Niệm Phật là gì?

16/02/2020 8:21
Niệm Phật khi tâm của chúng ta bị loạn động thì sẽ lấn áp đi những dòng suy nghĩ tạp niệm ở trong lòng và có thể đặt tâm mình vào trong xâu chuỗi mà khi ta đang hành trì.

Niệm Phật nghĩa là gì?

Chữ niệm có nghĩa là nhớ, suy nghĩ, chữ Phật lại có nghĩa là giác. Như vậy, niệm Phật tức là chúng ta luôn luôn nhớ, nghĩ đến Phật hay nói rộng hơn là chúng ta luôn sống trong tỉnh thức và có chánh niệm trong mọi hành động. Chẳng hạn, khi tâm của chúng ta bị loạn động thì chúng ta sẽ dùng tiếng niệm Phật để lấn áp đi những dòng suy nghĩ tạp niệm ở trong lòng và có thể đặt tâm mình vào trong xâu chuỗi mà khi ta đang hành trì.

Lúc này, tiếng niệm Phật sẽ dần dần đi vào nội tâm chúng ta và đối với bản thân mình cần phải bỏ đi những cấu trược, phiền não trong lòng, từ đó giúp ta gạn lọc và chuyển đổi tâm của chúng ta từ cái ác trở thành tính thiện, từ loạn động đưa đến sự thanh tịnh và đồng với cảnh giới của chư Phật.

Niệm Phật để được giải thoát

Niệm Phật là để được giải thoát. Vậy từ giải thoát có nghĩa là gì? Chữ giải có nghĩa là mở, thoát là ra, nhưng đôi khi chúng ta không hiểu rõ rồi lại nhìn chữ giải thoát này ở một mức độ cao siêu xa vời. Thật ra, chúng sinh luôn bị tham, sân, si chi phối trong lòng, do đó việc niệm Phật là làm sao thoát khỏi sự ràng buộc của ba yếu tố này.

Tịnh độ nằm ngay ở trong thế giới tâm thanh tịnh của mỗi người. Ngay tâm của chúng ta có sự an lạc, giải thoát tâm hồn thì ngay đó chúng ta sống với thế giới thanh tịnh của chư Phật. Chúng sanh ai cũng có Phật tánh sáng suốt nhưng bị vô minh che lấp, nên không nhận ra được tự tính sáng suốt của mình. Vì vậy, việc niệm Phật giúp chúng ta trở về bản thể thanh tịnh của chính mình. Có nhiều người cũng nghĩ rằng, niệm Phật để được đức Phật Tiếp dẫn về một thế giới nào đó. Điều này không khéo lại vô tình làm chúng ta thiếu đi niềm tin vững chắc vào khả năng tu tập của chính mình.

Trong Kinh Phật dạy, ví như chúng ta trồng một cây nằm ở hướng tây thì khi gió đến, nó sẽ ngã theo chiều của hướng tây. Cũng thế, nếu như hằng ngày chúng ta luôn vun bồi và tạo nhiều công đức lành thì kết quả an lạc sẽ đến với ta và khi mất thân này chúng ta sẽ được tái sinh vào một cảnh giới an lành. Cũng giống như người ăn cơm nếu ăn một chén thì no theo một chén, nếu ăn nhiều thì no nhiều nhưng tự thân họ cũng có lương thực để an lòng. Do đó, tùy vào mức độ của chúng ta tu tập nhiều hay ít thì tự thân sẽ được sinh vào cảnh giới thích hợp với quá trình công phu tu tập của mình.


Các tin tức khác

Back to top