Tâm vô thường

7/10/2019 6:23
Người tu Phật phải thấy được lẽ thật, thấy được tâm vô thường của mình, mới có thể giảm thiểu những cay đắng trong lòng. Có những niềm vui thông thường trong cuộc sống khi chúng ta hòa hài, buông xả hết mọi muộn phiền, đó chính là những niềm vui chân thật đơn sơ bình dị mà không phải tìm kiếm ở đâu xa.

Chúng ta thử nghiệm xem cuộc đời có bao giờ vui trọn vẹn không? Không khi nào. Hồi sáng cười thôi là cười, nhưng chút nữa giận thôi là giận. Một miếng ăn không vừa ý, một lời nói không hài lòng, một cử chỉ không thích hợp với ta là bực bội, tức tối, sân hận ngập trời. Từ đó mà tạo nghiệp. Cho nên chỉ một ngày ngắn ngủi, chúng ta còn chưa có được niềm vui trọn vẹn, huống chi những năm tháng lâu dài!


Chúng ta có đủ thứ lý do để phiền não, cay cú. Khi giận thì giận luôn cả trời đất. Ví dụ nóng quá ta nổi giận với ông Trời: “Không biết ổng để nước trên đó làm gì mà không chịu mưa xuống cho người ta nhờ!”. Rồi nhằm hôm Phật tử đi chùa đông đảo, trời đổ mưa tầm tã, đường lầy lội bà con trợt té. Thế là ta tức giận thán oán Trời đất không biết điều: “Người ta đi chùa mà nổi sấm nổi chớp, không chút kiêng kỵ”. Chúng ta luôn luôn bất ổn với những tâm niệm không hoàn chỉnh của mình.


Người tu Phật phải thấy được lẽ thật, thấy được tâm vô thường của mình, mới có thể giảm thiểu những cay đắng trong lòng. Có những niềm vui thông thường trong cuộc sống khi chúng ta hòa hài, tươi tắn, buông xả hết mọi muộn phiền, đó chính là những niềm vui chân thật đơn sơ bình dị nhất mà không phải tìm kiếm ở đâu xa.


Nói như thế không có nghĩa là ta chấp nhận những thứ vui nhộn trên con thuyền đang bấp bênh. Bởi có những thú vui mà đằng sau của nó là tâm trạng bất an bất ổn, là sự đổi thay vô định không được chuẩn bị, đây không gọi là niềm vui chân thật. Trong cuộc đời có những nụ cười ra nước mắt. Hoặc có khi người ta chết đứng, vì quá khổ đau, không còn nước mắt ngôn từ để diễn tả nỗi cay đắng cùng tột trong lòng. Cả hai trường hợp này đều diễn tả sự đau khổ. 


Chúng ta nên xem xét trong cái vui của mình, nếu vui theo cảnh duyên bên ngoài thì không phải là niềm vui chân thật. Ngược lại, cái vui nhẹ nhàng xuất phát từ tận đáy lòng, không lệ thuộc bất cứ sự đổi thay nào, đây chính là niềm vui chân thật. Từ đó chúng ta nghiệm thấy lời Phật nói là không sai ngoa. Nếu chạy theo thú vui tạm bợ của cuộc đời thì phải chịu đau khổ, còn biết dừng lại, buông xả các thứ cố chấp thì an vui, hạnh phúc mãi mãi.


Chúng ta đã học bài học này từ lâu rồi, chứ không phải mới đây nhưng vì quên, nên mỗi lần đương đầu với sự đổi thay thì ta khổ. Như ta cũng biết rất rõ thân này có sinh thì có tử, sống chết là lẽ thường, nhưng khi người thân sắp chết ta liền hốt hoảng, than khóc, không ai ngăn được. Tệ hơn nữa, có khi không phải chuyện của mình ta vẫn chảy nước mắt ngon lành. Cho nên thi hào Nguyễn Du đã nói: “Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa” là vậy. Chúng ta dễ khóc quá. Điều này chứng tỏ lòng mình mềm yếu, không có nội tại vững vàng để đối diện với những dòng xoáy của cuộc đời. Nước xoáy của cuộc đời chính sự chao đảo, gập ghềnh, không ổn của mình. Nó lại liên tục và vô tận. Cho nên rồi chúng ta nói tu mà chẳng tiến được bao nhiêu, bởi sóng đời vây phủ hết rồi. Vì vậy mà ta khổ.


Người tu thiền phải có định, muốn định phải ngồi thiền. Ngồi thiền muốn yên phải buông hết các thứ vọng tưởng. Quả thực hằng ngày ta sống với bao nhiêu là niệm tạp loạn, bây giờ muốn yên phải loại trừ nó ra. Vì vậy đòi hỏi ta phải dừng lại, để thấy sâu lắng hơn, thấy tận căn đế của từng vấn đề. Một khi đã thấy được rõ ràng rồi ta mới làm chủ được mình. Đó là lẽ thực trong khi tu.


Trích "QUÁN NIỆM CUỘC ĐỜI" - HT. Thích Nhật Quang


Các tin tức khác

Back to top