Tu tập

26/11/2024 8:47
Kinh Tứ thập nhị chương ghi lại, có một vị Tỳ-kheo hỏi Phật thế này: Kính bạch Đức Thế Tôn, làm thế nào người xuất gia như chúng con có thể đến được chí đạo?Phật dạy: Bao giờ các ông quyết tâm dứt tất cả những tham cầu, ngược xuôi, lăng xăng, trong lòng thực sự yên ổn, lặng lẽ thì đến được chí đạo.

Lời dạy giản dị mà thâm thúy của Đức Phật đã chỉ ra con đường đưa chúng ta đi đến nơi an lạc giải thoát hiện tiền, không mong cầu ở đâu xa xôi. Nếu Tăng Ni thực hành được lời dạy này của Ngài thì ách nạn, chướng duyên nào cũng chẳng làm gì được mình.


Thiền sư Linh Nguyên nói: Gần đây người nhậm chức Trưởng lão đắm vào hai thứ duyên nên phần nhiều kiến thức, trí tuệ chẳng minh, bị hai thứ gió lôi cuốn làm mất pháp thế. Một là ứng với nghịch duyên nên đụng chạm nhiều với suy phong, hai là ứng với thuận duyên nên đụng chạm nhiều với lợi phong. Một khi đã bị hai thứ gió đó làm lay động thì sự mừng giận giao nhau ở tâm, sắc uất hiện lên nơi mặt nên đến nỗi pháp môn bị chuốc nhục, kẻ hiền đạt bị chê hiềm.


Lời Phật ý Tổ mỗi mỗi đều chẳng trái nhau, cho nên Tăng Ni chúng ta mỗi người tự ý thức, tự mình thanh lọc bản thân. Nếu có duyên sống chung trong một đoàn thể, mọi người đều tuân thủ thanh quy, sống lục hòa, có quy củ, có điều giới thanh tịnh.


Vị trụ trì có trách nhiệm ổn định cơ sở, sắp xếp mọi sinh hoạt của đại chúng theo quy củ thiền môn. Ngoài ra còn phải nắm vững và tuân theo Hiến chương của Giáo hội, pháp luật Nhà nước; đồng thời tích cực đóng góp vào những hoạt động an sinh, thiện nguyện của xã hội, xây dựng Đạo pháp và Dân tộc trên tinh thần "tốt đạo đẹp đời".


Tuy nhiên chúng ta không quên nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là tu tập. Tăng Ni càng có trách nhiệm lớn chừng nào, càng phải lo tu nhiều chừng nấy. Thừa hành các Phật sự xong thì đóng cửa tu tập cho chính mình để có đạo đức, có trí tuệ, có đủ điều kiện hướng dẫn người sau.


Hòa thượng Thích Nhật Quang

Các tin tức khác

Back to top