Cận cảnh tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất Châu Á ở Bình Dương

6/07/2019 7:13
Tượng Phật nhập Niết bàn dài 52 m, cao 12 m nằm trên mái chùa Hội Khánh, dưới tượng là 20 bức phù điêu thể hiện cuộc đời của Đức Phật. Tổ chức Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ đã công nhận đây là tượng Phật nhập niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á.

Nằm tại số 35 đường Yersin thuộc phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh chừng 25km về phía Nam, chùa Hội Khánh là một ngôi cổ tự danh tiếng vào bậc nhất ở miền Nam với lối kiến trúc tiêu biểu xứ Đàng trong, trung tâm Phật giáo cổ truyền của vùng đất Bình An xưa, nơi đào tạo tầng lớp sĩ phu và nhiều thế hệ trụ trì của đất Bình An và đất Thủ Dầu Một sau này.

Nguyên chùa được Thiền sư Đại Ngạn thuộc hệ phái Bắc tông khai sơn trên một ngọn đồi vào năm Tân Dậu (1741), niên hiệu Cảnh Hưng thứ hai đời vua Lê Hiển Tông. Năm 1860, chùa bị thực dân Pháp thiêu hủy trong chiến tranh. Đến năm 1868 (năm Tự Đức thứ 20), Hòa thượng Chánh Đắc đã cho xây dựng lại chùa mới dưới chân đồi, cách chùa cũ khoảng 100m về phía Nam, tức vị trí hiện nay.

Chùa Hội Khánh đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo nhưng về cơ bản vẫn giữ được nét kiến trúc cổ với 700m² diện tích gồm chánh điện, giảng đường, Đông lang và Tây lang. Năm 1917, chùa đã xây lại giảng đường và Đông lang, đến năm 1984 mới xây dựng lại Tây lang. Trong hai năm 1990 - 1991, ngôi chánh điện cũng đã được xây dựng. Ngày 29-2-1992, di tích chùa Hội Khánh đã được tiến hành đại trùng tu.

Tại gian chánh điện, ngoài bức tượng Phật cao khoảng 2m được đặt ở chính giữa, chùa còn tôn trí cả trăm tượng Phật, Bồ tát hầu hết đều được tạc bằng gỗ và sơn son thếp vàng, là công trình tạo tác của nhóm thợ nổi tiếng đất Thủ vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đặc biệt bộ tượng thập bát La hán cao khoảng 90cm mang dáng dấp Việt Nam với thần thái an nhiên tự tại được khắc họa một cách tài tình, ba tấm bao lam với các hình chạm khắc tứ linh, tứ qúy, cửu long và thập bát La hán… cũng là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Với 150 năm tồn tại, chùa đã qua nhiều đời trụ trì: Đại Ngạn - Từ Tấn, đời 37 dòng Liễu Quán (1741-1812), Minh Huệ - Chân Kính (1812-1839), Toàn Tánh - Chánh Đắc, đời 37 dòng Chúc Thánh (1839-1869), Chương Đắc - Trí Tập (1869-1884), Ấn Long - Thiện Quới (1884-1906), Chơn Thinh - Từ Văn (1906-1931), Ấn Bửu - Thiện Quới (1931-1941), Thị Huê - Thiện Hương (1941-1971), Đồng Bửu - Quảng Viên (1971-1988) và Nhựt Minh - Huệ Thông, đời 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ (từ 1988 đến nay). Trong đó, Hòa thượng Thích Từ Văn (vị trụ trì đời thứ sáu) đã được phong Tăng thống Hội phật giáo Nam kỳ và là người đã xây dựng chùa Hội Khánh tại Pháp năm 1920, Thượng tọa Thích Huệ Thông trụ trì chùa đương nhiệm đang đảm nhận Phó Trưởng ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương.

Tượng ở chùa Hội Khánh (Bình Dương) dài 52m, cao 12m, an vị trên độ cao của mái chùa cách mặt đất 24m, xung quanh là 840 cánh hoa sen và các chư tiên, đệ tử tề tựu.

Tượng ở chùa Hội Khánh (Bình Dương) dài 52m, cao 12m, an vị trên độ cao của mái chùa cách mặt đất 24m, xung quanh là 840 cánh hoa sen và các chư tiên, đệ tử tề tựu.

Tổ chức Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ đã công nhận tượng Đức bổn sư Thích ca nhập Niết bàn ở chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một, Bình Dương) là tượng Phật nhập niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á.

Tổ chức Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ đã công nhận tượng Đức bổn sư Thích ca nhập Niết bàn ở chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một, Bình Dương) là tượng Phật nhập niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á.

Chùa Hội Khánh đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hiện Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương đặt văn phòng tại đây.


Theo VNE

Các tin tức khác

Back to top