Khiêm tốn & ngạo mạn

18/09/2014 10:05
Có vị Hòa thượng dắt chú Sa-di đi vân du.

Trên đường đi, chú thấy Hòa thượng đi trước thong dong, chú mang đãy vải đi theo sau, liền suy nghĩ: “Hòa thượng là người có tu hành, nên mới thong dong, tự tại như thế. Nay ta cũng lập chí tu hành đạo Bồ-tát để sau này còn phải giáo hóa chúng sinh.”
 

Chú vừa phát thệ nguyện rộng lớn thì Hòa thượng đi trước quay lại bảo: “Này! Con đưa túi vải thầy mang, cho phép con đi trước!” Chú Sa-di cảm thấy chẳng hiểu gì cả, vì sao bỗng nhiên thầy tôn trọng mình như thế? Đối xử mình tốt như thế? Hòa thượng nói nhỏ nhẹ, cung kính: “Bởi vì, con vừa phát tâm rộng lớn, muốn thực hành đạo Bồ-tát, cứu giúp khắp chúng sinh; cho nên thầy phải tôn trọng con, nhường con đi trước, để thầy mang đãy vải.”
 

Chú đành phải cung kính không bằng vâng lời, đi mãi, đi mãi; chú lại bắt đầu suy nghĩ: “Như thế này thì vui biết bao! Tự tại biết bao! Mình chỉ vừa phát tâm mà được thầy cung kính như vậy. Nếu như tương lai mình tu hành tiến bộ, được làm Hòa thượng, chắc được nhiều người tôn trọng.” Lúc tâm chú khởi ngông cuồng tự đại thì Hòa thượng lớn tiếng bảo dừng lại, tỏ thái độ rất bực bội nói: “Này! Con hãy mang đãy vải đi sau ta.”
 

Chú Sa-di cảm thấy thầy rất kì lạ, vừa mới bảo thế này; giờ lại thay đổi thế kia. Hòa thượng đoán được ý nghĩ của chú nên bảo: “Vừa rồi, con rất khiêm tốn lại phát tâm rộng lớn, sẽ tinh tấn tu học để cứu độ chúng sinh. Chí nguyện như thế rất cao quí, nên ta tôn trọng con. Nhưng nay con tu hành chưa ra gì mà lo tìm cách để người khác tôn trọng, quả là quá ngạo mạn. Đây là quan niệm sai lầm.”

ST

Các tin tức khác

Back to top