Trước là sám hối về những tội ngu mê v.v… đã tạo, sám hối ngay mỗi niệm, mỗi niệm trong ba thời không để bị lầm nhiễm, không để sanh trở lại.
Đây là thực tế, chuyển hóa ngay từ trong mỗi niệm, tức là sám hối dứt tận gốc.
Đệ tử (xưng pháp danh) từ niệm trước, niệm nay và niệm sau, mỗi niệm chẳng bị kiêu mạn, lừa dối làm nhiễm. Từ trước có bao nhiêu tội kiêu mạn, lừa dối v.v… thuộc ác nghiệp đã tạo nên thảy đều sám hối, nguyện một lúc tiêu dứt, mãi mãi chẳng sanh khởi trở lại.
Sám hối những tội kiêu mạn, lừa dối v.v… cũng ngay trong từ mỗi niệm, khắp cả ba thời đều không để lầm nhiễm, không cho sanh trở lại.
Đệ tử (xưng pháp danh) từ niệm trước, niệm nay và niệm sau, mỗi niệm chẳng bị ganh ghét làm nhiễm. Từ trước có bao nhiêu tội ganh ghét v.v… thuộc ác nghiệp đã tạo, nên thảy đều sám hối, nguyện một lúc tiêu dứt, mãi mãi chẳng sanh khởi trở lại.
Sám hối những cái tội ganh ghét, đố kỵ v.v… trong mỗi niệm đều dứt sạch, không cho sanh trở lại.
Nên nhớ sám hối là phải dứt sạch, không sanh trở lại.
Này thiện tri thức!
Trên đây là pháp Vô Tướng Sám Hối.
Thế nào gọi là sám? Thế nào gọi là hối?
Sám là mong tha thứ lỗi trước.
Từ trước có bao nhiêu tội ngu mê, kiêu mạn, lừa dối, ganh ghét, v.v… thuộc ác nghiệp thảy đều mong tha thứ hết, mãi mãi chẳng sanh khởi trở lại, đó là sám.
Hối là ăn năn, chừa bỏ lỗi sau.
Từ nay về sau, bao nhiêu tội ngu mê, kiêu mạn, lừa dối, ganh ghét, v.v… thuộc ác nghiệp, giờ đây đã giác ngộ rồi thảy đều đoạn dứt hẳn, chẳng còn làm trở lại, đó gọi là hối.
Vì vậy gọi là sám hối.
Lục Tổ giải thích kỹ nghĩa sám hối, đây không phải làm trên hình thức suông bên ngoài mà thực sự chuyển hóa từ trong tâm.
“Sám là mong tha thứ những lỗi trước”.
Khiến sạch hết những lỗi trước, không chứa giữ để làm nhân duyên sanh khởi trở lại.
“Hối là ăn năn, chừa bỏ lỗi sau”.
Dứt hẳn về sau, không còn tạo trở lại nữa, điều này mới là quan trọng. Tức là mong hết lỗi trước để không còn đắm nhiễm, ngăn ngừa về sau không để sanh trở lại.
Sám hối chân thật phải như vậy mới chuyển những lỗi lầm thành thanh tịnh được.
Không phải chỉ lên lễ Phật rồi xem như đã sám hối, trở về tiếp tục làm những việc lỗi đến kỳ lại sám hối, thế thì sám hối mãi cũng không hết tội.
Phàm phu ngu mê chỉ biết mong tha thứ lỗi trước, chẳng biết ăn năn chừa bỏ lỗi sau.
Do chẳng ăn năn chừa bỏ nên tội trước chẳng dứt, lỗi sau lại sanh.
Tội trước đã chẳng dứt, lỗi sau lại sanh, sao gọi là sám hối!
Chúng ta phải hiểu đúng nghĩa sám hối, phải thật sự chuyển hóa, ăn năn, chừa bỏ để dứt sạch không còn tái phạm.
Sám hối như vậy đó thì được thanh tịnh.
Đó là Lục Tổ chỉ dạy pháp Vô Tướng Sám Hối, không phải chỉ nương trên hình tướng bên ngoài. Nói vậy không phải bảo chúng ta không lễ sám hối, nhưng làm phải có đủ sự và lý.
Lễ thuộc về sự bên ngoài, nhưng phải có lý ở bên trong, sự lý viên dung thì tội mới thật sạch. Chỉ có sự không lý thì nghiêng một bên, không sạch tội được.
Hoặc nói tôi sám hối lý được rồi, không cần lên chùa lễ Phật sám hối, như thế cũng nghiêng một bên.
Trích trong: Kinh Pháp Bảo Đàn.
Tào Khê Nguyên Bản giảng ký - Tập I
Phẩm 05. Truyền Hương Sám Hối.
HT. Thích Thông Phương
Các tin tức khác
- 13 câu nói của Đức Dalai Lama khiến không ít người suy nghĩ ( 6/07/2025 8:32)
- Đạo đức trong công việc ( 5/07/2025 8:19)
- Người làm ta khổ nhiều nhất ( 5/07/2025 8:18)
- Tâm ích kỷ chi phối rất mạnh ( 5/07/2025 8:16)
- Học Phật để chuyển hóa chính mình ( 5/07/2025 8:14)
- Đôi khi ( 4/07/2025 8:51)
- Hiếu đạo ( 4/07/2025 8:50)
- Tại sao ta ít khen người khác ( 4/07/2025 8:48)
- Suy tính tương lai song phải nhớ đến vô thường ( 3/07/2025 9:02)
- Đừng cầu thân không bệnh ( 3/07/2025 8:58)