Khi buông cái ta lăng xăng thì tâm liền chánh niệm

8/03/2024 8:29
Chánh niệm là yếu tố có sẵn trong bản chất của tâm, nhưng vì cái Ta ảo tưởng chạy theo vọng niệm nên mới thất niệm.

Do đó, khi buông cái Ta ảo tưởng xuống thì tâm lập tức chánh niệm trọn vẹn với thực tại hiện tiền, còn tầm vóc của thực tại hiện tiền đó như thế nào thì còn tùy vào mức độ khai mở của tâm bạn:  

Khi tâm bạn rỗng lặng hồn nhiên, vắng bóng mọi ý niệm, thì chánh niệm là trọn vẹn với thực tại “không là gì cả” tức tánh không (suññatâ) của pháp.

Khi tâm bạn an nhiên tự tại, ở trong pháp mà không dính mắc pháp nào, thì chánh niệm là trọn vẹn với thực tại toàn diện (sabbatthatâ) vĩ mô của pháp.

Khi tâm bạn đang chú ý vào một sự kiện nổi bật đang diễn ra nơi thân-tâm-cảnh thì chánh niệm là trọn vẹn với thực tại như thị (sabhâva) vi mô của hiện tượng danh sắc.

Tuy nhiên bạn không nên chuẩn bị tâm mình một cách chủ quan để mong được trọn vẹn với thực tại tánh không (suññatâ) hoặc thực tại toàn diện (sabbatthatâ) vĩ mô, vì cho rằng tâm đó “cao” hơn tâm trọn vẹn với thực tại như thị (sabhâva) vi mô đang diễn ra nơi thân-thọ-tâm-pháp. Vì đó là tùy cảm nhi ứng của tâm có khả năng tùy duyên thuận pháp, chứ không phải là tâm còn phân biệt nhị nguyên có không, lớn nhỏ... 

Chánh niệm chính là tâm trọn vẹn với thực tại ngay tại đây và bây giờ mà không khởi một niệm phân biệt nhị nguyên nào, bởi vì một niệm khởi lên là đã phân ra thiện-ác, đúng-sai, hữu-vô, cao-thấp, đốn-tiệm... của lý trí vọng thức, đó chính là lúc hình thành cái Ta ảo tưởng.

Vậy tốt nhất là bạn không nên chọn lựa hoặc tạo ra tâm chánh niệm và đối tượng để chánh niệm theo ý mình, vì như vậy không còn là chánh niệm mà cũng chẳng còn thực tánh pháp nữa. 

Khi tâm bạn buông ra mọi ý đồ lăng xăng của cái Ta ảo tưởng, thì ngay đó không có thất niệm, tạp niệm hay vọng niệm (tức vô niệm) thì đó mới thật là chánh niệm, chứ tuyệt đối không có một hành động tạo tác nào gọi là chánh niệm cả. 

Đừng tạo phương pháp hay lối mòn cho chánh niệm, mà chỉ cần ngay đó trọn vẹn với thực tại thì chính là tâm đang chánh niệm. Ví như yên lặng thì ngay đó cứ yên lặng chứ không cần phải chấm dứt tiếng ồn, vì khi bạn khởi tâm muốn chấm dứt tiếng ồn thì tâm bạn không còn yên lặng nữa. 


Thầy Viên Minh

Các tin tức khác

Back to top