Một vị thầy sống hạnh nghèo nàn

26/02/2013 12:44
Có thể nói thiền sư Nhất Hạnh là một trong vài vị tăng sĩ làm ra tài sản lớn nhất trong giới tu sĩ Phật Giáo Việt Nam, nếu tính về lợi tức do bản quyền các cuốn sách mà ông trước tác, nhất là những cuốn được dịch ra nhiều thứ ngoại ngữ như Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây ban nha, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, v.v… Các tu viện do thiền sư thành lập tu tập theo pháp môn của ông, dù tại Pháp, Mỹ hay Việt Nam, nơi nào cũng có những thiền đường vĩ đại chứa hàng ngàn người. Nhưng trên mặt khác, những ai từng thăm viếng thiền sư tại các thất mà ông cư trú, dù là tại Làng Mai, hay tại các tu viện tại nước Mỹ như Rừng Phong, Lộc Uyển, đều thấy rõ lối sống vô cùng giản dị và đơn sơ của ông.

Trong phòng khách ở căn nhà tiền chế (moblie home) của Thầy tại Tu viện Lộc Uyển, ngoài bàn thờ Phật nho nhỏ, chỉ có một cái bàn thấp cùng dăm tọa cụ, một vài chậu hoa tươi, bộ chén uống trà. Trong phòng ngủ chỉ có một cái giường rất thấp, đúng ra là tấm đệm đặt ngay trên mặt đất, vài cuốn sách báo và một bàn viết có cây đèn, cùng hai cái ghế, một để ngồi viết, một để nghỉ ngơi.

 

Cốc "Ngồi Yên" của thiền sư Nhất Hạnh đơn sơ và thanh bạch tại Xóm Thượng (chùa Pháp Vân) làng Mai - Pháp quốc

Một Phật tử từ Los Angeles tình cờ đi tới tu viện Lộc Uyển (Deer Park monastery) vùng Escondido (California) đưa một cô em gái từ Việt Nam qua chơi, đã được vô thăm chỗ thất của thiền sư Nhất Hạnh. Cô Phương ngạc nhiên thấy “vị thầy nổi tiếng mà sống trong căn phòng đơn giản quá sức.” Nguời dẫn cô tới thăm thất của thiền sư Nhất Hạnh cho biết: “Bao nhiêu lợi nhuận thầy kiếm được đều dùng để duy trì các trung tâm tu học của thầy tại Pháp, Mỹ và nay tại Việt Nam. Ngoài ra tăng đoàn Làng Mai còn hỗ trợ các công tác xã hội liên tục từ thập niên 1960 tới nay, như mở trường mẫu giáo cho trẻ quê nghèo, cấp học bổng v.v…”

 

Lối sống thanh bạch đó, người ta đã thấy nơi thiền sư Nhất Hạnh từ lâu. Chúng tôi một lần qua Pháp cách đây vài năm, có may mắn đuợc phỏng vấn anh Thanh Hương, hiện nay cùng gia đình đang sinh sống tại ngọai ô Paris.

 

Anh Thanh Hương nguyên là một tu sĩ từ khi còn trẻ, từ năm 1970, anh đã ra sống cuộc đời của một cư sĩ. Khi còn sống trong Phật Học Viện ở Việt Nam trước năm 1966, anh đã dự nhiều lớp do thầy Nhất Hạnh giảng dạy, và sinh lòng cảm mến và khâm phục. Anh được học bổng qua Nhật trước năm 1975, nhưng sau khi đến Nhật Bản anh muốn chọn đi nơi khác, đã viết thư cho thầy. Anh được thiền sư Nhất Hạnh bảo trợ qua Pháp, nên sau đó đã có dịp sống bên cạnh Thầy thầy suốt những năm đầu thập niên 1970, trong cùng một căn phòng. Gần 40 năm sau, anh kể lại cuộc sống bên cạnh vị thầy cũ mà không kiềm chế được xúc động.

 

“Thầy Nhất Hạnh thời đó đã được rất nhiều người kính nể và được nhiều tổ chức cũng như cá nhân hỗ trợ để làm công tác từ thiện... Tôi là người duy nhất sống bên cạnh thầy, ở cùng một phòng, ăn cùng một mâm, vì căn ấp (appartement) thầy thuê được rất nhỏ. Tôi được thầy nuôi nhưng thầy để cho tôi rất tự do, hầu như không bao giờ bắt tôi theo ý Thầy hết... Mỗi ngày, Thầy và tất cả chúng tôi, có chị Cao Ngọc Phượng, tức là sư cô Chân Không bây giờ, cùng anh Steve, mấy nguời Pháp, nguời Mỹ mà tôi đã quên tên, làm việc chung với nhau trong căn nhà nhỏ đó.

 

“Các anh các chị chắc cũng biết thầy không chịu được mùi thuốc lá, thầy ghét khói thuốc lắm. Trong mấy năm tôi ở bên thầy, tôi vẫn không bỏ được thói quen hút thuốc đã nhiễm từ khi còn ở Việt Nam. Chúng tôi ở chung một phòng, hai người hai cái giường, lắm khi trời lạnh tôi hút thuốc trong phòng. Nhưng trong những năm đó tôi không bao giờ nghe thầy than hay trách mắng một câu nào về mùi khói thuốc. Thầy nhẫn nhịn, có lúc tôi nghĩ mình hãy thử xem thầy nhẫn được đến đâu, nhưng tôi không bao giờ thấy thầy bỏ mất tính nhẫn.

 

“Mỗi ngày, các người Việt và người ngoại quốc đến làm việc, viết văn thư, viết các lời kêu gọi cứu giúp các nạn nhân chiến tranh ở trong nước, mọi người đều quỳ bò viết trên nền nhà, vì văn phòng chỉ có một cái bàn thấp. Thời đó, thầy nhận đuợc rất nhiều tiền hỗ trợ từ bốn phương gửi tới để thầy làm các công tác xã hội tại Việt Nam. Các tổ chức quốc tế từ Hà Lan, từ Anh quốc, từ Đức ký những ngân phiếu hàng trăm ngàn mỹ kim để giúp công tác xã hội của Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội. Có lúc tôi đã hỏi tại sao thầy không trích một số tiền “viện trợ” đó mua sắm bàn ghế để văn phòng có vẻ khang trang hơn, nhất là khi cần tiếp khách ngoại quốc. Nhưng, thầy nhất định không bao giờ dùng tới một đồng nào trong số tiền người ta giúp. Phần thầy, Thầy chỉ sống bằng lương dạy học ít oi của một giảng viên bán thời gian trong Institut de France và ở đại học Sorbone, Paris...

 

“Thầy trò chúng tôi thuờng phải mua thực phẩm nuôi chim để lựa gạo, đúng hơn là lựa gạo tấm ra mà nấu cơm, vì đa phần trong đó là thóc và trấu... Mà cơm thì không một bữa nào đáng gọi là bữa cơm cả!”

 

Anh Thanh Hương bật khóc khi nhớ lại cuộc sống hàn vi bên Thầy thầy khổ hạnh. Sau cơn xúc động, anh Thanh Hương nói tiếp:

 

“Nếu phải tôi là Thầy thời đó, thì ít nhất tôi cũng tự cho phép trích ra một phần tiền người ta gửi tới – coi như "công tác phí" để mua thực phẩm hay mua vé xe buýt chứ? Tôi không thể sống quá khổ hạnh như thầy! Nhưng mình là học trò thì phải tu theo Thầy thầy thôi... Sau khi đã quen đuờng xá và ngôn ngữ, tôi mời bắt đầu kiếm việc làm để thêm chút phương tiện mua rau đậu phụ cho thầy...”

 

Anh Thanh Hương cũng nói về chiếc áo lạnh mới duy nhất mà thiền sư Nhất Hạnh đã mua ở chợ trời vào một mùa đông, khỏang năm 1971. Hai thầy trò đi chợ trời mua mấy thứ cần thiết, anh Thanh Hương thuyết phục Thầy thầy mua một chiếc áo lạnh, vì tấm áo của thầy đã cũ và sờn rách trông thảm quá. Ngần ngại mãi, thầy mới mua. Mua áo về rồi, mỗi lần xỏ tay vô là thầy lại cởi áo ra treo lên mắc. Thầy nói với anh Thanh Hương: “Mặc áo mới trông kỳ lắm!” Cái áo mới đó được để yên trong tủ cho tới lúc có phái đoàn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất qua Paris trong thời gian đang họp bàn hiệp định ngưng bắn, thầy Nhất Hạnh đem ra tặng thầy Huyền Quang. Anh Thanh Hương lấy làm thú vị về câu chuyện này, nên đã đứng chụp hình chung với thầy Huyền Quang khi thầy mặc cái áo mới của thầy Nhất Hạnh tặng. Anh nói, “Chắc chiếc áo lạnh đó bây giờ vẫn còn ở trong ngôi chùa nào đó, một trong những nơi mà thầy Huyền Quang đã bị quản thúc trong các năm qua.”

 

Anh Thanh Hương hiện nay không còn liên lạc thường xuyên với thiền sư Nhất Hạnh, anh thường tới giúp làm Phật sự tại chùa Khánh Anh, Paris. Nhưng nhắc tới vị thầy cũ đã có lúc sống bên anh, trong óc anh còn nhớ lại hình ảnh một người cùng anh làm những công việc tay chân khi cùng nhau tu sửa căn nhà ở miền quê gần Paris, là nơi thầy trò về ở, sau khi chiến tranh ở Việt Nam chấm dứt và các hoạt động cứu trợ ở Việt Nam cũng phải chấm dứt vì Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội bị giải tán. Thầy cũng làm những công việc sửa nhà, đẩy chiếc xe cút kít, hoặc quét giọn sau khi làm xong việc, như tất cả các đệ tử đến làm giúp. Anh mỉm cười khi nhắc lại: “Tôi từ bé được mẹ nuôi, vào chùa thì có bá tánh nuôi, cả đời tôi không biết nấu cơm bao giờ. Mỗi ngày, trong những ngày tôi mới sang Pháp thầy lo nấu cơm, canh, rồi chính thầy mời tôi ra ăn. Tôi ngượng quá, sau cũng phải tập nấu cơm để phụ giúp thầy.”

 

Anh Thanh Hương được thầy Nhất Hạnh khuyến khích học tiếng Pháp. Thầy bảo anh mỗi lần thầy đi dạy học, anh hãy theo thầy đi học luôn. Nhưng có nhiều bữa anh ngủ quên, nghỉ học luôn, thầy cũng không mắng. Đến cuối khóa anh bị thầy đánh rớt vì không học đủ, anh cũng chịu, mà thầy cũng không nói một lời trách mắng. Hình ảnh thầy trong trí nhớ của anh là một vị tăng sĩ sống trong cảnh bần hàn và đạo hạnh.

 

Sống đúng thân phận một “bần tăng,” ngày nay dù thiền sư Nhất Hạnh được các nhà xuất bản trả hàng triệu mỹ kim tác quyền, nhưng Thầy dùng tất cả tiền bán sách cũng như tiền cúng duờng của các khóa sinh tu học tại Làng Mai hay các khóa tu khắp thế giới, để nuôi các đệ tử tu sĩ và phát triển phong trào tu học ở khắp nơi. Thầy cung cấp phương tiện cho khoảng 500 tăng ni tu học tại Pháp, Mỹ và Việt Nam. Nhu cầu hoằng pháp cứu khổ ngày càng nhiều. Nghe tin Thầy đầu tỉnh Đà Nẵng đang xin thiền sư lập một một trung tâm Làng Mai tại tỉnh đó. Một trung tâm khác sắp được thành lập tại Chiang Mai, Thái Lan. Tại Hoa Kỳ, tu viện Rừng Phong và trung tâm Thanh Sơn (Vermont) khThầy đủ chỗ cho thính chúng nên tăng đoàn Làng Mai đã dọn về một trung tâm rộng hơn tại tiểu bang Nữu Ước. Tu viện mới có tên là Bích Nham (Blue Cliff), nguyên là một Resort có cảnh trí đẹp và nhiều phòng ốc; chỉ cần xây lên một thiền đường lớn nữa là mấy chục tăng thân vùng Nữu Ước có chỗ về tu tập.

 

Trong các tự viện, thiền sư Nhất Hạnh bắt buộc các tăng ni theo đúng thanh quy giới luật nhà chùa, không nới lỏng mặc dù đã được “hiện đại hóa” theo cuộc sống của thế kỷ 21. Hai cuốn Giới bản tân tu của khất sĩ và nữ khất sĩ, do tăng đòan Làng Mai ấn hành năm 2004, đề cập tới những sinh hoạt hiện đại như Internet, lái xe hơi v.v…Cũng có thêm các quy tắc mới như không được có điện thoại riêng, không xe gắn máy hay xe hơi riêng, và khi vào Internet phải có một bạn tu cùng vào để khỏi bị đi lạc.

 

Mỗi tăng ni sinh khi xuất gia theo thiền sư Nhất Hạnh đều phải từ bỏ hết của cải riêng bằng cách đem tặng làm phước hay trao lại cho gia đình – và “sống nghèo hành đạo” theo Thầy. Cô Chân Diệu Nghiêm (Jina), trụ trì chùa Cam Lộ Xóm Hạ - Làng Mai, nguyên trước kia là một thiền sư tu theo truyền thống Nhật Bản, đã từng đi giảng pháp, dùng tài sản riêng của cô – vì cô thuộc một dòng họ giầu có. Từ cuối năm 1990, cô về thực tập thêm với thầy Nhất Hạnh tại Làng Mai. Và mấy năm sau, cô Jina đã từ bỏ hết của cải riêng, bỏ chiếc áo tu màu đen của thiền Nhật Bản để mặc mầu nâu sồng đặc biệt Việt Nam, và sống cuộc đời giản dị, không có chút tài sản riêng - giống hệt như các huynh đệ, tỷ muội khác trong làng.


Theo Phù Sa OnLine

Các tin tức khác

Back to top