Miền Nam cúng Táo quân vào buổi tối
Người Miền Nam thường cúng ông Táo vào buổi tối. Tại miền Nam, người ta sẽ tiễn ông Táo vào buổi tối, từ 8h đến 11h đêm. Người Miền Nam cho rằng vào cuối ngày, sau khi cả gia đình đã dùng xong bữa tối, không còn nấu nướng và dùng đến bếp nữa thì mới được tiễn ông Táo lên đường gặp Ngọc Hoàng. Mâm cúng ông Táo ngày 23 tháng chạp của người Nam bộ thường có hoa tươi, đĩa kẹo làm từ mè đen và đậu phộng, nhang, đèn cầy, 3 ly nước lọc và bộ vàng mã “cò bay, ngựa chạy” để hóa sau khi cúng để làm phương tiện cho Táo cưỡi về Trời. Người miền Nam có tục cúng ông Táo vào 2 dịp trong năm đó là cúng tiễn ông Táo về chầu trời ngày 23 tháng Chạp âm lịch và cúng ông Táo ngày 7 tháng Giêng.
Tiễn ông Táo về trời ngày 23 tháng 12 âm lịch hằng năm. Họ quan niệm rằng đây là ngày đánh dấu thời điểm bắt đầu vào mùa Tết Nguyên Đán. Ngày xưa ông bà gọi là lễ tiễn Táo quân chầu trời. Thời nay, người dân thường gọi là Tết ông Táo. Đón ông Táo về nhà ngày 7 tháng Giêng. Theo tín ngưỡng dân gian, ông Táo lên trời bẩm báo chuyện trần gian với Ngọc Hoàng từ ngày 23 tháng Chạp đến 30 tháng Chạp mỗi năm. Vì vậy, cứ đến mùng 7 tháng Giêng, người ta lại chuẩn bị lễ đón Táo quân về nhà.