Học sinh trường Daylesford học hỏi theo con đường nhà Phật

4/03/2014 7:31
Buổi sáng của một ngày mới tại trường Daylesford Dharma School bắt đầu không phải bằng âm thanh chói tai của chuông tự động, cũng không phải bằng loa phóng thanh, nhưng bằng tiếng âm u dịu dàng của chuông ngân Tây Tạng.

Trấn tĩnh tâm: Học sinh ở trường Daylesford Dharma School bắt đầu buổi học với 15 phút thiền quán. 

Trong năm năm vừa qua, tiếng chuông hài hòa này đã là dấu hiệu để các em học sinh xếp hàng bên ngoài, giữ yên lặng trước khi bước vào trường Phật giáo chính mạch đầu tiên (và duy nhất) tại Úc.

Học sinh từ mẫu giáo tới lớp 5 – 40 em bắt đầu tuần lễ đầu tiên của học kỳ một, đây là con số đã tăng lên từ 15 em khi trường ra đời vào năm 2009 – đi hàng một vào thiền phòng và tìm trên sàn một bồ đoàn êm ái.

Ông hiệu trưởng Joel Hines nói, “Các em biết đây là thời gian tôn nghiêm. Có một chút gì tôn kính đối với không gian này. Các em nhỏ ngồi trước bệ thờ – mắt nhắm, chân xếp chéo, tay đặt trên lòng – và hít thở mấy hơi thật sâu.”

Nơi đó, dưới con mắt theo dõi của đức Phật thân hoàng kim và đức Phật đại từ bi, một chuông nhỏ ngân lên, báo hiệu thời thiền quán buổi sáng bắt đầu.

Ông hiệu trưởng nói, “Chúng tôi có thể bảo các em tưởng tượng ra gia đình hoặc bạn bè của các em ở phía trước, hoặc quán tưởng một trái cầu bằng ánh sáng trong hai tay mình – cảm nhận trái cầu này bay lên gửi đi năng lực tốt lành hoặc ánh sáng hoàng kim đó tới các chúng sinh khác – côn trùng, loài vật và con người trên thế giới.”

Tiếp theo 15 phút này là chủ đề hàng tuần “chương trình nhận thức“, chương trình này có thể bao gồm bất kỳ điều gì từ thầy cô diễn đóng một hành động rộng lượng, tới các em kể các câu chuyện về lòng tử tế.

Rổi tới học chữ và học làm toán. Dầu sao đây cũng là một trường tiểu học mà. Nhà trường theo sát học trình quốc gia và liên tục đạt được kết quả trên trung bình trong các trắc nghiệm NAPLAN.

Lisa Brock cư ngụ tại Hepburn Springs không thể nào hài lòng hơn được về sự giáo dục mà Holly, 10 tuổi, Anika, 8 tuổi và Mischa, 7 tuổi, đã nhận được từ khi các em về đây ở lớp mẫu giáo và bắt đầu phát triển “trí khôn bẩm sinh của chính mình.”

Bà Brock đã cân nhắc các trường ở Daylesford, Hepburn Springs, Yandoit, Drummond và Bullarto, nhưng rốt ráo bà muốn có được tính chặt chẽ về tri thức với “một khởi đầu dịu dàng hơn.”

Bà Brock nói, “Chúng tôi muốn một nơi mà chúng tôi biết rằng con trẻ sẽ được nuôi dậy như là ở nhà vậy. Nhà trường này khuyến khích các em nói ra các sự thật của chính các em.”

Dr Zane Ma Rhea thuộc Đại Học Monash đã nghiên cứu trong suốt 18 tháng trời những ngày đầu tiên của trường Daylesford. Ông đã yểm trợ nhà trường và khảo sát xem làm sao một đội ngũ thầy cô không tôn giáo lại có thể điều hành những lớp học đại loại theo “một cung cách Phật giáo” mà không biến nó thành một trường tôn giáo với các nhà sư làm người kèm dạy.

 

 

Ông Edmund, 40 tuổi, một người tiêu biểu từ thành phố chuyển về sống ở vùng quê có suối nước khoáng này, và đã từng là mọi thứ từ người chơi nhạc rock nội thành, người chạy xe đạp giao tin và giấy tờ cho tới người pha cà phê espresso và nhân viên xã hội phụ trách về thanh niên. Ông nói, “Người ta tiếp nhận Phật giáo hầu như bằng cách thẩm thấu vậy. Mọi thứ xoay quanh ngũ giới – lắng nghe và nói lời yêu thương, rộng lượng, trách nhiệm về thân thể, ăn uống với sự nghĩ nhớ chân chính, và tôn trọng mọi sinh mệnh. Quả thật có rất nhiều quan hệ nhân quả ở đây.”

Nghĩ nhớ chân chính là một trong những chữ mới và thời thượng được sử dụng trong những năm đầu tiên ở học đường, nhưng ở đây cũng có sự nối dài tế nhị bao gồm “vòng tròn giải quyết xung đột” và “bàn hòa bình” thân thiết hơn, ở đó các em thảo luận những sự kiện về mọi rắc rối và hành động gây hấn.

Từ ẩu đả tới việc gây bè kết nhóm, các em bàn chi tiết xem điều này sẽ làm cả hai bên cảm thấy như thế nào, và làm sao để có thể tránh không để cho vấn đề xẩy ra. Các em trong các lớp lớn đã có thể ngồi xuống đối thoại với nhau, không có thầy cô và cũng không có ai thúc dục.

Trường học tuy nhỏ nhưng cũng có thầy cô chuyên môn đến dậy các lớp tiếng Hoa, dậy đàn violin, đàn guitar, và giám sát thể thao. Nhà trường không ngăn cản sự thi đua. Người sáng lập và cựu hiệu trưởng Cô Andrea Furness tâm sự, “Con em chúng tôi năng động về thể chất tới mức không ngờ. Thua với thái độ vui vẻ và trong danh dự là điều chúng tôi dậy các em.”

Nhà trường thu học phí toàn phần $2800 một năm để giúp trả hợp đông thuê dài hạn cơ sở kỳ quặc của trường nằm trong những phòng giải trí của câu lạc bộ quần vợt địa phương. Trường có hai lớp học có thể di chuyển được qua sự tài trợ của chương trình BER, và trường có ý định mở rộng thêm.

Một cuộc gây quỹ tháng này tại chùa Quang Minh ở Braybrook với 350 người tham dự đã thu được $15.000 để góp vào ngân quỹ nhằm mua miếng đất u nhã đã có trồng cây ở vùng Musk gần đó.

Melbourne cũng đã quan tâm tới trường kiểu mẫu này với các cộng đồng người Việt, Thái và Sri Lanka dự định thành lập hai trường như vậy ở Braybrook và Spingvale. Daylesford cũng đang có kế hoạch lập một trường trung học.

Trong khi đó, các em ở Daylesford hiện có một nơi chốn tốt lành với cảnh quan Đồi Wombat đẹp nhất trong toàn thị trấn. Khoảnh vườn trồng rau ở đằng sau đang phát triển xum xuê, và ở đằng trước là một tượng Phật lớn nghỉ ngơi dưới cây cherry rủ cành.

Cũng tự nhiên thôi nếu người ta sợ rằng những em bé này sẽ bị nuốt sống ở bậc trung học nơi mà “tháo mở thực tế của chính mình” không giống y như một phần từ vựng của thời ấu thơ. Nhưng, ít nhất là qua những câu chuyện kể, sự chuyển tiếp cũng đã diễn ra tốt lành.

Cô Furness nói, “Luôn luôn có người nghĩ rằng chúng tôi mang đặt các em vào trong bong bóng nước. Nhưng chúng tôi bắt các em phải chịu trách nhiệm về mọi điều các em làm. Thầy cô biết các em có thể hư quấy và họ có thứ ngôn ngữ để đối phó với tình trạng này. Thật ra chúng tôi đập cho bong bóng vỡ tan tành.”

Konrad Marshall – The Age (26 tháng giêng, 2014) - Nguồn: huongdaoonline.net

Các tin tức khác

Back to top