Ăn chay 1 tháng 6 ngày là những ngày nào?

26/08/2020 7:55
Ăn chay để thể hiện lòng từ bi đối với muôn loài và ngày càng có xu hướng lan rộng trong cộng đồng với nhiều hình thức khác nhau. Những người có lịch ăn chay 1 tháng 6 ngày gồm mùng 8, 14, 15, 23 và 29, 30 âm lịch. Họ sẽ kiêng ăn thịt, cá, ngăn cấm sát sinh.

Hình thức ăn chay 1 tháng 6 ngày xuất phát từ đâu?


Theo Phật giáo, các hình thức ăn chay trong 1 tháng có rất nhiều, quý Phật tử có thể ăn 2 ngày, 4 ngày hoặc có thể ăn chay theo tháng và đặc biệt là ăn chay trường.


Ăn chay giúp tăng thêm phần công đức trên phương diện tiến tu qua lời dạy của Đức Phật là vì lòng thương xót chúng sinh; tránh ác báo của nghiệp sát và muốn dứt tâm tham nhiễm nơi vị trần.


Theo cố Hòa thượng Thích Thiền Tâm, điều cần yếu là khi ăn phải từ nơi cơ bản thiết thực của nó. Không nên vì mê tín phi lý, vì háo danh muốn được tiếng khen mà ăn, hoặc sinh lòng kiêu mạn trở lại khinh người ăn mặn.


Theo đạo Phật có hai phương thức ăn chay là chay trường và chay kỳ. Đối với ăn chay trường là tự nguyện suốt đời dùng chất thanh đạm, không thọ dụng đồ huyết nhục. Còn ăn chay kỳ thì theo những ngày trong tháng, trong năm. Cụ thể là Nhị trai, Tứ trai, Lục trai, Thập trai, Nhất ngoạt trai, Tam ngoạt trai.


Ngày lục trai, Phạn ngữ gọi là Bô sa tha (Posadha), cùng với Bố tát của Phật giáo (mỗi nửa tháng Bố tát thuyết giới) đồng một nghĩa là trưởng tịnh, nghĩa là trưởng dưỡng thiện pháp, thanh tịnh phạm hạnh.


Kỳ thật, Tỳ kheo nửa tháng Bố tát thuyết giới cùng với 6 ngày trai có quan hệ rất sâu xa, như Tát Bà Đa Bộ Tỳ Ni Ma Đắc Lặc Già quyển 6: “Các ngoại đạo ở thành Vương Xá ngày mùng 8, 14, 15, tập họp một chỗ tụng Kinh được nhiều lợi dưỡng, quyến thuộc thêm đông. Bình Sa Vương tin Phật pháp Tăng đi đến chỗ Phật… Phật nói cho các Tỳ kheo ngày mùng 8, 14, 15, tập họp một chỗ tụng kinh thuyết pháp”. (Ấn Độ đương thời đem một tháng chia làm 2 tháng gọi là bạch nguyệt và hắc nguyệt, mỗi tháng chỉ có 15 ngày từ 1 đến 15, không có 16 đến 30). Đến việc Bố tát, nguyên nhân cũng vì “các ngoại đạo Phạm chí ở thành Vương Xá mỗi tháng 3 lần tập họp, những người quen biết quây quần cúng dường thức ăn uống. Phật khuyên Bình Sa Vương đặt pháp chế, có Tỳ kheo thuyết pháp cho bạch y, bạch y thí thực cho Tỳ kheo, nguyên mỗi tháng 2 lần, dần dần tăng lên 6 ngày trai, 8 ngày trai (xem Phật học Đại Từ điển, trang 862 của Đinh Phúc Bảo) cho đến tăng lên 10 ngày trai.


Ăn chay 6 ngày trong tháng là những ngày nào?


Ăn chay 1 tháng 6 ngày là ăn chay trong các ngày mùng 8, 14, 15, 23, 29, 30 (tháng thiếu 28, 29). 


Vậy vì sao phải chọn 6 ngày này làm ngày trai? Kinh Đại Bát Nhã quyển 14: “Sáu ngày trai trong tháng là mùng 8, 14, 15, 23, 29, 30, chư thiên hội họp”. Kinh Tứ Thiên Vương ghi: “Ngày trai chư Thiên xem xét người thiện ác: Tu Di Thiên Vương tức là đệ nhị thiên, Thiên đế tên Thích Đề Hoàn Nhân phước đức vòi vọi, Điển chủ tứ thiên, Tứ thiên Thần vương, tức là Nhân Tứ Trấn Vương mỗi người quản một phương, thường thường mỗi tháng vào ngày mùng 8 sai sứ giả xuống đi khắp thiên hạ dò xét đế vương, thần dân, long quy, các loài côn trùng, tâm nghĩ miệng nói thân làm thiện ác. Ngày 14, sai Thái tử xuống; ngày 15, Tứ Vương xuống; ngày 23, Sứ giả xuống; ngày 29, Thái tử lại xuống; ngày 30, Tứ vương tự xuống”.


Số ngày ăn chay là tùy thuộc vào lòng tin cũng như điều kiện của mỗi người, Phật giáo không bao giờ ra quy định hay ép buộc các tín đồ của mình thực hiện nghĩa vụ ăn chay khắc nghiệt. Ăn chay 1 tháng 6 ngày này được phân bố đều trong tuần của tháng để nhắc nhở các Phật tử thường xuyên tu tập tâm từ bi đến với các loài động vật mà không nỡ giết để làm thực phẩm cho mình.




Tuệ Lâm


Các tin tức khác

Back to top