Cho điều người khác cần

28/12/2014 1:17
Một Bác sĩ gốc người Việt nam nhưng sang Mỹ từ bé.

Cô này phát tâm làm nhiều việc thiện nguyện tại quê nhà Việt nam mình. Cùng làm việc tại Việt nam, có một Bác sĩ là bạn tại Sài Gòn hỗ trợ, tư vấn tổ chức. Tâm lý sinh viên Việt nam thấy Bác sĩ nước ngoài về thì muốn tò mò học hỏi khiến vị Bác sĩ ở Sài Gòn thường bị bỏ rơi. Trong một lần đến thăm Thiền viện, cô Bác sĩ ở Mỹ thưa với quý thầy: “Thưa thầy, con muốn làm những việc thiện nguyện ở Việt nam thì không thể thiếu sự giúp đỡ của vị Bác sĩ bạn con ở Sài Gòn, nhưng không hiểu vì sao cô bạn thường tỏ ra khó chịu với con, từ đó các ý kiến thường xảy ra trái chiều, rất khó chịu. Con phải làm sao?” Quý thầy nói, cô nên cất giấu đi những gì cô cho là hay giỏi, tâm đắc và chỉ cho ra đúng thời điểm, đúng nơi chốn, đúng đối tượng đang cần. Với người bạn mình, cô nên có tâm học lấy một điều gì đó ở họ dù điều đó mình đã biết, cô bạn ấy sẽ rất vui, sẽ cộng tác cùng làm nên công việc tốt cho nhiều người. Nghe nói xong, cô ta chiêm nghiệm, gật gù, thấy đúng. Con người thường thích lên giọng thầy đời, ưa dạy người khác hơn là tranh thủ học lấy một điều gì đó mình cần. Chúng ta không thể biết được những gì mình chưa biết cho nên việc học sẽ không bao giờ là tận cùng. Những người luôn luôn khéo học hỏi ở mọi lĩnh vực, người ấy luôn tự chủ và thành đạt. Đặc biệt hơn, có khi không phải là điều mình cần hay chưa biết, nhưng vì muốn tiện việc giúp ích cho nhiều người, để cho người muốn dạy được vui, chúng ta cũng sẵn sàng học hỏi để cho người khác được dạy. Họ cần dạy thì mình cho họ điều kiện để được dạy, cho họ vui. Thế thôi. Không quan trọng mình, người khác cần gì nếu mang đến lợi lạc chính đáng cho họ, chúng ta sẵn sàng cho ra.

Cứ thử một lần thảnh thơi ngồi an nhiên, lặng lẽ, không tư duy suy nghĩ gì cả, chúng ta sẽ thấy được một lẽ thật, tột cùng những thứ trong đời chỉ là một giấc mộng. Khi ngủ thì mơ thấy đủ thứ, tỉnh dậy rồi, mọi thứ trong mộng không còn giá trị gì. Khi mê, quên giác thì chúng ta như người ngủ say, tranh giành lắm chuyện. Khi lắng lại, giác sáng mạnh rồi mới sực tỉnh ra, năng lực lặng sáng lạc an không động ngay đây mới còn mãi, mọi thứ chỉ là trò đùa. Học hay dạy chỉ là một trò chơi của trẻ con trong đời, là người lớn có đủ năng lực thì nên ban cho họ chứ không nên tranh giành ở họ. Tự tại, hoan hỷ ban ra, được vậy thì cuộc sống sẽ thuận lợi và vui hơn nhiều.


Trích TỐT HƠN CHO MÌNH - THIỀN VIỆN TRÚC LÂM BẠCH MÃ - THÍCH TÂM HẠNH

Các tin tức khác

Back to top