Vì sao giới trẻ cần phải đi chùa?

21/11/2019 8:20
Vô tâm không phải là không có tâm mà là không có tham, sân, si khởi lên khi sáu giác quan gặp sáu trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Thật vậy, giả sử khi chúng ta bị chửi (thanh xấu), bị đánh (xúc xấu) mà không nổi sân thì quá hạnh phúc đúng không ạ? Để được như vậy, không gì hơn là mọi người thực hành giáo lý Bát chánh đạo.

Nhìn chung, đời sống vật chất ngày càng phát triển, đầy đủ, nhưng đời sống tinh thần thì vẫn còn chưa đủ đầy. Nhà cao cửa rộng mà lòng người còn nhỏ hẹp. Trí thức thâm sâu mà trí tuệ còn cạn mỏng. Hạnh phúc ít mà khổ đau nhiều. Điều tốt đẹp ít mà tệ nạn nhiều. Đạo Phật làm thay đổi cuộc sống, từ tiêu cực thành tích cực, từ nghèo thành giàu, từ xấu thành tốt, từ bất thiện thành thiện, từ khổ đau thành hạnh phúc.

Có người nói ai theo đạo Phật sẽ trở nên nghèo. Xin thưa, Thái Lan là nước Phật giáo nhưng không hề nghèo. Với lại, giàu hạnh phúc nhất nhì thế giới là Bhutan và Myanma (hai quốc gia Phật giáo). Như vậy, Phật giáo không làm người ta xấu đi mà làm cho người ta trở nên tốt đẹp, tiến bộ hơn. Tuy nhiên, nếu người trẻ không đi chùa học đạo thì đó là một điều bất hạnh cho đất nước. Phật pháp là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chỉ có Phật pháp là có cái nhìn đúng đắn nhất, đúng như chân lý. Cuộc sống không có chánh kiến dẫn đầu thì giống như người đi trong đêm tối mịt mù, không tránh khỏi việc sa vào hố sâu khổ đau. Người trẻ cần đi chùa học Phật pháp để biết cái gì là thiện, cái gì là ác, cái gì là nên làm, cái gì là không nên làm. Ít nhất cũng phải biết Ngũ giới, Nhân quả, Nghiệp, Tứ đế, Duyên khởi.

Giữa người trẻ với người già thì người trẻ lợi thế hơn trong việc học kinh điển và nỗ lực hành trì. Vì trí nhớ người trẻ còn tốt, nhanh nhẹn tiếp thu, năng động và sáng tạo hơn người già. Tuy nhiên, tuổi trẻ rất ham vui, cho nên các chùa nên tạo ra những môi trường phù hợp với giới trẻ, đồng thời không làm mất vẻ đẹp trang nghiêm của ngôi chùa và quý Thầy.

Người trẻ dễ sai lầm vì kinh nghiệm sống không có nhiều. Cho nên, người dẫn đầu cần phải có lòng từ bi, tha thứ, bao dung, nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ cho người trẻ tránh những cái gai nhọn trên đường.

Cửa chùa luôn rộng mở để đón nhận tất cả mọi hoàn cảnh, mọi tầng lớp, mọi tôn giáo, mọi lứa tuổi, mọi giới tính. Như vậy, giới trẻ dễ dàng đến với đạo Phật. Tuy nhiên, khi đến chùa, giới trẻ cần có kỷ luật, cũng giống như đến trường, các bạn cần tuân thủ nội quy. Nếu các bạn có kỷ luật thì dĩ nhiên các bạn sẽ yên ổn.

Trí tuệ Phật rộng lớn, lời dạy của Ngài cũng không ít, trải khắp mọi vấn đề trong cuộc sống. Mục đích của đạo Phật là diệt khổ cho chúng sinh, chỉ ra con đường Bát chánh để mọi người đi trên đó và gặt hái những điều hạnh phúc. Rốt ráo của đạo Phật là hạnh phúc tuyệt đối (Niết-bàn). Tất cả mọi người trên thế giới đều mong muốn có hạnh phúc, không ai muốn mình đau khổ mà người trẻ là một phần trong tổng số tất cả mọi người. Vậy không gì hơn là người trẻ cần phải học Phật.

Hạnh phúc trong đạo Phật rất thực tế, không phải mờ ảo hay viễn cảnh xa vời hay tưởng tượng. Hạnh phúc của đạo Phật đó là một trạng thái “vô tâm”, như Thiền sư Trần Nhân Tông có câu kệ:

“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì đến, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền”.

Vô tâm không phải là không có tâm mà là không có tham, sân, si khởi lên khi sáu giác quan gặp sáu trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Thật vậy, giả sử khi chúng ta bị chửi (thanh xấu), bị đánh (xúc xấu) mà không nổi sân thì quá hạnh phúc đúng không ạ? Để được như vậy, không gì hơn là mọi người thực hành giáo lý Bát chánh đạo.

Bát chánh đạo không dành riêng cho ai cả. Nó là tài sản chung của tất cả mọi người. Không phải theo đạo khác hay không có đạo là không được phép sử dụng. Giống như trời, đất, sông, núi, biển, nước, gió, ánh sáng... là tài sản chung của mọi người trên thế giới. Giới trẻ nên học Bát chánh đạo. Đó là con đường duy nhất để thoát khổ tuyệt đối. Ví dụ khi bạn học căng thẳng, bạn dừng lại và thiền định 15 phút, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Nếu bạn ngồi lâu hơn, bạn sẽ cảm thấy an lạc.

Khi bạn bực dọc, muộn phiền, bạn thực hành chánh tư duy (suy nghĩ theo hướng không dục, không sân, không hại), bạn sẽ buông bỏ được bực dọc, muộn phiền đó. Hay bạn thực hành chánh nghiệp (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm) và chánh mạng (nuôi mạng sống chân chánh), bạn sẽ tránh được bệnh tật, tù tội, đau khổ cho mình và người khác.

Đặc biệt, cuộc sống con người hiện tại không dài, mong manh vô thường, nay còn mai mất. Do đó, giới trẻ không nên chờ tới già mới tu học. Nếu cơ hội đã đến thì phải nắm lấy cơ hội, không để tuột mất cơ hội rồi hối tiếc. Chúng ta không thể biết trước ngày mai.

Tóm lại, người trẻ cần phải đến chùa để học cách báo hiếu cha mẹ, hiếu kính ông bà, thương xót mọi loài, làm lợi ích cho nhân sinh, mở rộng trí tuệ, hướng tới ánh sáng, quan trọng nhất là đoạn trừ phiền não, chấm dứt khổ đau. Những ngày rảnh rỗi, giới trẻ cần đến chùa, tiếp cận những vị thầy chân tu thật học để học hỏi, tháo gỡ những khúc mắc và thực tập chuyển hóa ngay trong đời sống hiện tại. Trong đạo Phật, có một pháp rất hay, đó là trạch pháp, nghĩa là phải biết chọn lựa pháp thích hợp. Pháp thích hợp đó là chùa có tu học, thầy có tu học, Phật tử có tu học, bạn bè có tu học, kinh điển phù hợp, giáo lý phù hợp. Người xưa có câu “chọn mặt gởi vàng” là ý đó vậy. Hy vọng, những bạn trẻ có duyên đọc xong bài này, sẽ phát Bồ-đề tâm đi chùa nhiều hơn để học đạo.


Tâm Huỳnh

Các tin tức khác

Back to top