Mandalay, thành phố của những ngôi chùa

6/08/2014 4:13
Du khách khi đến Mandalay (Myanmar) là tìm về những dấu ấn của cố đô một thời với những công trình liên quan đến Phật giáo được xây dựng từ khoảng 200 năm trước.




Thành phố Mandalay nhìn từ đồi Mandalay

Đây không chỉ là nơi hành hương thú vị của tín đồ Phật giáo thế giới mà còn là bảo tàng chứa đầy dấu vết của sự hòa quyện giữa chính trị, xã hội, văn hóa và Phật giáo của các đế chế Myanmar trước đây.

Mandalay cũng là trung tâm chính của các nghiên cứu về Phật giáo nguyên thủy, tu viện, đền chùa; và con người vẫn còn gìn giữ ý nghĩa tôn giáo sâu đậm ở Myanmar. Dưới đây là một số điểm nổi tiếng liên quan đến Phật giáo, không chỉ thu hút các Phật tử, các nhà nghiên cứu mà cả những du khách muốn trải nghiệm đất nước và con người Myanmar.

Thiền viện Atumashi

Nằm gần đồi Mandalay, thiền viện Atumashi (có tên là Độc Nhất) được vua Mindon cho xây dựng bằng gỗ teak và trát vữa từ năm 1857. Đây là dự án xây dựng liên quan đến tôn giáo cuối cùng được vua Mindon thực hiện.

Thiền viện là một cấu trúc đồ sộ (giống cung điện) bao quanh bởi 5 hệ thống bậc thang hình chữ nhật. Ban đầu, nơi này có 1 bức hình đức Phật lớn, cao gần 9 m được làm từ lụa và sơn mài quý. Nhiều đồ vật quý giá được đặt nơi bức hình này, trong đó có viên kim cương lớn (19,2 carat, do vua Maha Nawrahta tặng vua Bodawphaya) đặt ở trán đức Phật, bốn bộ Tripikata đầy đủ.

Khi người Anh sáp nhập Mandalay và Thượng Miến, rồi thiền viện và toàn bộ đồ vật bên trong bị đốt cháy năm 1890, chỉ còn vài trụ và một phần bậc thang. Viên kim cương lớn biến mất.

Chùa gỗ Shwenandaw

Shwenandaw là một công trình kiến trúc gỗ nổi tiếng, xa xỉ, được dựng trong thế kỷ 19, nằm cạnh Atumashi. Đây là một kiệt tác thể hiện trình độ chạm khắc điêu luyện của các nghệ nhân Myanmar.

Ngôi chùa này từng là một phần của hoàng cung tại Amarapura và vua Mindon chuyển về Mandalay. Chính vua Mindon đã trút hơi thở cuối cùng tại chùa này. Sau đó, vua Thibaw, con trai vua Mindon, di dời chùa ra ngoài khuôn viên cung điện hoàng gia và chuyển thành thiền viện năm 1880. Hoàng cung bị thiêu trong biển lửa hồi tháng 3.1945, Shwenandaw là công trình còn sống sót sau bao nhiêu bom đạn tàn phá thành phố này.

Ban đầu, chùa được sơn và dát vàng, nhưng thời gian đã làm bong hết lớp vàng phía ngoài.

Chùa Mahamuni Image

Gần hồ Kandawgyi, chùa Mahamuni Image, còn gọi là chùa Maha Myat muni, nơi được sùng kính nhất tại Mandalay. Trong chánh điện còn lưu giữ bức tượng Phật cao 3,8 m, nặng 6,5 tấn làm bằng vàng và trang trí bằng đá quý, chỉ nam giới mới được tới gần và dát vàng lên tượng.

Theo truyền thuyết, trong lần đức Phật thăm Arakan (ngày nay là bang Rakhine)  - lần thứ 4 đức Phật đến Myanmar - vua Candrasuriya tại vùng này đã xin phép tạc một bức tượng bằng kích thước của Đức Phật để thờ tại đền Mahamuni trên ngọn đồi Sirigutta.

Năm 1784 khi vua Bodawpaya đánh chiếm Arakan, ông đã chuyển bức tượng Phật cùng với chiến lợi phẩm và tù binh về. Ông cho xây chùa dưới chân đồi Mandalay để lưu giữ tượng Phật được cho là linh thiêng nhất vùng, để khẳng định sự mộ đạo của mình.

Những Phật tử mộ đạo và khách hành hương đến viếng tiếp tục bao phủ bức tượng Mahamuni bằng các lớp vàng lá chồng lên nhau. Có thể nói, bức tượng vẫn đang được làm lớn hơn mỗi ngày nhờ lớp vàng lá dát lên.



Bức tượng Phật dát vàng ở chùa Mahamuni Image

Tại chùa còn lưu giữ sáu bức tượng bằng đồng từ thời vương quốc Khmer, trong đó có những con sư tử, 2 bức là những chiến binh nam và một con voi ba đầu Erawan. Người ta đồn rằng, mọi bệnh tật sẽ được chữa nếu bệnh nhân đến rờ vào vùng tương ứng trên tượng đồng.



Phiến đá khắc tạng kinh tại chùa Kuthodaw

Chùa nằm phía đông nam chân đồi Mandalay, được vua Mindon xây dựng cùng thời điểm ông xây dựng quần thể hoàng cung tại Mandalay để dời đô từ từ Amarapura về.

Tạng kinh bằng đá cẩm thạch, được bắt đầu khắc vào khoảng năm 1860, khi Mandalay chuẩn bị tổ chức kỳ kết tập kinh điển lần thứ 5 (sự kiện đại hội Phật giáo thế giới) vào năm 1871.

Vua Mindon, một người sùng đạo nghĩ rằng Phật giáo liên quan đến sự tồn vong của quốc gia, mỗi khi đất nước bị xâm lăng, kẻ thù thường đốt kinh sách Phật giáo. Vì thế, để Kinh Phật được thống nhất và bảo quản lâu dài, ông đã cho thực hiện bộ kinh tạng trên 729 phiến đá và 1 phiến giới thiệu bộ tạng kinh.

Rừng tháp trắng ở chùa Sandamuni

Nằm kề chùa Kuthodaw, và khá giống Kuthodaw, chùa Sandamuni nổi tiếng vì có hệ thống tam tạng kinh bằng đá, ngoài ra còn có chú giải và phụ chú giải do người dân cúng dường xây dựng đầu thế kỷ 19.

Với 1.774 phiến đá được khắc chữ Myanmar đọc âm Pali và có mái che, quần thể này như rừng tháp trắng vươn lên trời. Ngôi chùa này ban đầu được vua Mindon xây nhằm tưởng nhớ người anh em cùng cha khác mẹ đã giúp ông củng cố quyền lực tại Pagan Min hồi năm 1853.

Nguồn: tinnong.vn

Các tin tức khác

Back to top