Tìm kiếm kho báu của bạn

10/09/2014 8:48
Chỉ khi nào tìm kiếm và thấy được ba kho báu không bệnh tật, biết đủ và thành tín này, chúng ta mới biết rằng chúng ta giàu có hơn chúng ta tưởng. Ngày nào ta chưa thấy được ba kho báu này trong ta, ta sẽ còn phải lang thang, cơ nhỡ, làm kẻ ăn mày, ăn xin chút tình, chút tiền, chút địa vị, sự chứng đắc, cho đến cả cái tên gọi như thiền sinh, thiền sư, bậc thầy,…trong suốt đời nầy sang đời khác.

Không bệnh, lợi tối thượng.

Biết đủ, tiền tối thượng.

Thành tín đối với nhau.

Là bà con tối thượng.

Phẩm An Lạc (Kinh Pháp Cú)

Không bệnh, lợi tối thượng. Bằng cách chăm sóc giữ gìn sức khoẻ cho thân và tâm không bị bệnh tật là cách làm lợi không gì so sánh được trong cuộc sống của mỗi người. Khi sức khoẻ có mặt thì bệnh tật sẽ vắng bóng và ngược lại. Dù biết rằng bệnh tật là một góc của đời sống nhưng nếu khi nào ta sống không bệnh tật là lúc đó ta có lãi, ta đang đạt được mức lãi cao nhất (tối thượng), khi nào ta ốm đau, bệnh tật là ta đang bị lỗ nặng. Thấy và biết được như vậy sẽ nhắc ta mỗi khi lao ra đường, đi đầu tư, đi học, đi làm, đi dự tiệc, đi chơi….ta sẽ xem xét việc này sẽ làm ta lãi hay lỗ cho sức khoẻ của chính mình. Nếu thực sự ta cảm thấy mệt mỏi, chán chường, hoài nghi, khó chịu….thì ta sắp nhận phần lỗ đến nơi rồi chứ không phải đợi kết thúc chuyến đi nữa, nếu tiếp tục ta có thể lỗ nặng hơn. Không bệnh tật là kho báu của mỗi người, khi bệnh tật đến sẽ bào mòn, lấy đi dần kho báu ấy. Đây là cách Đức Phật nhắc mọi người không phải tìm kiếm đâu xa mà kho báu đã có mặt ở đây và bây giờ, ngay trên thân và tâm của mỗi chúng ta. Khi có trí tuệ này phát sinh trong tâm ta, niềm vui đến từ sự an lạc ngay trong từng khoảng khắc mà tâm ta thấy và biết.

Vui thay, chúng ta sống.

Không bệnh giữa ốm đau!

Giữa những người bệnh hoạn.

Ta sống, không ốm đau.

Biết đủ, tiền tối thượng. Bác sĩ triệu phú Richard Teo người Singapore đã nói trước khi mất vì bệnh ung thư phổi ở tuổi 40 rằng: “Những người nghèo khó vốn sẵn không có gì, họ dễ dàng chấp nhận. Do đó, họ hạnh phúc hơn các em và tôi.”  . Nói cách khác nếu biết chấp nhận, ta sẽ có hạnh phúc hay hạnh phúc hơn. Đây là điều mà vị bác sĩ này chỉ phát hiện ra khi sắp phải rời bỏ cuộc đời với khối tài sản hàng triệu đô la. Chúng ta đều biết nỗi khổ của người nghèo là không có tiền, nhưng nỗi khổ của người giàu là sợ mất tiền. Không có tiền người ta rất dễ chấp nhận hoàn cảnh khổ và món tiền dù rất nhỏ nhưng trở nên quý giá. Trong khi người giàu có rất khó chấp nhận và thích nghi hoàn cành khổ, chỉ những món tiền giá trị lớn mới có ý nghĩa với họ. Vài chục triệu với một tỷ phú thì chẳng có ý nghĩa nhiều, trong khi cùng món tiền đó người nghèo có thể xây được cái nhà. Ở câu này, Đức Phật dạy chúng ta hạnh phúc an lạc thực sự không nằm ở nơi tiền nhiều hay ít mà sự vừa lòng biết đủ trong tâm mõi người mới trở thành “tiền tối thượng”. Ngày nào chúng ta còn theo đuổi ý nghĩ tiền nhiều mới an lạc là ngày đó sẽ lấy đi sự bình an trong ta. Khi có khao khát là có mong cầu, có tâm tham khởi sinh thiêu đốt ta. Khi không đạt được thì ta bực bội, thất vọng, phản ứng.

Lửa nào sánh lửa tham ?

Ác nào bằng sân hận ?

Khổ nào sánh khổ uẩn.

Lạc nào bằng tịnh lạc.

Chánh kiến đầu tiên để có sự an lạc là chấp nhận luật Nhân Quả như nó đang là. Với các dự án đầu tư, chúng ta chỉ là người gieo Nhân, còn kết Quả được mùa hay mất mùa là do rất nhiều duyên đưa tới. Ví như gieo nhân là hạt lúa để ra được cây lúa cần có các duyên đất, nước, gió, nhiệt độ… Nếu các duyên này thuận, ta được mùa, nếu các duyên này nghịch ta mất mùa. Ta chỉ là người gieo nhân và nỗ lực nhổ có, bón phân, che chắn năng mưa… để tăng các duyên thuận và tránh các duyên nghịch nhưng ta không thể tránh hạn hán hay lũ lụt khi nó xảy đến. Ta thấy vô số ví dụ do thuận duyên và nghịch duyên mà trong đời có người gieo mười được một, có người gieo một được mười. Nhưng ta sẽ chắc chắn một điều nếu không gieo thì sẽ không được gì cả dù là một hay mười. Chánh Kiến về Nhân Quả giúp ta thắng thì bớt kiêu căng, bại thì bớt chán nản, sân hận, cũng như rơi vào sự chán đời hay chấp không tức không làm gì hay không gieo Nhân. Chúng ta cứ sống thật tốt, làm việc thật tốt là gieo Nhân tốt chắc chắn đã, còn Quả trổ ra tốt hay xấu do rất nhiều duyên đưa tới, đó không hoàn toàn ở việc gieo Nhân của ta. Nhờ đó ta có sự bình an ở đời.

Thành tín đối với nhau. Thành tín ghép từ hai cụm từ “chân thành” và “tin tưởng”. Ở câu này, Đức Phật nhấn mạnh kho báu tinh thần của mỗi người luôn có mặt ở đây và bây giờ là lối sống, ứng xử chân thành và gìn giữ sự tin tưởng (chữ tín làm đầu) ở mọi người đối với mình. Có câu thành ngữ: “Muốn mọi người đối xử với mình như thế nào thì hãy đối xử với mọi người như thế”. Đức Phật có câu nói:”Nếu ai yêu tự ngã, hãy yêu tự ngã người” cùng một ý nghĩa như vậy. Tưởng chừng đơn giản nhưng rất khó làm. Trong suy nghĩ, giao tiếp, phần lớn ai cũng muốn đề cao mình, mình là trung tâm, là cái rốn của vũ trụ. Người ít học thì ứng xử thô hơn, người có học thì ứng xử tinh vi hơn, khó nhận biết hơn nhưng làm gì thì làm cũng không vượt qua khỏi luật Nhân Quả. Mọi ý nghĩ, lời nói và hành động của ta tự sẽ có Quả một khi đã gieo Nhân. Nếu Quả đến ta là xấu thì có thể ta đã gieo Nhân xấu hoặc gieo Nhân tốt nhưng nghịch Duyên lên Quả xấu (đó là lý do khi giao tiếp phải đúng lúc, đúng chỗ để có thuận Duyên). Nhưng nói chung thì không thể tự ta cho ta là tuyệt vời khi nhừng người xung quanh ta đói xử không tốt với ta. Lúc này ta đang bị lỗ hay bị bào mòn kho báu tinh thần.

Là bà con tối thượng. Câu này Đức Phật chỉ cho ta cách tạo kho báu và giữ gìn kho báu. Bằng sự thành tín, ta đi đến đâu, sống và làm việc ở đâu thì ở đó ta sẽ có nhưng người bà con do sự “thành tín” tạo ra, hơn nữa lại là bà con “tối thượng”. Bà con tối thượng là bà con do sự thành tín sinh lên, còn bà con thông thường là do nghiệp sinh lên. Có chung cha mẹ, ông bà, cụ kỵ gọi là bà con do nghiệp sinh lên. Chung cha mẹ , ông bà gọi là bà con gần, chung cụ kỵ, dòng họ gọi là bà con xa. Bà con do nghiệp sinh lên theo ba chiều hướng. Có người là ân nhân, có người là kẻ thù, có người thờ ơ (không ân nhân cũng không kẻ thù). Nghĩa là có có tốt và xấu lẫn không tốt không xấu trong các bà con thông thường sinh lên do nghiệp. Còn thành tín giữa người với người bất kể là ai đều trở thành bà con tối thượng theo ý nghĩa tốt đẹp nhất mà không có thù hằn hay sự thờ ơ chen vào. Ngày nào sống chân thành và biết giữ chữ tín hay sự tin tưởng giữa người với người, thì ngày đó ta đang có kho báu và tiếp tục gia tăng kho báu tinh thần ngày càng lớn dần. Nếu chưa tin, bạn hãy thực hành thử xem Đức Phật nói có đúng không nhé !!!

Chỉ khi nào tìm kiếm và thấy được ba kho báu không bệnh tật, biết đủ và thành tín này, chúng ta mới biết rằng chúng ta giàu có hơn chúng ta tưởng. Ngày nào ta chưa thấy được ba kho báu này trong ta, ta sẽ còn phải lang thang, cơ nhỡ, làm kẻ ăn mày, ăn xin chút tình, chút tiền, chút địa vị, sự chứng đắc, cho đến cả cái tên gọi như thiền sinh, thiền sư, bậc thầy,…trong suốt đời nầy sang đời khác.

Theo Thấy và Biết

Các tin tức khác

Back to top