Trái đất đang bước vào kỷ nguyên đại tuyệt chủng lần thứ 6

29/03/2021 8:09
Ngày 16/1/2021, hãng thông tấn Sputnik (Nga) dẫn kết quả công trình nghiên cứu của một nhóm tác giả, được công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Conservation Science cho rằng, Trái Đất đã bước vào kỷ nguyên đại tuyệt chủng lần thứ 6.

Tuyệt chủng là sự suy giảm rõ rệt mức độ phong phú và đa dạng các loài sinh vật lớn. Hiện tượng này diễn ra khi tốc độ tuyệt chủng tăng nhanh so với tốc độ hình thành loài. Từ khi sự sống xuất hiện trên Trái Đất, hành tinh của chúng ta đã trải qua 5 sự kiện tuyệt chủng hàng loạt, với 50% số loài động thực vật trở lên bị tuyệt diệt.

Trong hầu hết các đợt đại tuyệt chủng, khoảng 70-95% chủng loài thực vật, động vật và vi sinh vật từng tồn tại trên hành tinh đã biến mất. Đợt đại tuyệt chủng xảy ra gần đây nhất (và cũng được biết đến nhiều nhất) diễn ra cách đây 66 triệu năm, khi một thiên thạch khổng lồ đâm vào Trái Đất khiến 75% sự sống trên Trái Đất, bao gồm cả khủng long bị xóa sổ hoàn toàn.

Nguyên nhân dẫn đến sự kiện đại tuyệt chủng lần thứ 6

Các nhà khoa học cho rằng việc Trái Đất đã đi trên con đường đại tuyệt chủng lần thứ 6 là điều không thể chối cãi về khoa học. Nguyên nhân chính là do môi trường. Đây là vấn đề mà chúng ta đã biết từ rất lâu nhưng vẫn còn thờ ơ và xem nhẹ. Nhóm nghiên cứu bao gồm 17 nhà sinh thái học, khí hậu học hàng đầu thế giới đã nghiên cứu khoảng 150 công trình từ các trường đại học hàng đầu thế giới về biến đổi môi trường và nhận thấy phải nâng cao mức dự báo về thảm hoạ nhân tạo, khí hậu sắp xảy ra.

Biến đổi khí hậu nhân tạo đang làm suy giảm các hệ sinh thái và hiện đang quét sạch các loài với tốc độ mà các nhà khoa học đã kết luận là chúng ta đang sống gữa thời kỳ Đại tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu. Ảnh minh họa.

Các nhà khoa học cho rằng việc Trái Đất đã đi trên con đường đại tuyệt chủng lần thứ 6 là điều không thể chối cãi về khoa học. Điều kiện thế giới biến đổi theo hướng nguy hiểm hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng, do đó chỉ trong vài thập kỷ tới, có khoảng 20% tổng số loài sẽ bị đe doạ tuyệt chủng.

Theo Giáo sư Corey Bradshaw của Đại học Flinders ở Úc, quy mô của mối đe dọa đối với sinh quyển và tất cả các dạng sống của nó là rất lớn, đến nỗi mọi người vẫn không thể nhận thức được toàn bộ chiều sâu của các vấn đề hiện tại, kể cả các chuyên gia nắm giữ nhiều thông tin.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ý kiến các chuyên gia, là do sự suy thoái đất do dân số tiếp tục tăng lên, sự gia tăng sản xuất các hợp chất tổng hợp và nhựa dùng một lần nguy hại, làm trầm trọng thêm sự độc hại ngày càng tăng của Trái Đất.

Đại tuyệt chủng lần 6 đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự báo

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học liên tục cảnh báo chúng ta đang ở giai đoạn giữa của cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 của Trái Đất. Nguy hiểm ở chỗ, 5 lần đại tuyệt chủng trước đều có nguyên nhân là các thảm hoạ tự nhiên, như núi lửa phun, thiên thạch đâm vào Trái đất. Tuy nhiên, với riêng đợt đại tuyệt chủng lần thứ 6, thủ phạm gây ra sự biến mất trên diện rộng của các loài động vật lại chính là con người.

Đáng báo động hơn, tốc độ diễn ra đợt đại tuyệt chủng lần thứ 6 trên Trái đất lại nhanh hơn nhiều so với mọi dự báo, ít nhất là trong vài thập niên gần đây, theo nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí khoa học Proceedings của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ (PNAS).

Giáo sư Gerardo Ceballos González, một trong các tác giả của nghiên cứu, cho biết khoảng 173 chủng loài đã biến mất chỉ trong hơn một thập kỷ, từ năm 2001 đến 2014.

"Đã có 173 chủng loài bị tuyệt chủng. Tốc độ tuyệt chủng đã nhanh hơn 25 lần so với điều kiện tiến hoá bình thường của tự nhiên. Nếu tính trong 100 năm qua, hơn 400 loài động vật có xương sống đã biến mất, với nguyên nhân chủ yếu là do con người. Trong khi đó, quá trình này bình thường phải kéo dài trong ít nhất 10.000 năm".

"Đây hoàn toàn là lỗi của chúng ta", giáo sư Gerardo nhấn mạnh.

Đặc biệt, quá trình này còn diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn khi các đại dương đang không ngừng nóng dần lên, nạn phá rừng và biến đổi khí hậu đang khiến sự đa dạng của thảm thực vật bị xâm hại nghiêm trọng, cũng như số lượng động vật đang giảm xuống với tốc độ nhanh chưa từng thấy qua từng năm.

Theo ước tính của các nhà khoa học, 1 triệu trong tổng số 8 triệu loài động thực vật trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài giờ đây đang cao hơn ít nhất hàng chục lần so với mức trung bình của 10 triệu năm.


Thanh Tâm

Các tin tức khác

Back to top