Bát tà đạo, con đường đưa tới khổ đau

27/08/2013 2:31
Có thể là từ trước đến nay chưa có ai nói khổ tập (nguyên nhân của nỗi khổ) là lề lối sống. Khổ đau là do lối sống của ta dựa trên những tà kiến. Ví dụ, nếu thấy ta và con ta là hai thực thể khác nhau mà không thấy được con ta là sự tiếp nối của ta, thì cái thấy này là tà kiến.

Vì không thấy được sự thật tương tức nên ta còn có cái nhìn Nhị nguyên, kỳ thị cho rằng hạnh phúc của con không phải là hạnh phúc của mình, rằng khổ đau của con không phải là khổ đau của mình. Nhưng sự thật thì khi con ta khổ đau thì ta khó mà có hạnh phúc được. Tà kiến là không thấy được tính duyên sinh của vạn vật, không thấy được tính vô thường, vô ngã và tính tương tức của vạn vật. Trong con đường Bát chánh, con đường đưa tới sự diệt khổ, có chánh kiến. Còn tập đế là con đường đưa tới tà kiến. Người Palestin phải thấy nỗi khổ niềm đau của người Do Thái là nỗi khổ niềm đau của mình, và người Do Thái cũng phải thấy như vậy. Nếu có chánh kiến đó, hai bên sẽ cộng tác với nhau được, và hai bên đều có hạnh phúc. Trường hợp giữa cha và con, giữa người Mỹ và người Iraq, người Hồi giáo và người Ấn Độ giáo cũng vậy. Nếu có tà kiến, chắc hẳn sẽ có tà tư duy. Vấn đề này liên quan đến đạo đức. Bởi đạo đức là khả năng phân biệt được giữa cái chánh và cái tà. Người Việt diễn tả chánh là thẳng, còn tà là nghiêng. Muốn có đạo đức thì phải có cái thấy rõ ràng về chánh và tà. Tà kiến là cái thấy sai lạc. Tổ Lâm Tế nói: "Người tu phải có chánh kiến" (cái thấy chân chánh). Nếu cái thấy sai lạc, tư duy của ta cũng sẽ sai lạc, tà tư duy, và tà tư duy sẽ đưa tới sự sợ hãi và bạo động. Ví dụ, nếu nghĩ rằng ta không giết kẻ kia trước thì chắc chắn kẻ kia sẽ giết mình, và vì vậy ta phải tìm cách giết kẻ đó trước. Cái này gọi là tà tư duy vì sự thật không phải như vậy. Đây chỉ là cái thấy lầm lạc do nghi ngờ và sợ hãi đem đến mà thôi. Khi có tà tư duy, sẽ dẫn tới:

- Tà ngữ: Lời nói sai trái

- Tà nghiệp: Thói quen xấu

- Tà mạng: Làm ăn không chân chánh, phá hoại môi trường, cướp đoạt cơ hội sinh sống của những người khác, nói dối để người khác tiêu dùng những sản phẩm có hại cho sức khỏe của họ.

- Tà tinh tấn: Siêng năng không đúng chỗ, cứ mê mải làm việc suốt ngày đêm, đến nỗi quên cả gia đình và bản thân mình nên bị dồn chứa căng thẳng, lo lắng.

- Tà niệm: Lúc nào cũng nghĩ tới chuyện làm giàu, làm sao để có nhiều quyền hành, danh vọng và sắc dục, không bao giờ có mặt trong giây phút hiện tại; chỉ chạy theo, trôi lăn theo đối tượng của dục.

- Tà định: Chỉ chăm chú vào những chuyện trái với cái thấy tương tức, mình và đối tượng của mình không liên quan gì đến nhau, đối tượng của mình rất nguy hiểm, mình phải tiêu diệt nó.

- Tà kiến: Cái thấy sai lầm.

Khi niệm hùng hậu thì sẽ đưa tới định. Nhưng nếu đối tượng của niệm là dục thì đối tượng của định cũng chính là dục. Có những người lúc nào cũng nghĩ tới chuyện làm sao để có nhiều quyền hành, với người ấy đối tượng niệm của họ là quyền hành. Khi đối tượng của niệm là giàu sang, danh vọng hay sắc dục thì cái niệm đó cũng đưa tới một thứ định nhưng là tà định. Khi có tà niệm và tà định sẽ đưa tới tà kiến. Chính vì có tà kiến mới có tà niệm và tà định. Chúng tương tức với nhau. Tà kiến nuôi tà niệm và tà định, rồi tà niệm và tà định lại nuôi tà kiến, cứ vòng vòng như vậy. Đây không phải là con đường bát chánh mà là con đường bát tà. Sở dĩ chúng ta có khổ đau là bởi vì chúng ta đi trên con đường tà đạo: con đường của tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà định, tà niệm và tà tinh tấn. Phần tà nhiều hơn phần chính.

Bát chánh đạo đưa tới hạnh phúc và bát tà đạo đưa tới khổ đau. Khi đi tìm nguyên nhân của khổ đau thì ta có thể đi tìm ngay trong nếp sống hiện tại của ta, những nguyên nhân này đến từ con đường bát tà.

Khổ là sự thật thứ nhất, khổ tập là sự thật thứ hai, khổ tập diệt là sự thật thứ ba. Diệt ở đây là sự chuyển hoá, sự tiêu diệt những nguyên nhân đưa tới khổ, sự vắng mặt của nếp sống tà đạo. Sự vắng mặt của tập cũng đồng thời là sự vắng mặt của khổ. Đây là sự tiêu diệt tận gốc rễ. Sự thật thứ ba, diệt, xác nhận rằng ta có thể chuyển hoá được nếp sống này. Điều đó chứng tỏ rằng chúng ta có tự do ý chí. Với chánh niệm ta sẽ đi tới chánh định và với chánh niệm và chánh định ta sẽ đạt tới chánh kiến. Theo đạo Bụt thì rõ ràng là con người có tự do ý chí. Chánh niệm trong bước chân và hơi thở là một sự thực tập rất cụ thể để chấm dứt sự trôi lăn, để nuôi lớn tự do. Sự thật thứ ba (khổ tập diệt) được cụ thể hoá bằng sự thật thứ tư: khổ tập diệt đạo. Có sự thật thứ tư thì ta thấy sự thật thứ ba có chân đứng. Sự thật thứ tư là khổ tập diệt đạo. Khổ tập diệt đạo là con đường đưa tới sự chuyển hoá, đưa tới sự tiêu diệt nguyên nhân của khổ đau. Thực tập con đường Bát chánh, ta sẽ đạt tới tự do và nhổ được gốc rễ của khổ đau.

Chánh niệm là dây cương

Có một người hay nổi giận khi nghe người khác nói những điều không vừa tai. Những lúc ấy anh không làm chủ được mình, để rồi sau đó thì hối hận, tự buồn, tự trách mình là tại sao biết rằng nói như vậy, làm như vậy sẽ không đẹp mà vẫn nói, vẫn làm. Đó là bởi vì không cưỡng lại được thói quen, ngựa theo lối cũ. Thấy vậy, một người bạn muốn giúp anh ta. Người bạn nói: "Hôm nay đi họp mình sẽ ngồi cạnh bạn, mình sẽ cầm tay bạn trong suốt buổi họp.Và nếu khi người ta nói những câu tưới hạt giống giận trong bạn, mình sẽ xiết chặt lấy bàn tay bạn, khi ấy bạn phải trở về với hơi thở và mỉm cười, mặc cho họ có nói gì". Hôm ấy anh ta đã không bùng nổ như mọi lần. Đó là do sự can thiệp của chánh niệm. Người bạn phải xiết tay anh bởi vì chánh niệm trong anh còn yếu. Nhưng sau vài lần có mặt của người bạn thì chánh niệm trong anh được nuôi lớn và từ đó anh không cần người bạn ngồi bên cạnh mình trong mỗi buổi họp nữa. Điều đó chứng tỏ rằng không gian trong anh đang lớn dần lên, anh bắt đầu có tự do trong các buổi họp. Điều này có được là do đâu vậy? Do chánh niệm. Đây là đầu dây mối nhợ. Nếu ta nắm được cái đó, ta sẽ có tự do. Bốn sự thật hay Tám con đường là sự đúc kết từ kinh nghiệm thực tập, chúng không đến từ một đấng Thượng đế, và cũng không phải do một tự viện đề ra. Bốn sự thật là một sự kiện đạo đức có thể được chấp nhận bởi bất cứ ai. Dù là Phật tử hay không phải là Phật tử thì đó cũng vẫn là sự thật. Dù ta có tin vào Bụt hay không tin vào Bụt thì đó cũng là sự thật. Ngay trong bài thuyết pháp đầu tiên của mình, đức Thích Ca đã đề ra một nền đạo đức, một con đường. Nó rất thiết thực và không có tính siêu hình. Nó đưa chúng ta trở về với thực trạng của chính bản thân để mà hiểu, để mà thấy được con đường giúp ta chuyển hóa. Con đường này không dùng để suy nghĩ mà phải đem ra áp dụng. Mà hễ áp dụng thì sẽ có kết quả.

 

Thiền sư Nhất Hạnh

Các tin tức khác

Back to top