Những nỗi khổ có thể bỏ được

17/10/2014 11:24
Thông thường chín mươi phần trăm đau khổ trên đời là do tự mình rước lấy, nên có thể đổi bỏ được, nếu ta thực sự muốn bỏ.

Nếu thực tình muốn giã từ đau khổ, ta phải diệt tận gốc nguồn gốc hay nguyên nhân của khổ đau. Nguyên nhân ấy là ham muốn hay dục vọng. Khi có ham muốn mãnh liệt với một đối tượng nào, ví dụ một người (trai gái mê nhau) hay một vật (một chỗ ở, một chiếc xe honda) thì ta thường đánh giá đối tượng ấy một cách sai lạc do tưởng tượng thêm thắt. Ta trở nên u mê ám chướng, quên khuấy một sự thực hiển nhiên là, suốt đời ta đã chạy theo nhiều ham muốn đủ thứ, có khi được, có khi không, nhưng rốt cuộc đời ta vẫn chẳng khá hơn chút nào. Vẫn đau khổ, chán chường, luôn luôn khao khát một cái gì để rồi lại thất vọng vì không có được đối tượng, hoặc chán nản vì đối tượng đã đạt được không còn làm ta thỏa mãn. Khi đam mê, ta quên mất định luật vô thường: đối tượng ta ham muốn đã luôn luôn thay đổi, mà cả chính tâm ta cũng không ngừng đổi thay. Vậy ta phải quay về tự tâm để thấy rõ theo đuổi  ham muốn chính là đau khổ. Vấn đề ở ngay trong tự tâm ta chứ không phải do đối tượng ở ngoài. Khi chán nản một người hay một vật mà ta đã có được, ta thường nghĩ rằng tại vì người hay vật ấy có những khuyết điểm này nọ, làm ta đâm chán, mà không bao giờ nghĩ chính tại cái tâm ta ưa thay đổi.

 
Chính vì đặc tính con người là nhiều ham muốn nên Phật gọi cõi đời này là cõi dục. Cũng do dục mà ta đã sinh ra đời, rồi dục vọng lại chi phối ta suốt cả đời cho đến khi xuống huyệt. Vậy nói đến chuyện diệt dục là điên rồ, phản tự nhiên. Ngược lại, rất cần tìm hiểu kỹ về dục để tận dụng nó, như ngày nay người ta tận dụng sức gió, năng lượng mặt trời, năng lực thác nước v.v… Phật giáo tóm gọn trong một chữ CHUYỂN, chuyển sinh tử thành Niết bàn, chuyển phiền não thành Bồ đề.


Khi đã thấy được đời ta luôn luôn chạy đuổi theo ham muốn các đối tượng giác quan và không bao giờ thỏa mãn, ta mới thấy lỗi là ở tự tâm, không phải ở ngoài. Do tâm đam mê, ta không nhìn sự vật đúng như thực trạng của nó (nghĩa là thổi phồng quá cỡ thợ mộc, như về sắc đẹp thì chim sa cá lặn, hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh…) Do tâm chấp ngã, ta muốn vơ về cho mình cái mà ta cho là hấp dẫn, đáng ưa muốn. Hiểu được như vậy, thì năng lượng dục vọng biến thành năng lượng trí tuệ. Dục càng lớn, tuệ càng sáng và sắc bén như kim cương. Ta bắt đầu thấy được tất cả tùy thuộc tâm ta, nên không còn chạy theo ngoại cảnh. Đấy gọi là sự từ bỏ, hay Giới, bước đầu của ba vô lậu học. Lời nguyện quy y của Phật tử là:


“Con xin quay về nương tựa  Pháp lìa dục đáng tôn quý.” (Quy y Pháp ly dục tôn).

 

Ni Sư Thích Nữ Trí Hải

Các tin tức khác

Back to top