Không lập nguyện thì không ý chí

4/03/2013 4:36
Lúc các vị còn ở cấp tiểu học, thầy giáo đưa ra đề bài: “Hãy nói về chí hướng của chính mình.” Có người viết sẽ lập chí làm kỹ sư, có người lập chí làm nhà giáo dục, bác sĩ, phi hành gia, nhà khoa học v.v…

Bây giờ tôi xin hỏi mọi người: Các vị đã vào cửa Phật, thế đã phát nguyện chưa? Lập chí rồi hay chưa? Đã lập nguyện rồi chăng? Khi chúng ta bắn mũi tên cần phải có mục tiêu, lúc chúng ta chạy đua, cần phải đạt điểm đích. Đời người cũng cần phát nguyện lập chí, nguyện lực giống như nhiên liệu trong xe hơi, giúp xe chạy phóng nhanh về phía trước, phát nguyện lập chí chính là năng lực thúc đẩy chúng ta đạt đến thành công.

Từ xưa đến nay, chư Bồ tát lúc ở nhân địa tu hành, các Ngài thường hay lập đại nguyện rộng lớn, như bốn mươi tám đại nguyện của Phật A Di Đà, mười hai đại nguyện của Dược Sư Như Lai, mười đại nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, mười hai bi nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm... Sự phát nguyện của chư Phật, chư Bồ-tát, giống như thời khóa biểu đã đặt định của học sinh, nguyện lực đó khơi dậy tâm từ bi, sẽ sanh ra năng lực vô cùng, từ đó từng bước thực hiện công hạnh cứu giúp chúng sanh.

Chư Phật và chư Bồ-tát trong quá khứ nếu không phát nguyện, thì giống như chiếc thuyền không có phương hướng, trôi xuôi theo dòng nước, thì có thể thành bậc thánh hiền chăng? Có phát nguyện mới có năng lực, dùng nguyện tâm để trang nghiêm cõi nước, độ khắp các loài hữu tình.

Có vị học viên sẽ nói: “Vào mỗi thời khóa sớm tối, chẳng phải chúng tôi đều xướng tụng Tứ hoằng thệ nguyện đó sao?” Là nguyện độ chúng sanh, nguyện đoạn phiền não, nguyện học pháp môn, nguyện thành Phật đạo, sao nói chúng tôi là không phát nguyện? Thưa các học viên! Tứ hoằng thề nguyện đó, tôi đồng ý các vị có thể xướng tụng, mà còn xướng tụng nghe rất hay nữa, nhưng dường như các vị không dám bàn đến! Các vị cũng chưa thực hành theo! Các vị thật sự có độ vô biên chúng sanh, đoạn vô tận phiền não, học vô lượng pháp môn, có thành Phật quả vô thượng chăng ?

Thanh niên hiện nay, bộ dạng uể oải, làm việc không năng nổ, tinh thần không một chút phấn chấn, không hứng thú đọc sách. Đó là do nguyên nhân gì? Chính là chưa có tâm chân chánh phát nguyện, cho nên không có năng lực. Thí dụ: có một vị Thanh niên phát một tâm nguyện, phải cố gắng trình bày tốt tập đặc san tốt nghiệp, với cái tâm nguyện đó, trao cho anh ta thêm nhiệm vụ, cũng giống như đồng hồ được lên dây cót, sẽ sanh ra một sức mạnh, thế là anh ta bỏ ăn quên ngủ, dốc hết trí não, làm thành tập đặc san đó một cách mỹ mãn.

Muốn thực hiện điều gì, tâm chúng ta phải hoàn toàn chuyên chú, một lòng một dạ thực hiện nguyện vọng, thì nhất định có thể đạt được ước nguyện. Các vị tổ sư quá khứ, đến trụ một nơi nào đó, trải qua mười năm, hai mươi năm, cho dù gặp bất cứ khó khăn nào, cũng không dễ dàng rời bỏ. Đó là vì sao? Vì các ngài đã phát nguyện và lập chí, vì tương lai có thể trở thành pháp khí (người hữu dụng), cho nên cam chịu tất cả sự rèn luyện hun đúc. Các học viên chúng ta phải chăng đã có những tâm nguyện? Nếu vị nào chưa phát nguyện thì sẽ mắc cái bệnh không ý chí.

Đức Phật lúc trẻ tuổi, trông thấy chúng sanh chịu khổ, liền có bi nguyện muốn cứu vớt chúng sanh ra khỏi biển khổ. Đại sư Huyền Trang thời thơ ấu, đã có chí nguyện làm rạng rỡ Phật giáo. Các học viên chúng ta muốn trở thành bậc thánh hiền, thì điều chủ yếu đầu tiên nên học tập gương phát nguyện.

Các học viên sẽ nói: “Tâm nguyện của chư Phật, chư Bồ tát rất vĩ đại, chúng ta không có cách gì ước mong đảm nhận tâm nguyện đó. Đây là do các vị chưa lập chí. Thí dụ: Các vị xuất gia lập chí là phải làm người xuất gia có đạo hạnh tốt. Người xuất gia cần có đủ những điều kiện: Giữ giới để tu định, cầu trí tuệ để học pháp, lại phát tứ vô lượng tâm, thực hành sáu pháp ba la mật, các vị chỉ cần có nguyện lực, lo gì không thực hành được? Thí dụ: Mọi người lập chí làm người học sinh giỏi, muốn vậy các vị phải phát nguyện: kính trọng thầy giáo, chăm chỉ đọc sách.

Trong Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn, của đại sư Tỉnh Am ghi: “Cửa chính yếu vào đạo, phát tâm là đứng đầu, khẩn thiết của việc tu hành, lập nguyện là trước tiên, có lập nguyện thì mới có thể độ chúng sanh, có phát tâm thì Phật đạo mới có thể thành tựu.” Như thế phải phát những nguyện gì? thí dụ: Lúc làm điển tọa, phát nguyện nấu nướng thức ăn thật chu đáo, để đại chúng thưởng thức những vị ngon ngọt của cơm canh; khi quét đất, phát nguyện quét dọn sạch sẽ, để đại chúng có được khung cảnh trong lành mát mẻ.

Luôn luôn phát nguyện, từ những tâm nguyện đó, bồi dưỡng công hạnh để thành Phật thành Tổ.



Trích bài viết "Bệnh của thanh niên" - TG: HT. Tinh Vân - Đạt Ma Khả Triết  dịch

Các tin tức khác

Back to top