Phước hữu lậu hay con gọi là phước vật chất

23/07/2020 7:46
Phước hữu lậu là niềm an vui, hạnh phúc mà người tạo phước hưởng được nhưng chỉ là an vui hạnh phúc tạm thời, không bền vững, vì phước đó chưa đưa người tạo phước thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi. Sở dĩ như thế là vì khi tạo phước, người làm phước còn có tâm niệm đối đãi, còn có phân biệt ta là người ban ơn, người khác là người thọ ơn, ta là người hướng dẫn, san sẻ còn họ là người được hướng dẫn, được san sẻ,…và còn thấy vật thí cho kẻ khác.

Làm cho mình và người an vui, hạnh phúc tương đối trong cuộc sống trên thế gian này. Hiện nay Phật giáo chúng ta vẫn còn quan niệm độ người có duyên, ai cần đến đạo thì đến chùa hoặc tự tìm hiểu, như vậy là thụ động trong việc truyền bá đạo pháp rộng rãi đến với mọi người. Nói như vậy chúng ta có thể hiểu lầm lời Phật dạy và cách thức hoằng hóa độ sinh trong thời Phật còn tại thế.

Đức Phật ngày xưa mỗi ngày đi khất thực là để tạo thiện duyên trực tiếp cho tất cả mọi người, ai đến cúng dường và thưa hỏi đạo lý, thì Phật tùy theo căn cơ trình độ mà nói pháp độ sinh thích hợp. Ngày nay do chính sách và luật pháp không cho phép tu sĩ đi khất thực để hóa duyên, nhưng giáo hội chùa chiền các nơi vẫn phát triển đội ngũ hoằng pháp, từ thiện bằng nhiều hình thức để độ sinh.  

Chúng ta nên nhớ rằng không phải khi có tiền mới làm phước được, còn khi không có tiền thì không làm phước được, quan niệm như vậy là chúng ta tự phủ nhận khả năng làm phước của mình. Người có tiền thì bố thí vật chất giúp đỡ người khác, kẻ không tiền thì bố thí bằng tấm lòng, bằng lời nói và bằng hành động thiết thực.

Tạo phước vật chất là chúng ta biết bố thí, cúng dường, cho các bậc Sa môn Bà la môn, cúng dường cho người tu hành chân chính, hiếu dưỡng đối với ông bà cha mẹ. Bố thí giúp đỡ sẻ chia vật chất cho người bất hạnh hoặc nghèo khổ thiếu thốn khó khăn. Phật dạy: “Này tất cả thiện nam tín nữ  trong đời này có tâm vui vẻ hoan hỷ xả tài sản của cải vật chất để cúng dường người tu hành chân chính, sau khi qua đời sẽ được sinh về các cõi trời, nếu người đó được sinh trở lại cõi người, thời người đó có nhiều tài sản của cải, vật chất.”

Trong đời sống hàng ngày ta có một thân tướng xinh đẹp, chúng ta nhờ có thân thể khoẻ mạnh, khuôn mặt xinh đẹp, không bị bịnh tật là do nhờ có phước đức, được nhiều người thương mến kính trọng, sống bình yên hạnh phúc. Thì như vậy phước đức là cần thiết đối với người Phật tử chân chính, bằng cách an trú trong chánh niệm tỉnh giác như có lòng tin đối với Tam bảo, giữ tròn năm giới cấm và phát nguyện tu hành dứt ác làm lành và giữ tâm ý thanh tịnh.

Chúng ta phải sẵn sàng cứu giúp khi thấy người gặp tai nạn, tùy theo khả năng của mình, chúng ta hết lòng cứu giúp, đó là việc làm phước của thân. Bởi vì mạng sống đối với con người là tối thượng, cho nên giải cứu người thoát chết, làm cho người mừng rỡ và biết ơn vô kể.

Kế đến, chúng ta sẵn sàng giúp đỡ sẻ chia khi gặp người thiếu thốn khó khăn. Chúng ta đừng quá tham lam bỏn sẻn cứ mãi ôm giữ lấy tài sản, cần phải ban bố cho những người đang thiết tha cần nó. Hạnh phúc không phải đến riêng với chúng ta, mà do sự thù đáp từ hạnh phúc của mọi người mang lại. Những cái vô thường mà cứ giữ, có ngày sẽ khổ đau khi nó không còn ở trong tầm tay mình nữa.


Thích Đạt Ma Phổ Giác


Các tin tức khác

Back to top