 


Các phương cách Đức Phật dạy ta không phải là khó thực hành. Ta chỉ cần thu hẹp sự chú tâm và quán sát với tâm không lo âu, nghi hoặc, hay có bất cứ sự bất ổn nào.


Chú tâm vào tính chất của các thành phần vật lý, các uẩn và các trạng thái của thân. Bắt đầu bằng cách tự vấn về thân và thế giới quanh ta, quán xét xem có gì thuộc về ta không. Thân có thể được chia thành nhiều phần. Trên đầu có tóc, rồi lông tóc trên thân, móng, răng, da để bao bọc, che phủ toàn thân.


Đức Phật khuyên chúng ta quán sát, phân tích các thành phần của thân để thấy rằng chúng luôn ở trong trạng thái chuyển đổi, không lâu dài. Cuối cùng chúng sẽ tan rã thành nhiều yếu tố. Thấy được vậy, ta không thể xác lập sở hữu. Không có quyền cho rằng chúng vĩnh cửu. Chúng ta chỉ có sự liên hệ tạm thời đối với thân.


Ta có thể so sánh thân với một chỗ trọ qua đêm. Thí dụ, ta có thời hạn được ở đó một đêm. Khi đến hạn, chủ nhà sẽ bảo ta ra đi. Đối với cuộc đời ta cũng thế.


Đức Phật xem các quy trình này như là tính chất tự nhiên và là thực tại có mặt trong tất cả mọi thứ. Nếu có phát sinh, sẽ có lúc dừng, và cuối cùng chấm dứt. Quán chiếu như thế sẽ khiến ta sinh nhàm chán. Nó giúp ta không bám víu vật chất hay ngã mạn. Ta không phải lo lắng nếu bác sĩ bảo ta có bệnh này hay bệnh kia.


 Ai cũng có bệnh. Ít nhất cũng là bệnh đói khổ mà ta cố gắng chữa hàng ngày bằng việc ăn uống - đó là cảm giác khổ đau khi đói. Khi ta đã đáp ứng nó bằng việc cho thân thực phẩm, nó lại xuất hiện qua các nhu cầu tiểu tiện, lại tạo ra các thứ khổ khác. Tất cả những thứ này là bệnh.


Bệnh là thứ ta cần nhận biết, cần quán chiếu về nó. Đức Phật dạy rằng ta không nên quá lo âu về nó. Ngài muốn ta tu tập theo trung đạo, vừa đúng, giống như hơi thở. Ta không gò ép hơi thở vào và hơi thở ra.


Tính chất của các thành phần và các uẩn trong thân sẽ tự điều hành. Đó là cách ta nên nhìn các hiện tượng này để ta không phát sinh sự bám víu, nắm níu sự vật. Ta đặt mình vào vị trí của buông xả.


Chính ta là người phải biết ngay các đặc tính phổ quát của sự hiện hữu của ta. Đó là ba đặc tính: vô thường, khổ và vô ngã. Nhờ thế tâm bình an sẽ phát sinh. Không có gì bền vững và lâu dài. Ta quan sát và suy tư về các sự thật này để buông sự bám víu, để chấp nhận rằng thực tại là như thế. Đó là cách nhìn sự vật để có thể phát sinh chánh kiến:

“Bất cứ điều gì phát sinh cũng sẽ giúp ta phát triển trí tuệ”. 



Luang Por Liem



Các tin tức khác

Back to top