Tài sản của bậc Thánh

10/05/2020 8:20
Này các Tỷ-kheo, có bảy tài sản này. Thế nào là bảy? Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín tài?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán... Phật, Thế Tôn”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tín tài.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là giới tài? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh... từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là giới tài.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tàm tài? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có xấu hổ, xấu hổ đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, xấu hổ vì đã thành tựu các pháp ác, bất thiện. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tàm tài.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là quý tài? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có lòng sợ hãi, sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sợ hãi vì thành tựu các pháp ác, bất thiện. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là quý tài.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là văn tài? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử nghe nhiều, gìn giữ những gì đã nghe, chất chứa những gì đã nghe. Những pháp ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, đề cao đời sống phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh; những pháp ấy, vị ấy nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ tụng đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là văn tài.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thí tài? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử với tâm từ bỏ cấu uế của xan tham, sống tại gia phóng xả, với bàn tay rộng mở, ưa thích xả bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích san sẻ vật bố thí. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thí tài.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ tài? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có trí tuệ, có trí tuệ về sanh diệt, thành tựu Thánh thể nhập (quyết trạch) đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ tài.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bảy tài sản.

(Tăng Chi Bộ III, chương 7, phẩm Tài Sản).

Khi nhắc đến tài sản, chúng ta thường sẽ liên tưởng đến các tài sản vật chất như tiền bạc, nhà cửa, đất đai… và đại đa số chúng ta có niềm tin rằng sở hữu càng nhiều tài sản vật chất, sẽ làm cho đời sống của chúng ta ngày càng hạnh phúc, bền vững hơn. Nhưng theo tuệ giác của đức Thế Tôn, các pháp thuộc thế gian có hình tướng tất phải chịu sự hoại diệt. Đó là sự thật, là quy luật của tự nhiên, không ai trong chúng ta có thể đi ngược lại quy luật đó. Tài sản vật chất tuy có thể đem lại nhiều sự tiện nghi, thoải mái trong đời sống nhưng bản chất vốn rất tạm bợ, mong manh, khó tìm mà lại dễ mất. Dù chúng ta có cố gắng duy trì nhưng cũng không sao tránh khỏi bị hủy hoại bởi những yếu tố như nước trôi, lửa cháy, giặc cướp, vua quan, thân quyến… Còn tài sản tinh thần tuy không có hình tướng cụ thể, nhưng lại là chất liệu quan trọng để xây dựng đời sống an lạc, hạnh phúc của con người.

Ước mong cuộc sống ấm no, sung túc là ước mong hoàn toàn chánh đáng, nhưng điều đó phải được xây dựng trên nền tảng của sự lương thiện và chân thật. Nếu chỉ chú trọng làm giàu đời sống vật chất mà xem nhẹ đời sống tinh thần, thì tất chúng ta sẽ bị các thứ dục lạc thế gian lôi kéo, sống khuynh hướng thiên về hưởng thụ, không coi trọng các giá trị nhân bản của con người… Vì vậy, đức Thế Tôn đã hướng dẫn chúng ta phương pháp xây dựng tài sản tinh thần thông qua bảy pháp: tín, giới, tàm, quý, văn, thí và tuệ.

Khác với tính chất mong manh và tạm bợ của tài sản vật chất, tài sản tinh thần sẽ ngày càng vững chắc, sung mãn bởi sự nỗ lực thực tập của chúng ta. Và không một ai hay một thế lực nào có thể chiếm đoạt hay hủy hoại nguồn tài sản tinh thần đó. Cho nên, bảy pháp (tín, giới, tàm, quý, văn, thí và tuệ) còn được gọi là tài sản của bậc Thánh. Người nào đang xây dựng nguồn tài sản của bậc Thánh này, chính là đang sở hữu nguồn an lạc, hạnh phúc bền chắc cho đời này và đời sau.

Tâm Ngôn



Các tin tức khác

Back to top