MỘT CHUYẾN ĐI NHIỀU Ý NGHĨA

2/06/2014 12:46
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình

Hội thiện nguyện TÂM BỒ ĐỀ đến xã Cư Drăm huyện Krông Bông tỉnh Đắc Lắc lúc 10 giờ sáng ngày 31 tháng 5 năm 2014. Sân trường THCS Cư Drăm đã có khoảng 300 người dân đang chờ đợi. Trên Thư mời hiện rõ thời gian: 7:30 ngày 31/5/2014; nghĩa là, những người dân nghèo đã chờ hơn 3 tiếng, họ đã đến từ sáng tinh mơ.

IMG 0979

Mỗi người dân có Thư mời được các bác sĩ khám bệnh (ngoài các bác sĩ của TP.HCM, có 02 bác sĩ và 01 điều dưỡng của tỉnh Đắc Lắc), phát một phần thuốc và một phần quà gồm 5 kg gạo, 1 chai nước mắm, 200,000 đồng (hai trăm nghìn đồng). Tổng số tiền đã trao là 45,000,000 đồng (bốn mươi lăm triệu đồng) cùng với 1,500 kg gạo; một số quần áo và tập sách cho học sinh, bánh kẹo cho các em thiếu nhi.

IMG 0984

IMG 0987

Đoàn đã làm việc liên tục từ 10:30 đến 15:00 ngày 31/5/2014. Bữa trưa muộn được triển khai làm hai ca, nhóm này dùng bữa, nhóm kia vẫn tiếp tục công việc. Chưa bao giờ một bữa cơm chay lại ngon lành và đậm đà tình cảm đến như vậy.

Trong 300 mảnh đời được khám bệnh, phát thuốc và trao quà, có những câu chuyện đời hé mở mà chúng tôi kịp ghi lại một trường hợp đáng quan tâm nhất:

Người mẹ tên là H' Duynh Niê, sinh năm 1983 (toa thuốc số 103), có đứa con trai 11 tuổi Y Doanh Niê bị dị tật vẹo cột sống và suy dinh dưỡng rất nặng. Chị nói năm 2012 từng đưa con xuống Bệnh viện Phục hồi chức năng Tp.HCM khám bệnh, vì chi phí cho phẫu thuật khá cao nên chị dẫn con về. Sang năm, cháu học lớp 6 chính ở ngôi trường mà Đoàn khám bệnh đang làm việc: THCS Cư Drăm.

 Graphic1

Y Doanh Niê đang ngồi cạnh mẹ

Biết được hoàn cảnh đặc biệt của mẹ con chị, anh Nguyễn Hòa Phương - Đại diện Hội thiện nguyện Bồ đề tâm - đã giúp cháu bé 500,000đ (năm trăm ngàn đồng, số tiền ngoài dự kiến) để an ủi một sự tủi thân đang hằn rõ trên dáng người nhỏ nhắn và khắc khổ.

Không phải là lần đầu đến Đắc Lắc, nhưng là lần đầu của chuyến đi mang tính chất thiện nguyện, thực hành bài học trao yêu thương để nhận về yêu thương.

Thực lòng, tiền và quà của chuyến đi ... không có một chút gì là đóng góp của mình! Mình đi chỉ để hiểu - hiểu người dân nghèo - mà thầy Nghĩa nói là nghèo không có nơi khác nghèo hơn! Mình tin là, với khả năng của mình tới nơi đó cũng làm hoạt náo được, giúp cho chương trình một vài tiết mục vui. Thế nhưng, ngay lời mở đầu đã thất bại, mình thấy rằng ... hiểu đúng rồi mới nói đúng, mới pha trò sẽ tốt hơn. Mình im lặng, lao vào việc hướng dẫn và giữ trật tự đồng bào giúp cho các anh chị tình nguyện viên khác. Và mình cố gắng vừa hướng dẫn, vừa quan sát, vừa thu vào máy ảnh những khoảnh khắc xúc động nhất.

Chương trình gần kết thúc, có một bác trai ngồi hoài không về: Kiếm cho tui một cái quần tây! Mình lao đi kiếm quần, mới hiểu ra một điều nữa: Các anh chị tình nguyện cũng tạm ngưng phát áo, vì đồng bào chen lấn nhiều quá. Một bạn gái đã khàn tiếng giữ trật tự qua loa... Rồi, mình mượn loa, giúp bạn ấy thở một chút. Rồi mình giữ được trật tự một lúc, còn pha trò một chút nữa... Một cái áo rất thời trang: thun bó, hai dây. Hỏi đồng bào ai thích áo này? Nói thiệt là ... đồng bào vợ tui ở nhà cũng chưa có! Những tiếng cười vang lên... Mười lăm phút cuối cùng qua nhanh quá (mình mới tự tin được chừng ấy phút thôi mà!)

Chiều cao nguyên xuống rất nhanh. Kỹ sư Tống Viết Vinh - cháu gọi thầy Nghĩa bằng cậu ruột - xuất hiện. Chàng làng tử làm nhóm nhỏ xung quanh thầy Nghĩa - khán giả chăm chú nhất là mình - lắng nghe rưng rưng một điển tích về loài chim hiếu thảo. Khi lãng tử nói lối hơi tuồng Bình Định: "Đa tạ đất trời đã sản sinh cho đời một loài chim hiếu nghĩa, thảo ngay", mình bật khóc như học trò trong Lễ tri ân mình từng làm chúng khóc hôm 13/5/2013. Chim oanh hiếu đi tìm mồi cho cha mẹ bị mù, mắc vào bẫy của bác nông dân, oanh nghĩa và oanh thảo ra sức cứu bạn mình, có nguy cơ cả ba đều phải chết! Hai người bạn xin chết thay cho oanh hiếu - vì hiếu phải sống để tha mồi cho cha mẹ... Người nông dân bật ra câu nói lối...đa tạ đất trời. Mình định đứng lên ... đa tạ Viết Vinh, thì một người đồng bào xuất hiện - A Ma Xoan, mang theo một bao bơ hái từ vườn nhà cúng dường thầy Nghĩa (Bao bơ được chở trên xe máy, đoạn đường dài 30 km, chiều cao nguyên có mưa). Bên trái mình là chú A Ma Xoan, bên phải mình là một học trò của thầy giáo Nguyễn Văn Bảo Nguyên - con trai của người soạn vở ca kịch ấy. Trước mặt mình là Truyền nhân Viết Vinh. Như là cuộc hội ngộ trong một mối tương tri vi diệu của tình người. Chợt nghĩ, mình như là một cánh Hoa Phượng lạc chốn cao nguyên này, ước gì có Hà Triểu của mình cùng đi thì sẽ nghĩ ra ngay cái tứ của Lễ tri ân 2015 từ điển tích về loài chim oanh hiếu ấy. Khi mọi sự đủ duyên hội tụ, nó cứ diễn ra như là có bàn tay của một đạo diễn tài hoa, sắp đặt mà như là không sắp đặt.

Đêm cao nguyên ấm lòng với bữa cơm tối ở quán Thiên Ân. Lần đầu tiên trong đời sau 24 tiếng đồng hồ "toàn chay" mà mình vẫn thấy thèm ăn. Chiều 30/5/2014, trước khi lên xe mình ... tự nguyện dùng bánh bèo chay; tối đó, cả đoàn dùng chay, mình cũng "chay" theo; sáng 31/5, quán Thiên Ân là quán chay nên cả đoàn ai cũng dùng chay! Trưa 31/5, làm việc không ngưng tay, nên dùng chay mà thấy ngon đến hột cơm cuối. Bữa cơm chay cuối cùng của chuyến đi, mình tự tin đứng lên mời thầy Linh Trúc - Người con Phật xuất gia - hòa mình ngồi chung bàn, đứng lên khoanh tay mời người lớn tuổi nhất bàn là biên tập viên Trung Châu. Mình ăn ngon lành đến mức người bên cạnh thấy mình ...như là chưa ăn khi cô ấy chợt nhìn vào chén! Suy cho cùng, việc ăn chay cũng phải đủ duyên thì mới ăn như là ăn vậy.

Đêm cao nguyên khép lại khi cả đoàn ghé Thiên đường Cafe Mê Hy Cô. Mấy cô trong đoàn nói nếu không ghé chỗ này, coi như là chuyến đi toàn là "làm" mà không được "thư giãn". Bên ly ca phê đúng chất Ban Mê, nhiều người bàn về quán đẹp nói riêng và cái đẹp nói chung; cái đẹp Sắc - Không dần hiển lộ. May là, trong khuôn viên quán Mê Hy Cô có một ngôi nhà gỗ - nhà rường xứ Huế, một hiện thân của cái đẹp "có vật thể". Thầy Linh Trúc hỏi mình vì sao tám cửa gỗ? Ý nghĩa của tám cửa gỗ ấy là gì? (Cũng may là có ... nghiên cứu trước rồi, khi xem Hồng Ánh đóng Trăng nơi đáy giếng - nhân vật sống trong ngôi nhà y chang nhà này). Hai cửa giữa là một đôi khép lại - cửa chính, mỗi bên có ba cửa khép vào, đối xứng thành ba cặp. Khi có đại khách, cửa chính mới mở; khách thường không ai dám bước qua cửa chính đó; và theo thứ tự nam tả, nữ hữu và mối giao hão với chủ nhà mà vào nhà bằng cửa nào, trong ba cửa tả, ba cửa hữu. Với ngôi nhà tam đại đồng đường, ba cửa đó cũng chính là ba lối đi dành cho khách của ai: chủ nhà, con của chủ nhà, hay cháu của chủ nhà, theo thứ bậc càng xa cửa chính càng nhỏ dần... Thầy Linh Trúc mắng yêu: "Chắc con rành phép tắc Nho gia...".

Xe về tới Việt Nam Quốc Tự, tưởng đâu là ai về nhà nấy, ngủ một giấc say. Nào ngờ, thầy Nghĩa còn chu đáo mời một tuần trà ở Chùa Bửu Đà. Quý thầy bàn về Văn - Tư - Tu. Biên tập viên Trung Châu cười thật bao dung khi mình thổ lộ: Hình như là, cá tính nghệ sĩ làm cho con hơi khó tu! Hai vị Đại đức cùng kết luận: Hay là, con cứ quan sát cuộc sống ... theo quy tắc nhìn của một tăng sinh đi! - Là sao thưa thầy! Là nhìn thẳng lối mình đi, mắt ngó đừng vượt qua chóp mũi! Nghe lời thầy mà con thấy lòng hổ thẹn - Là tự con biết mình còn ... ngó láo liên, nói xiên nói quàng nhiều lắm...

 

Mình từng tự hào, hùng hồn giảng cho học trò: Sống là cho đậu chỉ nhận riêng mình. Và cũng đã hơn 10 năm, Tăng/ Ni sinh lớp Sơ cấp Phật học quận Tân Bình, quận Ba thường nói với mình là: Cho cũng là nhận/ Nhận cũng là cho... Đúng là mình chỉ bỏ ra 48 tiếng đồng hồ của hai ngày cuối tuần, đi và về khoảng 1,000 km, tháp tùng một Chuyến đi thiện nguyện, chứ mình chưa hẳn là một tình nguyện viên, mình được nhận về nhiều điều hơn là những gì mình vừa kể. Mình được nhận về nhiều hơn mục đích ban đầu khi hứa sẽ đi cùng đoàn với thầy Nghĩa: Xem thực tế dân vùng sâu, vùng xa, vùng cao khổ như thế nào. Điều quan trọng là, lâu nay, có khi mình đinh ninh là ...nghĩ như vầy đúng rồi, nói như vầy chuẩn rồi, làm thế này là hoàn hảo rồi! Xin được trạng thái rỗng không để tâm đừng kiêu mạn. Xin được một hữu hạn đời người sống có ích hơn giữa vô hạn thời gian.

Mùa hạ năm Giáp Ngọ

Nguyễn Võ Nguyên An

Một số hình ảnh ghi nhận thêm trong chuyến thiện nguyện này

IMG 0986

 

IMG 0994

"Người thương người bao nhiêu cũng là thiếu - Người ghét người chút xíu cũng thành dư"

IMG 0993

Nụ cười an lạc quá đi

IMG 1001

"trao yêu thương sẽ nhận yêu thương"

IMG 1004

IMG 1020

Tận tình chăm sóc

IMG 1025

Bố ơi! hôm nay nhà mình được nhận quà hả Bố

IMG 0991

Thôi kệ!

 

 

 

 

Các tin tức khác

Back to top