Thường nghe như chưa nghe, thường thấy khi chưa thấy

16/01/2015 1:53
Hỏi: Nói tánh thấy tánh nghe: “Thường nghe như chưa nghe, thường thấy khi chưa thấy”. Câu này người ta khó hiểu, xin thầy giải thích?

Đáp: 
Có tiếng cho là động, không tiếng cho là tịnh, đó là sanh diệt của âm thanh; động là âm thanh sanh, tịnh là âm thanh diệt. Còn tánh nghe: Khi chưa nghe vẫn có tánh nghe, động cũng đang nghe, tịnh vẫn đang nghe. Dẫu cho không động tịnh, nó vẫn đang nghe, luôn luôn nghe, không bắt đầu và cuối cùng, vì khắp thời gian. Cho nên, Thiền tông nói tánh nghe: Thường nghe khi chưa nghe.

Chưa nghe là tác dụng của bộ óc, thuộc về suy tư, còn cái kia không phải suy tư. Nếu vượt ra ngoài suy tư thì suy tư không có, nên không dính dáng với suy tư. Chỗ đó là bản tâm của mình, muốn hiện bản tâm thì phải tu đến kiến tánh mới hiện lên được.

Thường thấy khi chưa thấy, thường nghe khi chưa nghe, là hiển bày tánh thấy tánh nghe luôn luôn sẵn có, không bao giờ có gián đoạn và không có sự bắt đầu.

Sự thật lý tuần hoàn không bắt đầu và cuối cùng. Dùng kính hiển vi để xem cái bàn cái tách thì thấy mỗi hạt nguyên tử đang xoay. Sự xoay không bắt đầu và cuối cùng, bất cứ giờ nào nó cũng đang xoay. Nếu dùng kính hiển vi ai cũng thấy được.

Mặt trăng đang xoay xung quanh quả đất, quả đất đang xoay xung quanh mặt trời không bao giờ ngưng. Theo nhà khoa học nói: “Cứ 1 giờ thì quả đất xoay 180.000 cây số”. Hiện giờ chúng ta ngồi đây, như ngồi trên chiếc phi thuyền đang bay, mà mình không hay biết.

Dù mình không hay biết, nhưng nó cũng đang bay; nếu nói theo quả đất để diễn tả là: “Quả đất thường bay khi chưa bay”. Như vậy, tánh nghe thì: “Thường nghe khi chưa nghe”. Tánh thấy thì: “Thường thấy khi chưa thấy”.

Bắt đầu và cuối cùng là do bộ óc nhận thức sai lầm, cho là có bắt đầu cuối cùng. Phật đã nói trắng ra, không bắt đầu và cuối cùng. Cho nên, người chứng quả là ngộ pháp vô sanh. Nếu có sanh thì phải có bắt đầu, nhưng sự thật vốn không bắt đầu. Vũ trụ vạn vật không cái nào có bắt đầu, tại không có lý do bắt đầu.

Nhưng tánh chấp con người, phải tìm ra sự bắt đầu mới được. Như nhà khoa học, triết học muốn tìm bắt đầu của con người và vũ trụ. Nếu theo lập trường của Phật gọi là si mê. Không bắt đầu mà tìm bắt đầu làm sao được? Cho nên nói:

Thân tâm chẳng thể đến. 
Nay cõi Ta Bà này, 
Thanh giáo được giảng rõ. 
Chúng sanh mê bản văn, 
Đuổi theo tiếng lưu chuyển.

Vì mình có tư tưởng chấp thật, đuổi theo tiếng và âm thanh ở cõi Ta Bà. Bản văn là tánh nghe, mình bị mê hoặc, không chịu nhìn nhận tánh nghe của mình là không sanh diệt. Cứ đuổi theo tiếng và âm thanh, có tiếng nói là nghe, không tiếng nói không nghe. Đó không đúng với thật tế. Không tiếng tánh văn vẫn nghe, chứ không phải không nghe. Vì mê bản văn mới đuổi theo tiếng, nên bị âm thanh lừa gạt.

Phật đã nói rõ chỗ này. 
A Nan dù nhớ hay, 
Chẳng khỏi kẹt tà tưởng. 
Theo vật bị chìm đắm, 
Phản văn được lìa vọng.

Vì đuổi theo cảnh thì cảnh làm chướng ngại, nên bị kẹt nơi suy nghĩ (tưởng). Như ông nói nghiệp chướng nặng, do ông suy nghĩ cái sở suy nghĩ. Sự thật tâm không suy nghĩ thì không có nghiệp chướng (sở suy nghĩ). Cho nên, ở đây nói chẳng khỏi kẹt tà tưởng, theo vật bị chìm đắm; tại đuổi theo vật, nên phải chìm đắm trong lục đạo luân hồi.

A Nan hãy lắng nghe, 
Ta thừa oai thần Phật. 
Khai giảng pháp kim cang, 
Chánh định sanh chư Phật.

Văn Thù Bồ Tát nói A Nan phải chú ý nghe: Ta thừa oai thần của Phật, khai giảng pháp kim cang tức là pháp không hư hoại. Nên lấy kim cang để ví dụ cái pháp. Người nào giác ngộ thành Phật thì sẵn có chánh định. Nên nói chánh định sanh chư Phật, vì tới chánh định mới đến địa vị Phật.

Như huyễn bất tư nghì. 
Lục căn tiếp xúc lục trần đều là huyễn, nhưng là trong chiêm bao; nên như huyễn không phải huyễn, vì mình chấp thật mới thành huyễn. Chỗ này trong kinh Lăng Già giải thích rất rõ ràng.

Ngươi nghe vô số Phật, 
Tất cả pháp bí mật. 
Nếu chẳng trừ dục lậu, 
Chấp nghe thành lỗi lầm.

Vô số Phật thuyết pháp là không có pháp để thuyết. Vì vốn là không có pháp, tại có tâm chấp của chúng sanh đã có bệnh giả, thì Phật mới dùng thuốc giả để đối trị bệnh giả của chúng sanh. Cho nên, vô số Phật thuyết pháp bất khả tư nghì, nhưng cũng như huyễn; không phải thật, gọi là như huyễn bất tư nghì. Pháp bí mật mà tai mắt tiếp xúc không được cho là bí mật, sự thật không có bí mật.

Lậu là tập khí phiền não, dục là sự ham thích; mắt thích sắc đẹp, tai ham nghe khen ngợi, mũi muốn ngửi mùi thơm, lưỡi ưa ăn đồ ngon. Do chấp các cảnh vật cho là thật, nếu không trừ dục lậu, chấp nghe thành lỗi lầm. Chấp nghe thì không nghe động phải nghe tịnh. Cho nên, phản văn không phải nghe động tịnh.

Dùng nghe giữ lời Phật. 
Đâu bằng nghe bản văn? 
(Nghe bằng tánh nghe). 
Nghe chẳng tự nhiên sanh, 
Do tiếng có tên “nghe”. 
Xoay nghe thoát khỏi tiếng. 
Đặt tên nghe cho ai?

Những người giảng kinh Lăng Nghiêm và nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm cho phản văn là trở về nghe tịnh, không nghe động là nghe tự tánh, ấy là sai lầm. Tại sao? Trong này nói: “Nghe chẳng tự nhiên sanh, do tiếng có tên nghe”. Phản văn là xoay cái nghe lìa khỏi tiếng, đã lìa khỏi tiếng thì đặt tên nghe cho ai? Cho nên, phản văn không cần nghe.

Tánh thấy tánh nghe nghe không lay động, mà không nói là thấy là nghe là cái gì! Vì đã lìa âm thanh là không động tịnh thì đâu cần nghe nữa! Nên nói: “Thường nghe khi chưa nghe”. Nếu nghe thì phải nghe động, nghe tịnh. Vậy, lìa khỏi tiếng không cần chữ “nghe”, còn đặt tên nghe cho ai? Đó là chánh văn của kinh Lăng Nghiêm.

Nhất căn trở về cội 
Lục căn thành giải thoát. 
Kiến văn như bệnh nhặm, 
Tam giới như hoa đốm. 
Phản văn bệnh nhặm trừ, 
Trần tiêu giác trong sạch.

Phản văn tức là nhĩ căn trở về cội, cội là bản tâm, Phật tánh, tự tánh. Tự tánh vốn là một, còn lục căn đâu phải 6 thứ? Tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh xúc, tánh nếm đều trở về cội. Một căn trở về cội thì lục căn thành giải thoát. Vì về cội chỉ có một, như kiến là thấy, văn là nghe; có thấy nghe là bệnh nhặm, tức con mắt bệnh.

Trở về cội không phải là không thấy nghe, nhưng thấy nghe ấy tự động không qua tác ý, giống cái dụng của hư không. Như cái dụng của tấm gương sáng, hình nam hình nữ đến trước gương, đều chiếu soi rõ ràng, nhưng nó không nói tôi đang chiếu soi.

Trích Lược giảng Kinh Lăng Nghiêm - HT. Thích Duy Lực

Các tin tức khác

Back to top