Chùm ảnh ngôi cổ tự Wat Arun ở Thái Lan

3/10/2015 4:51
Ngôi chùa hiện nay là địa điểm du lịch nổi tiếng tại Thái Lan, là địa điểm tuyệt vời cho du khách thập phương khám phá, ngôi chùa nằm ngay bên bờ sông huyền thoại Chao Phraya, toàn cảnh nơi đây rất đẹp và mang phong cách đậm nét Thái Lan, ngôi chùa là một trong những biểu tượng du lịch của Bangkok Thái Lan.
Thái Lan Phật giáo Quốc đạo, với khoảng gần 100% dân số là Phật giáo đồ. Sự ảnh hưởng của Phật giáo tác động vào đời sống của người dân Thái rất sâu sắc và xem như đạo của Tổ tiên, tự viện Phật giáo là mái nhà chung, nơi che chở hồn dân tộc, nơi sinh hoạt tâm linh quan trọng đối với nhân dân xứ Chùa Tháp này.
 
Ngôi cổ tự Wat Arun (Wat Arun Temple) nằm trên bờ tây sông Chao Phraya (sông Mê Nam), Thonburi. Ngôi Già lam cổ tự Wat Arun có tên tiếng Việt Bình Minh cổ tự (The Temple of Dawn). Wat trong tiếng Thái có nghĩa là chùa, còn Arun được sử dụng theo tên vị thần Aruna (thần bình minh trong văn hóa Ấn Độ), vị thần được nhân cách hóa từ tia nắng rực rỡ của mặt trời mới mọc. 
 
Từ Hoàng Cung - Chùa Wat Pho, du khách chỉ cần đi phà một đoạn ngắn để sang bờ kia sông Chao Phraya tham quan Ngôi cổ tự Wat Arun mang nhiều ý nghĩa lịch sử, với phong cách trang trí tinh tế và quang cảnh tuyệt vời. Hãy chọn vị trí đối diện bờ sông vào lúc hoàng hôn để có thể chụp những bức ảnh tuyệt đẹp cảnh chùa ngược ánh nắng chiều trên nền trời rực đỏ, hoặc ban đêm có trăng để chụp những bức ảnh màu sắc lung linh huyền ảo.
 
Ngôi cổ tự Wat Arun được xây bắt đầu được xây dựng vào thế kỷ XVII, khi Ayutthaya (tên đầy đủ Prác-na-khôn-Sỉ-A-yút-thay-ya- Phra Nakhon Si Ayutthaya) là thủ đô của Thái Lan, và nó có tên ban đầu là Wat Makok. Sau đó ngôi chùa này được Đại vương Thaksin (1734 -1782) phục dựng lại và đặt tên là Wat Chaeng khi ông thiết lập kinh đô mới ở Thonburi, sau khi triều đại Ayutthaya sụp đổ. Ngôi chùa bị hoang phế một thời gian dài, sau đó nó được phục hưng trở lại dưới triều đại Quốc vương Rama II (1809 - 1824) (miếu hiệu là Phra Buddha Loetla Nabhalai), đầu thế kỷ XIX.
 
Đây là ngôi Đại Già lam cổ kính nhất của Thủ đô Bangkok. Khi Đại vương Thaksin quyết định xây dựng kinh đô mới tại Thonburi Đại vương Thaksin đã thân lâm đến đây vào một buổi bình minh tỏa rạng. Vì thế đức vua mới đổi tên nó là Chùa Wat Jang, "Jang" có nghĩa là sạch sẽ, sáng sủa của buổi bình minh. Người thừa kế của ông, vua Rama I (miếu hiệu là Phrabat Somdej Phra Buddha Yotfa Chulaloke), khi rời kinh đô về Bangkok đã mang theo tượng Phật ngọc và xây dựng Chùa Emerald, ông đã mang thần tượng về đặt cạnh đền Phật ngọc. Quốc vương Rama II đã mở rộng ngôi cổ tự Wat Arun và cung thỉnh  mời chư Tăng đến thừa hành Phật sự và tu tập, xây dựng nhiều tòa bảo tháp, ông còn cho chạm khắc thần tượng riêng của mình.
 
Vua Rama III (1788- 1851) (miếu hiệu là Phra Nangklao Chaoyuhua) đã tiếp tục công việc của Phụ vương, mở rộng phần đền bằng đá cao 234 m và phần giữa cao 250 m. Hơn nữa Vua Rama III còn cho xây dựng thêm Tăng xá cho chư Tăng. 
 
Vua Rama IV (1804- 1868) (đế hiệu là Phra Chom Klao Chaoyouhua) trang trí đền bằng sứ và mang thần tượng mà Vua Rama I đem đến đền Phật ngọc trở lại ngôi đền này. Ông cho an táng vua Rama II tại đây và đổi tên thành Arun.
 
 
Điểm nổi bật nhất của ngôi Già lam Wat Arun là Bảo Tháp chính và bốn Bảo tháp vệ tinh ở bốn gốc. Ngôi Bảo tháp chính cao vào khoảng 80 mét và được thiết kế theo kiến trúc Khmer, biểu tượng cho núi Meru (Tu di), trung tâm của vũ trụ. Cả ngôi tháp chính và bốn ngôi tháp nhỏ này được xây dựng dưới thời Phụ vương Rama II, nhưng đến triều vua Rama III (1824-1851) mới hoàn thành. 

Ngôi Bảo tháp này nổi bật với màu sắc do được trang trí bằng vô số vỏ sò và mảnh sành sứ mà được cho là mang từ Trung Quốc đến. Trong chính điện thờ một bức tượng Phật được đúc dưới thời vua Rama II; và có người cho rằng tro cốt của vị vua này được an táng dưới bệ bức tượng. Xung quanh ngôi tháp chính là bốn ngôi điện thờ những bức tượng liên quan đến những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Phật: đản sanh, thành đạo, thuyết bài pháp đầu tiên và nhập Niết-bàn. 
 
 
Dọc hành lang của ngôi chùa có đến hơn 100 bức tượng Phật. Cũng như một số chùa khác ở Thái, ở đây có nhiều tượng Hộ pháp, mà một số trong đó là những vị thần Ấn giáo như Indra (vị thần sấm sét). Có một cầu thang dẫn đến sân thượng của ngôi bảo tháp, và ở đó ta có thể ngắm nhìn rõ hơn dòng sông Chao Phraya (sông Mê Nam) và những khu vực xung quanh.

Mặc dù ngôi tháp chính được xây dựng theo kiến trúc Khmer, thì những yếu tố Trung Quốc cũng có mặt ở đây. Ngoài những mảnh sành sứ có nguồn gốc Trung Quốc được sử dụng để trang trí, thì ngay nơi bệ của ngôi tháp cũng khắc chạm nhiều hình ảnh người lính Trung Quốc thời xưa. Ở phía mạn sông, có sau ngôi điện, mà chúng được phỏng theo kiến trúc Trung Quốc.
 
Mặc dù tên gọi là Bình Minh (Arun), nhưng ngôi chùa này trở nên huyền ảo hơn vào ban đêm và trở thành một trong những hình ảnh nổi bật nhất về đêm của vùng này, nhờ độ cao, ánh sáng, và sự phản chiếu của dòng sông Chao Phraya sát bên.
 
Ngôi chùa hiện nay là địa điểm du lịch nổi tiếng tại Thái Lan, là địa điểm tuyệt vời cho du khách thập phương khám phá, ngôi chùa nằm ngay bên bờ sông huyền thoại Chao Phraya, toàn cảnh nơi đây rất đẹp và mang phong cách đậm nét Thái Lan, ngôi chùa là một trong những biểu tượng du lịch của Bangkok Thái Lan.
 
 
 

Thích Vân Phong
 (Sưu tập)

Các tin tức khác

Back to top