Bạn phải chân thật bảo hộ chính mình

9/05/2024 5:04
Người sống ở đời, trong kinh điển Phật thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Chúng ta được thân người, được nghe Phật pháp, dù có chút thiện căn, phải cố gắng bồi dưỡng thiện căn này.

Trong bộ kinh này, Phật nói rất hay: “Bồ-tát trú dạ, thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quan sát thiện pháp, bất dung hào phân bất thiện gián tạp”. Lời khai thị này thật quý báu. Tôi không những trong đời này không tọc mạch chuyện của người khác. Họ không quan hệ gì với tôi, tôi tọc mạch họ làm gì?

Người ta đến nói với tôi việc tốt của người khác thì tôi nghe, tôi hoan hỷ, nói việc xấu thì tôi lập tức ngăn chặn, tôi không nghe, “bạn muốn nói, hãy đi nói với người khác”. Tại sao vậy? Chúng ta bảo vệ tâm thanh tịnh, bảo vệ tâm cung kính, đây là tánh đức, tuyệt đối không cho ô nhiễm.

Người ta nói người nào đó phỉ báng thầy ra sao, họ nói vài câu, tôi liền không cho phép họ nói nữa. Chúng ta vĩnh viễn nhớ kỹ chỗ tốt của người khác đối với chúng ta, điều này tốt, làm thiện với người, bản thân chúng ta tự tại biết bao, an lạc biết bao, hạnh phúc biết bao!

Ở trong một đời không có kẻ oan gia, không có người đối đầu. Cho dù có oan gia đối địch, nhưng là ở bên phía họ, do họ hiểu lầm về chúng ta, ta không có hiểu lầm về họ. Họ dùng ý xấu đối với ta, ta dùng thiện ý đãi họ. Đời này không biết thì đời sau biết, đây là học Bồ-tát.

Cổ thánh tiên hiền thường hay dạy chúng ta: “Nhân giả vô địch”. “Nhân giả” trong Phật pháp là cách xưng hô đối với Bồ-tát, người nhân từ trong tâm không có oan gia, không có đối đầu, vậy mới là nhân từ.

Bạn còn có người này làm khó với ta, người kia đối với ta không tốt, là chính bạn không có nhân từ. Chúng ta học Phật chí ít phải hiểu được điểm này, phải nghiêm túc học tập. 


HT. Tịnh Không


Các tin tức khác

Back to top