Dẹp được nó, tức là chúng ta làm chủ được mình, không tạo nghiệp, hết sự ràng buộc, tự do tự tại, thì sanh tử làm gì lôi kéo được.
Phật gọi người này đã giải thoát khỏi sanh tử.
Tôi thường hỏi:
- Chúng ta tu để làm gì?
- Để giải thoát sanh tử.
- Cái gì dẫn mình đi trong sanh tử?
- Nghiệp dẫn chúng ta đi trong sanh tử.
- Cái gì tạo nghiệp?
- Thân miệng ý là ba chỗ tạo nghiệp.
Rõ ràng mục tiêu của chúng ta là giải thoát sanh tử.
Vậy phải làm sao hết nghiệp?
Thân nằm dài, miệng ngậm câm phải không?
Không phải vậy.
Thân hoạt động miệng nói năng gốc từ ý.
Tuy nói thân khẩu ý, nhưng thật ra ý nghĩ tốt thì miệng nói tốt, thân làm tốt; ý nghĩ xấu thì miệng nói xấu, thân làm xấu.
Nói ba nhưng ý là gốc chủ động.
Muốn hết nghiệp, chúng ta phải dứt niệm của ý.
Muốn dứt ý niệm thì đầu tiên chúng ta phải biết ý niệm là cái hư giả không thật.
Lâu nay chúng ta khẳng định, tôi nghĩ như vậy tức ngầm cho cái ý là thật.
Bây giờ biết rõ nó hư ảo không thật, tìm cách dừng lặng để không bị nó tác oai tác quái nữa.
Người tu Thiền hay niệm Phật cũng vậy, niệm đến nhất tâm thì ý không còn loạn động.
Tu Thiền được định thì ý cũng lặng yên.
Nhân tạo nghiệp không còn thì cái gì dẫn chúng ta đi trong sanh tử?
Thân này do tứ đại hợp, khi chết trả về tứ đại.
Chúng ta biết thân sẽ hư hoại, ý nghĩ cũng huyễn ảo.
Khi dừng được ý hư ảo rồi thì còn có gì nữa không?
Tu là để nhận cho ra cái gì giải thoát, chớ thân hoại ý lặng rồi, chẳng lẽ mất hết sao?
Cho nên tu là luyện lọc thanh tâm.
Ngay nơi tâm thức của chúng ta cái gì thật, cái gì hư, biết cái hư bỏ, không theo nó thì cái thật hiện ra, đó gọi là giải thoát sanh tử.
Cái chân thật ấy có nhiều tên gọi như Phật tánh, Chân như, Bồ-đề, Niết-bàn v.v… luôn sẵn trong ta.
Song lâu nay chúng ta bị chú “ý” này che phủ đi.
Quí vị thử ngồi chơi năm phút mà không có ý niệm nào dấy lên xem. Nói ngồi chơi, chớ nhớ chuyện hôm qua hôm kia, không bao giờ tâm rỗng rang nên chúng ta bị ý thức phủ che mãi.
Vì cái ảo giả đó cứ làm quay cuồng nên chúng ta không nhận ra được cái chân thật của mình.
Vì vậy ngồi thiền để định tâm hư ảo, định những thứ quay cuồng đó lại.
Định được rồi thì cái thật sẽ hiện ra.
Tu Thiền cốt để dừng những niệm hư ảo của ý thức.
Niệm Phật nhất tâm cũng để dừng niệm hư ảo của ý thức.
Một bên thấy Bồ-đề Niết-bàn, một bên thấy đức Phật Di-đà tới đón.
Vì ý nghĩa sâu kín mầu nhiệm như vậy, chúng ta mới dụng công tu hành, chớ nếu tầm thường thì tu làm gì.
Có thông hiểu thấu suốt chúng ta mới thấy việc làm của người tu không phải là hình thức cúng kính bên ngoài. Nó sâu thẳm bên trong.
Khi làm chủ được ý niệm lăng xăng của mình rồi, những vọng tưởng lặng xuống thì cái chân thật hiện tiền.
Sống được với cái chân thật đó là giải thoát sanh tử, đời đời không bao giờ mất.
Còn mang nghiệp do ý tạo ra thì mất thân này chụp thân kia, mất thân kia chụp thân nọ, sanh tử không biết bao giờ cùng.
Vì vậy trong kinh đức Phật nói, con người sanh ra rồi chết đi, đời này qua đời nọ, mỗi một đời khóc bao nhiêu nước mắt.
Nếu gom hết nước mắt của chúng sanh trong nhiều đời nhiều kiếp còn hơn nước của biển cả.
Cái khổ luân hồi sanh tử thật không cùng.
Mấy chục năm hết một đời. Trong một đời khóc biết bao nhiêu lần.
Hồi lọt lòng mẹ đã khóc rồi, cho tới già sắp chết cũng khóc nữa, thành một chuỗi dài cứ khóc và khóc.
Đến khi mất thân này, tìm lại thân khác tiếp tục khóc nữa .
Còn nghiệp dẫn là còn khổ đau.
Vì vậy muốn giải thoát sanh tử phải dừng hết nghiệp.
Muốn dừng nghiệp phải dừng từ trong ý, vì nó là động cơ chủ yếu tạo nghiệp.
HT. Thích Thanh Từ
Các tin tức khác
- Người học Phật cần phải giữ lòng tốt, nói lời tốt và làm việc tốt (29/06/2024 8:36)
- Thực tập chữa cơn giận (29/06/2024 8:33)
- Trái tim không biên giới (28/06/2024 8:44)
- Cách tu phước của người trí (28/06/2024 8:42)
- Ba loại bệnh của người tu (28/06/2024 8:32)
- Chìa khoá của sự giải thoát (27/06/2024 8:42)
- Vẻ đẹp của khổ, vô thường và vô ngã (27/06/2024 8:38)
- Tâm không chấp trước thì tượng Phật lúc nào cũng khai quang (27/06/2024 8:34)
- Học im lặng (26/06/2024 8:30)
- Thiểu dục, tín, tàm, quý là pháp chưa từng có (26/06/2024 8:27)