Mười phương pháp tu hành theo lời dạy của Hòa thượng Tuyên Hóa

20/11/2019 8:17
Đây là mười phương pháp dạy trong kinh Hoa Nghiêm, nơi phần Trị Địa Trụ ở phẩm Thập Trụ. Thật sự ra phương pháp này không hạn cuộc nơi chư Tăng Ni, mà dành cho mọi người tu Bồ tát hạnh, tại gia và xuất gia.

Song nói rằng dành cho chư Tăng Ni là bởi chư Tăng Ni có điều kiện, nhân duyên thù thắng để thực hiện phương pháp này. Đồng thời, sinh hoạt của tăng chúng là sinh hoạt hướng về sự giác ngộ, phù hợp hoàn toàn với mười phương pháp của kinh nêu ra. Phương pháp ấy như sau:

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Tụng tập đa văn

Tức là học hỏi sâu rộng Phật pháp. Học để biết rõ Phật lý, chân lý. Học để tài bồi đức hạnh. Do đó đối tượng của việc học là chân lý, đưa tới sự giải thoát phiền não, phá tan sự mê hoặc của bản ngã.

2. Hư nhàn tịch tịnh

Đây là thái độ tự tại với đời. Nếu “đa văn” có nghĩa là chất chứa những tri kiến, chuyện thị phi của thế gian, thì mình chắc chắn chiêu cảm lấy đủ chuyện thị phi, phiền não ở đời; do đó mình sẽ kẹt trong vòng luẩn quẩn của “việc đời”. Nếu “đa văn” có nghĩa là huân tập chân lý trong kinh điển, tiêu hóa (internalize) đạo lý giải thoát, thì mình sẽ trở nên tự tại. Bởi thế, hư nhàn tịch tịnh là thái độ vứt bỏ chuyện đời, chuyện hơn thua, tranh chấp, chuyện lợi lộc cho mình. Mọi thứ tính toán cho mình đều không phải là nhàn, là tịch.

3. Cận thiện tri thức

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nghĩa là gần gũi những bậc thầy có kiến địa, giác ngộ hay giải thoát. Hoặc gần gũi những bậc thầy có trí huệ và đạo đức để dắt dẫn mình tu hành. Bậc thiện tri thức phải là bậc đi trước mình nhiều bước trên đường tu, do đó có thể khiến mình phát Bồ đề tâm, dạy mình trưởng dưỡng và thành thục Bồ đề tâm; cứu giúp lúc mình gặp bế tắc; chỉ bảo lúc mình còn đầy khuyết điểm. Do gần gũi thiện tri thức mình mới thành tựu được đa văn, tức là nghe nhiều những lời chỉ dạy của bậc thầy.

4. Pháp ngôn hòa duyệt

Nghĩa là nói năng ôn hòa, vui vẻ. Lời nói chỉ có thể ôn hòa, duyệt lạc khi mà tâm mình thật sự ôn hòa. Do đó mình phải tập thái độ không tranh: không tranh chấp với ai; bất kỳ việc gì, hãy sẵn sàng nhận lỗi, chịu thua. Không đấu lý, không tự bào chữa.

Khi tâm mình không thấy ai là kẻ thù, không có thành kiến về ai cả, cũng không cho rằng mình hay mình giỏi, cách mình làm việc là độc nhất đúng đắn thì mình rất dễ tự tại, ôn hoà. Nếu chú ý kỹ mình sẽ thấy có những lúc nhất định nào đó, mình hay thích lên giọng, cộc cằn. Những lúc ấy, trí huệ hay tâm mình không còn khống chế làm chủ lời nói nữa, bấy giờ thói quen hư xấu khống chế cái lưỡi mình.

Bởi vậy, phải tập lắng nghe lời mình nói, quán sát và chú ý từng lời, khiến lời không ngược lại với tinh thần “Bất tranh”.

5. Ngữ tất tri thời
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tức là nói cho đúng lúc. Cổ nhân dạy rằng khi nói chuyện, hãy xem mặt đối phương. Nếu người ta tỏ thái độ khó chịu, không muốn nghe, buồn bực thì chớ nói nữa. Gặp lúc đối phương không chú ý, đang bận rộn, đang nói, thì chớ ngắt lời, chớ nói. Biết đối phương không thích, không muốn nghe một đề tài gì đó thì chớ đem nó ra nói, bàn luận. Biết đối phương không có thì giờ đàm luận, thì chớ giông dài. Việc vô ích, vô nghĩa, việc thế tục thì người tu không nên nói.

Người xuất gia nếu thích đàm luận chuyện thế tục, chuyện tranh chấp, lợi lộc riêng tư thì chỉ khiến người tại gia khinh thường và chỉ trích. Chỉ nên nói những việc khiến người nghe phát khởi lòng tin, phát Bồ đề tâm, hoặc giải trừ được bế tắc và phiền não trong đời sống. Nên tập quán sát thời cơ, nhân duyên rồi hãy phát biểu.

6. Tâm vô khiếp bố

Tức là tâm không sợ hãi, bố úy. Không sợ hãi rằng pháp quá thâm sâu, mình không thể thọ nhận. Không bố úy rằng pháp quá khó tu, mình không thể thực hành. Khi tâm có hy vọng, có mong cầu thì tâm ấy lúc nào cũng có bố úy sợ hãi. Bởi vậy tập luyện tâm thái không khiếp bố là tập luyện tính không cầu. Hễ được dạy pháp nào thì tu pháp ấy, không mong cầu quả báo, không nghĩ tới mình sẽ được lợi ích gì.

7. Liễu đạt ư nghĩa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tức là dùng trí huệ tư duy, giải đạt thâm nghĩa. Đây không phải là hiểu bề ngoài, hay học thuộc làu. Liễu đạt nghĩa lý tức là thấy được sự thể hiện của nghĩa lý ấy trong cuộc sống. Ví như khi nghiên cứu đoạn: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thuý…” mình cần phải thấy sự vô thường ấy, không phải chỉ qua mặt chữ, lời văn, mà là qua trực giác và sự cảm nhận thực tại cảnh vô thường ở trần gian.

8. Như pháp tu hành

Trong quá trình liễu đạt thâm nghĩa, sẽ có những lúc mình không dùng suy nghĩ để hiểu rõ, cũng không thể dùng cảnh giới bên ngoài để minh chứng, những lúc ấy, đòi hỏi mình phải dùng cảnh giới thiền định để giải đáp. Bởi vậy người tu cần phải “Như pháp tu hành” để phát triển năng lực thấu hiểu chân lý bén nhạy hơn khả năng của đầu óc suy tư này. Như pháp có nghĩa là làm đúng theo sự chỉ dẫn, đúng với chân lý, đúng với giới luật, hợp với đạo đức nhân nghĩa. Khi tu không như pháp thì tức là tu không đúng theo lời thiện tri thức chỉ dạy, hoặc giả không phù hợp với tinh thần của kinh Phật, hoặc là tự mình sáng tác ra phương pháp cách thức hoàn toàn không theo một tiền đề, hệ thống hay quy củ, giới luật nào cả. Có kẻ ở trong chúng nhưng tự mình làm ra vẻ khác biệt, lập dị; Khi không cùng tu, không hòa đồng với đại chúng, mình phải quan sát, xem mình có tu như pháp hay chăng. Hễ như pháp tu hành thì không bao giờ có “cái mình”, “cái tôi” đặc biệt “nổi” hơn kẻ khác cả.

9. Viễn ly ngu mê

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Gốc ngu mê là ở lòng dục vọng, phiền não, chấp trước. Khi tu mình hãy nhớ mục tiêu là dứt trừ những thứ ấy. Càng tu phải càng bớt phiền não, bớt nóng giận, bớt cống cao, bớt dục vọng. Do đó sẽ thêm sáng suốt, nên Phật dạy phải “siêng tu giới, định, huệ để dứt trừ tham, sân, si”.

10. An trụ bất động

Tâm chỉ bất động khi nào tâm an trụ hay thấy được sự thật, chân lý bất biến. Bởi vậy trong mọi chuyện, mọi việc, mình phải phát triển con mắt biết thẩm thấu sự thật hay chân lý, gọi là trạch pháp nhãn. Phải biết nhìn xuyên thủng hiện tượng hay hình tướng để biết đặng chân lý. Khi ấy tâm mình lúc nào cũng an định, dù ở bất cứ hoàn cảnh trắc trở, xáo động nào đi chăng nữa. Khi tâm không còn bị tình dục, phiền não, vọng tưởng quấy nhiểu, thì lúc ấy tâm mới thật sự an trụ bất động.

Mười phương pháp trên, đa số đều dùng trí huệ để dẫn dắt, từ đó khởi thêm lòng đại bi thì mới tới được chỗ viên mãn. Song những phương pháp trên, có thể nói, vô cùng thực tiễn cho những ai sống trong tùng lâm: cứ tu tập theo chúng thì đường đạo ắt phải tiến bộ.

Hòa thượng Tuyên Hóa

Các tin tức khác

Back to top