Gia đình có con cái hiếu thảo với cha mẹ được Phật tán thán ngang bằng với Phạm Thiên

28/12/2012 3:15
Ðức Phật nhắc nhủ chúng ta hiếu kính cha mẹ, săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ, bởi vì làm như vậy cũng không đủ để trả ơn cha mẹ, nhưng theo đúng quy luật nhân quả của nhà Phật, công đức của người con hiếu thảo cũng đã vô cùng to lớn rồi.

Ðức Phật đã tán thán công đức của những gia đình hiếu thuận, và những người con hiếu thuận như sau:

"Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy, các con cái kính lễ cha mẹ ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Ðạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường".

"Phạm Thiên, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; các Ðạo sư ngày xưa, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa vói mẹ cha, đáng được cúng dường, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỳ kheo là mẹ cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời" (Tăng Chi I, 147).

Ðức Phật là bậc trí tuệ, bậc giác ngộ lớn, không gì không biết, không gì không thấy. Nhân thế nào quả thế nào, Ðức Phật biết rõ, thấy rõ như trong lòng bàn tay. Những điều Phật biết, Phật thấy, chúng ta không biết không thấy, hoặc chỉ biết và thấy một cách đại khái.

Công đức, quả báo cuả những gia đình, những con cái hiếu thuận với cha mẹ, thực là lớn lao vô cùng, nhưng chỉ có Ðức Phật mới thấy rõ, biết rõ và giảng giải lại cho tất cả chúng ta được biết một cách thật là sinh động và cụ thể.

Thi hào Nguyễn Du tác giả truyện Kiều, có câu:

"Dù xây chín đợt phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người".

Thông hiểu lời Ðức Phật về chữ Hiếu, chúng ta cũng có thể nói:

"Dù xây chín đợt phù đồ
Không bằng hiếu thuận mẹ cha một ngày".

Tất nhiên, đây là cách nói. Con cái không phải hiếu thuận mẹ cha một ngày mà cả đời mình. "Một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, như vậy suốt 100 năm, cũng không đủ để đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của mẹ cha" (Tăng Chi I, 75).

Phật dạy rằng gia đình nào hiếu kính cha mẹ thì cũng không khác gì Phạm Thiên. Không khác gì bậc Ðạo sư thời xưa, và xứng đáng được cúng dường. Ý nghĩa của những ví dụ ấy như thế nào?

Những người Ấn Ðộ giáo và Bà la môn giáo, ngày xưa xem Phạm Thiên (Brahma) như là vị Thần tối thượng của họ, còn theo đạo Phât, Phạm Thiên là cõi trời Dục giới và Sắc giới. Ðức Phật đánh giá gia đình nào có con cái hiếu thuận với cha mẹ, cũng không khác gì cõi trời Phạm Thiên vậy, và những người sống trong gia đình như thế cũng giống như chư Thiên ở cõi trời Phạm Thiên vậy. Kính lễ, tán thán những người con hiếu thảo không khác gì kính lễ, tán thán Phạm Thiên. Và sống trong những gia đình hiếu thuận với cha mẹ, cũng tức là sống hạnh phúc, an lạc không khác gì sống ở cõi trời Phạm Thiên. Các bậc Ðạo sư thời xưa được tôn quý như là các bậc Thầy hướng dẫn đời sống đạo đức và tâm linh cho dân chúng. Ðức Phật tán thán những ngưòi con hiếu thuận với cha mẹ, cũng không khác gì các bậc Ðạo sư thời xưa. Vì cớ sao? Chính là vì, gương sáng hiếu thuận cha mẹ cũng là gương sáng của cuộc sống tâm linh và đạo đức cao cả. Và bởi lẽ, những người con hiếu thảo với cha mẹ, được Ðức Phật coi trọng như Phạm Thiên, như các bậc đạo sư thời xưa cho nên họ cũng xứng đáng được cúng dường.

Ngưòi Ấn Ðộ ngày xưa xem lửa như một vị Thần mà họ gọi là thần Agni. Họ có tập tục tế lửa. Anh em ông Ca-Diếp, trước khi quy y Phật, vốn là những người theo đạo tế Thần lửa. Nhưng Ðức Phật dạy rằng, cha và mẹ chính là lửa đáng cung kính và cúng dường vì cha và mẹ đem lại sự sống cho con cái, cũng như lửa đem lại ánh sánt ấm áp và sức sống cho muôn loài. Ðức Phật dạy: "Thế nào là lửa đáng cung kính? Ở đây, này Bà la môn, những người mẹ, những người cha của người ấy. Này, Bà la môn đáng gọi là lửa đáng cung kính" (Tăng Chi I, 74).

Ðức Phật lại nói rằng, nguời con hiếu thuận với cha mẹ, cung kính, tôn trọng, phụng dưỡng cha mẹ với của cải do chính sức mình làm ra một cách hợp pháp, thì cha mẹ cũng thương mến lại người con, và nói về con mình với những lời tốt đẹp: "Mong rằng, nó được sống lâu! Mong rằng thọ mạng nó được che chở lâu dài!" (Tăng chi II, 106).



HT. Thích Minh Châu

 

Các tin tức khác

Back to top