Người Phật tử phải tu như thế nào?

20/06/2024 8:45
Trước hết, người Phật tử phải tu như thế nào? Nhiều vị nói tu mà không biết tu làm sao, tưởng rằng chỉ cần quy y, ăn chay, niệm Phật là đủ, không biết trong tâm phải tu thế nào cho đúng ý nghĩa.

Vì vậy đầu tiên quý vị phải nắm vững cách thức hành trì, hiểu rõ ý nghĩa và giá trị tu tập của một người Phật tử.

Những tạp niệm nhơ xấu trong nội tâm cần được gột rửa sạch sẽ.

Đồng thời nỗ lực chiến thắng những tham ái của thân, đắm mê ngũ dục.

Cuối cùng, tiêu diệt chuyển hóa những tập nghiệp từ đời trước còn sót lại.

Đó là ba điều cần yếu, người Phật tử ghi nhớ và cố gắng phấn đấu thực hiện.

Quý vị cố gắng chuyển hóa, đừng để tham sân si sai sử gây tạo tội lỗi.

Do không hiểu như thật về thân tâm nên chúng ta thường nuôi dưỡng những ý niệm sai lầm, tự cho mình là người khôn ngoan sáng suốt nhất trên đời.

Nếu thật sự như thế thì lẽ ra tất cả mọi chuyện mình phải biết hết, đằng này mỗi người chỉ giỏi lắm chừng hai ba sở trường nào thôi.

Có người chẳng làm được gì mà cũng vỗ ngực xưng tên ta là anh hùng. Thật tức cười!

Ngày xưa tôi tập đánh máy đánh chữ để soạn bài, biết sử dụng như vậy coi bộ cũng khá rồi. Bây giờ Tăng Ni chuyển qua dùng máy vi tính thì tôi mù tịt không biết gì, tự nhiên mình trở thành lạc hậu.

Kiểm lại mới thấy, trong hàng triệu điều trên thế gian mình không thể nào biết hết, vậy mà cứ nghĩ ta khôn ngoan, thật là lầm lẫn.

Nếu vô tình nghe ai nói “anh ngu quá” thì nổi giận liền. Do không hiểu đúng như thật nên bị chê mới sân như vậy.

Ngu mà tưởng khôn là đại si mê, là tai họa lớn lao.

Từ si mê sanh ra tham lam, tham lam mà không được thì sanh ra nóng giận, ba thứ độc này đa số mọi người đều còn nguyên.

Đây là những cù cặn làm nhơ bẩn tâm Bồ-đề. Mỗi một lần quý vị sân giận thì la lối om sòm, tới lúc thức tỉnh biết mình bậy thì đã quá muộn.

Người học đạo lâu mà không nhớ sửa thì tập khí vẫn y như cũ. Sự tu không tính trên năm tháng, cốt làm sao từ bỏ được những điều dở xấu trong tâm.

Mỗi người tự nỗ lực tu hành, đừng lấy thời gian năm tháng làm tiêu chuẩn đạo đức.

Nhiều vị đã quy y 10 năm 20 năm, nghe bộ Phật tử thuần lắm, mà tập khí xấu chưa trừ bỏ được thì cũng chưa xứng đáng.

Ngoài ba độc chính là tham sân si, thì ngã mạn kiêu căng cũng là một trong sáu căn bản phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Mạn là ngã mạn, nghi là nghi ngờ, ác kiến là thấy biết tà vạy, cố chấp thiên lệch.

Đó là điều thứ nhất nói về sự tu của bản thân.

Thứ hai, đối với ngoại cảnh bên ngoài, năm căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của chúng ta đã làm chủ được chưa?

Con mắt thấy sắc đẹp liền chạy theo đắm mến hay dừng ở cái biết hiện tiền? Từ con người cho đến những món đồ quý, hoặc đơn giản như một cành hoa, hầu hết chúng ta vừa thấy đẹp là muốn sở hữu ngay.

Quý thầy cô ở thiền viện Trúc Lâm trồng nhiều hoa, Phật tử đến tham quan rất thích chụp hình lưu niệm.

Hôm đó tôi đang đi ngoài sân, một Phật tử nữ lại xin: “Bạch Thầy, cho con xin ngắt một cành hoa”.

Tôi trả lời:

“Thầy muốn bông hoa tươi đẹp bền lâu trên cành, chứ không muốn nó khô héo mau chóng trong tay con”.

Đó là thói quen chung của đa số mọi người. Thấy hoa đẹp muốn bẻ cho mình chơi, tới chừng héo thì quăng đi. Thật uổng phí vô cùng.

Điều tế nhị này rất ít người để ý đến.

Đối với mắt, những gì chúng ta cho là đẹp thường luôn bị nó lôi cuốn khiến mình mất tự chủ.

Thấy hoa đẹp biết hoa đẹp rồi thôi, thì tốt biết bao nhiêu.

Cành hoa ấy sẽ được nhiều người thưởng lãm và sống lâu trên cành. Nếu khởi niệm hái mà người ta không cho thì lén ngắt là chịu thua nghiệp.

Muốn hưởng riêng hương sắc của hoa, vô tình hủy hoại nó và còn làm tăng trưởng nghiệp tham.

Cũng vậy, đối với con người, đồ vật quý v.v…muốn mọi thứ đều thuộc về mình mà không được như ý thì trằn trọc nghĩ tưởng.

Đó là bị lệ thuộc vào trần cảnh, không tự chủ.

Cho nên tu là làm chủ và thắng nghiệp tập.

Ngày nào an ổn là mừng ngày đó, đừng để bại trận bị nghiệp xô đẩy không đứng vững trên đường đạo.

Đối với lỗ tai, mọi người thường thích nghe những bản nhạc hay, dù tới giờ niệm Phật, tụng kinh hoặc tọa thiền cũng bỏ hết để nghe nhạc.

Bị âm thanh lôi cuốn thì phải tập chiến thắng nó. Dù là bản nhạc mình ưa thích nhưng phải chú tâm vào đề mục đang tu, nghe qua rồi thôi chứ đừng để nó lôi cuốn.

Được như thế là tạm thắng trận, ngược lại là thua trận.

Lỗ mũi ngửi mùi thơm hôi cũng vậy, ưa thơm ghét hôi.

Giả sử gặp thứ gì có mùi thơm nức thì muốn ngửi hoài. Nhiều vị đi ngang cây hoa hoàng lan, ngửi xong ngắt một cành đem theo ngửi tiếp, chừng nào khô thì quăng chứ không chịu để nó yên.

Đó là thói quen xấu, không làm chủ được căn mũi, bị lệ thuộc vào mùi hương.

Riêng về cái lưỡi thì thôi vô số chuyện, đáng nói nhất là bệnh tham ăn.

Nghiệp này đa số người thế gian phải mệt vì nó.

Đồng lương thấp mà muốn ăn thật ngon, thành thử chừng vài bữa thì lương đã hết. Cả ngày làm việc nặng nhọc chỉ vì miếng ăn.

Nhưng sự thực dù cao lương mỹ vị hay đơn giản như rau luộc chấm nước tương, cũng vô đầy bao tử rồi thôi.

Tới chừng nó đi ra thì chẳng cái nào quý hơn cái nào, đều là đồ bỏ hết.

Vì lưỡi quá lệ thuộc về vị ngon nên chúng ta mới có cảm giác thèm thuồng như vậy.

Bây giờ biết bệnh của lưỡi rồi thì tập vui trong mọi trường hợp, dù ngon dù dở, dù tiền nhiều hay tiền ít, miễn có ăn để hết đói là tốt rồi.

Phải làm chủ nó, không khen cũng không chê thì thắng được nghiệp tham vị ngon.

Đây là chỗ chúng ta cần phải tu.

Đối với thân thể, con người ưa thích xúc chạm những thứ mềm mại mát mẻ chứ không thích thô rít, nên dễ sanh ra bực bội nóng nảy khi không vừa ý.

Đa số chúng ta thường đòi hỏi sự thỏa mãn từ xúc chạm, nhưng người biết tu thì càng phải chiến thắng được cái xúc chạm về thân.

Đó là lược nói qua sự tu tập khi năm căn tiếp xúc năm trần.

Giá trị sự tu nằm ở chỗ chúng ta làm chủ và thắng được bao nhiêu phần đối với nghiệp tập.

Nếu tu mà cứ khao khát đủ thứ thì không bao giờ tiến, nói cách khác là chưa thật biết tu.

Thứ ba, tu là thắng thói quen và tật xấu của bản thân.

Ai cũng có một vài tật xấu riêng chứ không ai tốt hoàn toàn.

Người thì nặng về tham danh, tham lợi, tham sắc.

Người thì nặng về sân hận, nóng giận.

Người thì nặng về mê muội, mờ tối.

Những tập khí đó có từ thuở nào chứ không phải mới đây.

Người tu thiền phải luôn kiểm điểm lại, xem mình nặng về bệnh gì để tu sửa.

Hằng luôn nhớ phản quan lại mình, đừng để tập khí trồi lên kết tạo thành nghiệp, sau hối hận không kịp.

Nhiều người không kiểm soát được mình, nghe điều trái tai liền nổi nóng la ầm ĩ, qua cơn giận lại xin lỗi với lý do “vì tôi nóng quá”.

Nóng là thói quen từ lâu đời, cho nên động tới nó trào ra, kiểm soát không kịp thì bị nó dẫn kết thành tội lỗi.

Đối với những tật xấu nặng, chúng ta phải khéo điều trị cho hết.

Đừng bao giờ bảo vệ nó bằng cách nói “tánh tôi nóng lắm, đừng chọc tôi”.

Bảo người khác đừng chọc tức là bảo vệ cho cái tật xấu còn hoài.

Những người có tật cống cao ngã mạn, thấy ai cũng coi không ra gì và thường khinh rẻ người khác.

Trong khi bản thân mình không hề giỏi mà lúc nào cũng hiu hiu tự đắc là điều rất sai lầm.

Đó là tật xấu có từ thuở nào nên chúng ta phải biết điều phục cho giảm bớt và tiêu mòn dần.

Đây là lối tu rất thực tế ngay trong cuộc sống này.

Những gì là tật xấu phải cố gắng dẹp bỏ, không nên để nguyên như cũ.

Khi tu, xét thấy mình có chuyển hóa hoặc đã thắng được tập khí là tu tiến.

Nếu chưa thắng được nghiệp, để nó quật ngã thì phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn.

Những điều thiết yếu này quý vị cần nắm vững và thực hành cho tốt. 


HT. Thích Thanh Từ

Các tin tức khác

Back to top