Hạnh phúc và khổ đau

7/08/2019 8:09
Hạnh phúc và khổ đau là cặp phạm trù tác động lên con người rất mãnh liệt. Những gì làm cho ta dễ chịu là hạnh phúc, còn những gì làm cho ta khó chịu là đau khổ. Hạnh phúc thông thường là được thỏa mãn những ham muốn. Tuy nhiên, sự ham muốn của con người thì không có giới hạn. Lòng tham không đáy. Khi ham muốn này được đáp ứng thì ta lại có ham muốn khác.

Sự hưởng thụ của con người chung quy không ngoài ngũ dục lạc. Ngũ dục lạc là hạnh phúc cao nhất mà cũng là duy nhất của một người bình thường. Tuy nhiên hạnh phúc này rất hão huyền và không chắc chắn. Vật chất có thể đem đến cho người ta hạnh phúc chân thật không? Nếu có thì tại sao những người có nhiều tiền vẫn có điều bất mãn trong cuộc sống. Ở những nước phát triển, nơi mà vật chất đạt đến đỉnh cao, nhưng không phải người dân nào cũng cảm thấy hạnh phúc. Rõ ràng, chỉ vật chất không thôi không thể đưa con người đến hạnh phúc viên mãn. 

Tiền bạc không làm cho người ta hạnh phúc, vậy sự thống trị thiên hạ có làm cho người ta hạnh phúc không? Alexander đại đế chinh phục gần như toàn thế giới nhưng ông ta có hạnh phúc không?(*) Khi đọc những trang sử hiện đại, chúng ta kinh hoàng khi biết hàng triệu người vô tội bị giết bởi các nhà lãnh đạo độc tài như Pol Pot, Idi Amin, Hitler. Họ tin rằng họ có thể tạo ra một thế giới mới bằng cách loại trừ những người không giống họ, những người mà họ cho là hạ đẳng. Nhưng họ đã đạt được gì? Cả thế giới phê phán và nguyền rủa họ. Thường thì cuộc sống của các chính khách, người có quyền lực lớn, rất không an toàn, mà trường hợp của Thánh Gandhi và Tổng thống Mỹ John Kennedy là những ví dụ. Hạnh phúc thật sự chỉ có thể được tìm thấy bên trong (nội tâm) chứ không phải được định nghĩa bằng những khái niệm như tiền bạc, quyền lực, vinh quang hay chinh phục lãnh thổ. Nếu những sở hữu có được do quyền lực, bất công, gian dối thì chúng sẽ là nguồn gốc đau khổ cho người sở hữu chúng. 

Những gì mà người này cho là hạnh phúc chưa chắc là hạnh phúc đối với người khác. Rượu thịt đối với người này là ngon nhưng có thể là thuốc độc đối với người kia. Đức Phật dạy có 4 loại hạnh phúc thế gian. Một là hạnh phúc có được tài sản, bao gồm tiền của, sức khỏe, tuổi thọ, sức mạnh, vẻ đẹp, con cái… Hai là hạnh phúc do biết cách hưởng thụ những sở hữu của mình. Người bình thường thì ai cũng thích hưởng thụ. Đức Phật không khuyên tất cả mọi người phải từ bỏ niềm vui thế gian nhưng phải biết cách hưởng thụ để không đem lại đau khổ. Hưởng thụ không chỉ cho riêng mình mà còn nên chia sẻ và giúp đỡ người khác. Miếng ăn, chúng ta ăn qua cổ họng là hết, nhưng nếu ta chia sẻ với người khác thì sẽ còn mãi. Những gì chúng ta cho đi, chúng ta sẽ được nhận lại. Chúng ta sẽ được người đời nhớ mãi về những điều tốt đẹp mà ta đã làm cho thế giới này. Tiên tri Mohammad nói rằng, “Những gì mà ta có thể tuyên bố là của ta thật sự là những gì mà ta cho đi”. Thứ ba là hạnh phúc của không mắc nợ. Nếu ta sống tiết kiệm và bằng lòng với những gì ta có thì ta sẽ không mắc nợ. Người mắc nợ luôn sống trong tình trạng lo âu và mặc cảm, nhất là với người chủ nợ. Mặc dù có nghèo, nhưng nếu ta không bị mắc nợ thì ta cũng thấy tinh thần mình nhẹ nhàng, thư thái, không bị ai chê trách. Sống mà không bị chê trách thì còn hạnh phúc nào bằng chứ. Người không bị chê trách không chỉ tự bản thân anh ta có niềm vui mà còn ảnh hưởng tích cực đến người khác bằng từ trường của hạnh phúc mà anh ta lan tỏa ra xung quanh. 

Đa số mọi người vui thích với niềm vui vật chất của ngũ dục lạc nhưng cũng có một số người tìm thấy niềm vui trong sự xả ly, từ bỏ. Không tham ái hay vượt lên trên niềm vui vật chất là hạnh phúc thuộc về tinh thần. Hạnh phúc thông thường của mọi người cũng tốt nhưng nó thường kèm theo đau khổ mà không phải ai cũng chịu đựng được. Đau khổ đến từ nhiều phía, từ tuổi già, từ bệnh tật, từ sự thay đổi, mất mát… Khi bị bệnh, chúng ta nên học cách chấp nhận và tự an ủi mình bằng cách nghĩ rằng bệnh như vậy là nhẹ rồi chứ không may mà bệnh nặng hơn nữa chắc chết. Phải chia cách với những người thân yêu của mình cũng là một nỗi khổ. Nhưng ta nên nghĩ rằng mọi nhân duyên đều có lúc phải kết thúc như thế. Đây là cơ hội để cho ta thực tập tính buông xả. Hoặc chúng ta có thể nghĩ rằng đây là kết quả của nghiệp mà ta đã tạo trước đây. Nói chung, trong cuộc sống, những cái bất như ý xảy ra thường xuyên hơn những điều như ý, cho nên ta phải học cách thích nghi và vượt qua trở ngại. Có câu nói rằng, “Khi ta cười, thế giới sẽ cười với ta. Nhưng khi ta khóc thì ta khóc một mình”. Ngay cả Đức Phật là một người đã đoạn trừ tất cả phiền não và nghiệp báo mà còn phải bị đau bệnh và tai nạn. Ngài bị nhức đầu, bị đau lưng, bị Đề-bà-đạt-đa lăn đá làm chân bị thương. Ngài phải sống một mình trong rừng suốt ba tháng khi những Tỳ-kheo ở Kosambi chia rẽ và không nghe lời Ngài… Dù hoàn cảnh thế nào thì Đức Phật vẫn không hề dao động. Giữa đau khổ và hạnh phúc, Bậc Đạo Sư luôn giữ tâm bình thản. Và chết có lẽ là điều đau khổ nhất của tất cả mọi người. Một số cái chết rất khó chịu đựng. Nhưng ai cũng phải chết, không có ngoại lệ, hoặc sớm hoặc muộn, hoặc kiểu này hoặc kiểu khác. Như trái cây chín thì phải rụng, mặt trời mọc thì phải lặn, hoa nở buổi sáng rồi tàn buổi chiều. Đã biết không thể tránh khỏi thì nên học cách buông xả để khi vô thường đến ta không sợ hãi, hoang mang. 


Sri Dhammananda 
- Thích Trung Hữu 
dịch

Các tin tức khác

Back to top