Tại sao cần phải thờ cúng người đã khuất?

5/05/2021 11:57
Thờ cúng người đã khuất là phong tục đã có từ ngàn đời nay của dân tộc ta. Đó chính là một trong những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam, thể hiện đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Thờ cúng là gì?

Việt Nam là một dân tộc giàu tình cảm, trọng lễ nghĩa, sống hướng nội, thường giải quyết các vấn đề theo cảm tính hơn lý trí. Truyền thống “uống nước nhớ nguồn” là một trong những đức tính đáng trân trọng của dân tộc Việt. Thờ là dựng lên cái gì đó về mặt hình thức, về tín ngưỡng như lư hương, hình ảnh.

Cúng là dâng lên những thực phẩm, nước, trái cây, nhang, đèn,…mà cảm nhận đượcbằng các giác quan, để ngửi, để thưởng thức. Từ thờ cúng thường dành cho người mất.

Việc thờ cúng người mất bắt đầu từ lúc có đám tang, sau đám tang là tuần thất, tiếp đến là đám giỗ. Trong đó đám giỗ là kéo dài nhất, thường là 5 đời đống giỗ: kể từ người đang là thời cúng kéo theo 4 đời sau nữa gọi là “Cao tằng tổ phụ”, phụ là ông nội của người đang cúng. Sau 5 đời tống giỗ trở thành tổ yên và chúng ta chỉ cúng vào dịp tết Nguyên Đán.

Kinh sách Phật giáo Bắc tông nói chung đều xác định người chết sau khoảng thời gian tối đa 49 ngày thì theo nghiệp mà tái sinh vào cõi tương ứng trong lục đạo. (Phật giáo Nam tông - Theravāda Buddhism quan niệm người chết theo nghiệp lập tức tái sinh vào cõi tương ứng trong lục đạo, không trải qua thân trung ấm). Dĩ nhiên, tái sinh vào cõi nào thì theo nghiệp của cõi ấy sống hết thọ mạng, khi chết lại tùy nghiệp tái sinh vào cõi khác nữa, gọi là luân hồi trong sáu nẻo.

Thờ cúng ông bà tổ tiên là phong tục tốt đẹp của các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam. Khi đạo Phật được du nhập vào thì có sự giao thoa, tiếp biến có chọn lọc với các tín ngưỡng bản địa, và phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên vẫn được trân trọng, duy trì trong đời sống tâm linh của người Phật tử Việt từ xưa cho đến tận ngày nay. Bấy giờ, người Phật tử vẫn thờ cúng ông bà tổ tiên nhưng với cái nhìn mới, đa văn hóa, vừa phù hợp với truyền thống dân tộc và vừa thuận hợp với quan điểm Phật giáo.

Vì sao thờ cúng người đã khuất quan trọng?

Sâu trong tiềm thức của người Việt Nam là quan điểm “Dương sao âm vậy” nghĩa là đời sống của người thế gian như thế nào thì người chết cũng như thế ấy. Vậy nên mới có hủ tục đốt giấy tiền vàng mã để cho người chết được hưởng mà sử dụng ở suối vàng. Đó là cách nghĩ của những người bình dân.

Và họ còn cho rằng sẽ tồn tại một thế giới bên kia dành cho người chết, mà thế giới đó na ná giống với thế giới của người sống. Bởi trong chiêm bao, hình ảnh quen thuộc của người thân: vẫn mặc bộ quần áo đó, đội nón đó, cầm cây gậy đó…với một khung cảnh quen thuộc cho nên chúng ta nghĩ sau khi chết người ta vẫn còn dáng dấp và hình ảnh đó.

Nhưng chúng ta cũng nên hiểu, chiêm bao là ký ức của quá khứ chứ không phải thực tại vì họ có thể đã tái sinh và mang hình thái khác nên đâu phải họ mang hình dáng đó về thăm lại chúng ta!

Người tu học Phật chúng ta không nhất thiết phải chuẩn bị một cái gì cho xác thân này sau khi qua đời vì theo học thuyết của Phật giáo là vô ngã, nghĩa là không dính mắc vào sở hữu, sự vật và thậm chí cả bản thân này vì nó là vô thường, bản thân này là giả tạm.

Cúng kiến để tỏ lòng báo ân tri ấn đối với những người tiền bói, những người cha, người mẹ, ông bà đã hi sinh, đã để lại gia nghiệp và hình hài vóc dáng này cho chúng ta. Và nếu chúng ta không có đạo lý này thì chúng ta chẳng phải là con người. Thờ cúng là để bày tỏ tâm hiếu thảo, biết ơn và đền ơn công đức sinh dưỡng sâu nặng của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Truyền thống của tổ tông, gia tộc là một sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ với hiện tại. Chúng ta tự hào về tổ tiên nên nguyện sống tốt, xứng đáng là con hiền cháu thảo. Nếu mất gốc rễ, không thờ cúng, quên dấu vết cội nguồn huyết thống là một sự vong bản, phi đạo đức. 

Giáo lý đạo Phật đề cao tinh thần hiếu đạo, kính thờ và phụng dưỡng cha mẹ mang lại phước báo lớn…

Vì tưởng nhớ niệm ân ông bà tổ tiên nên con hiền cháu thảo phát đại nguyện làm tất cả công đức thiện lành trong khả năng để hồi hướng phước báu cho họ. Phật giáo khuyến khích làm phước để hồi hướng cho người thân đã khuất, dầu họ tái sinh vào đâu cũng nhận được phước đức do con cháu hiếu thảo hồi hướng đến. Cho nên người Phật tử không quá chú trọng đến mâm cao cỗ đầy rồi thù tạc linh đình trong những ngày tưởng niệm, giỗ chạp mà chủ yếu là tạo phước để hồi hướng, trao truyền hiếu đạo cho người sau.

Thành ra, người Phật tử không hề xem việc thờ cúng tổ tiên ông bà là “thờ quỷ” như một số người vong ơn, bội nghĩa, bất hiếu, tà kiến quan niệm. Thờ cúng tổ tiên để liên kết với quá khứ mà phát huy các giá trị sống tốt đẹp cho hiện tại. Thờ cúng ông bà cha mẹ để thực tiễn hóa ý niệm tri ân và báo đáp thâm ân sinh dưỡng. Thờ cúng đồng thời cũng là cách giáo dục lòng hiếu thảo cho con cháu về sau. Giáo lý đạo Phật đề cao tinh thần hiếu đạo, kính thờ và phụng dưỡng cha mẹ mang lại phước báo lớn… đã hòa quyện với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt để trở thành nếp sống đạo đức, hiếu thảo của người Phật tử Việt hiện nay.

Các tin tức khác

Back to top