Đừng làm khổ chính mình

1/11/2015 3:42
Dòng sông giáo pháp cũng vậy, nhưng dòng chảy tâm vô minh cứ mãi đắp con đê tà kiến cố ngăn chặn dòng sông giáo pháp. Nó mang tà kiến du hí nơi nào, khổ đau liền phát sinh nơi đó, chính bởi tà kiến này nhưng con người ta không nhận ra. Hãy quán sát nội tâm. Nơi nào có tà kiến, chúng ta cảm thấy khổ đau ngay. Nếu không cảm nghiệm được trong thời khắc hiện tại, chúng ta chắc chắn sẽ thấy nó hiện ra sau đó thôi.

Người ta bị lạc lối bắt đầu từ chỗ này. Cái gì làm chướng ngại họ? Cái diện mạo bên ngoài làm chướng ngại che đậy bản thể Siêu việt, ngăn không cho họ nhận diện các pháp một cách rõ ràng. Người ta nghiên cứu, học hỏi, thực tập nhưng họ thực tập trong vô minh, giống như một người mất khả năng định hướng. Anh ta đi về hướng tây nhưng nghĩ mình đang đi về hướng đông, hay khi đi về hướng bắc lại nghĩ mình đang đi về hướng nam. Đấy là khoảng cách họ lạc bước xa như thế. Lối thực tập này thật sự chỉ là thứ bỏ đi, sự thật nó là một tai hoạ. Tai hoạ là do vì họ xoay quanh và đi mãi trong hướng ngược lại, làm họ càng lúc càng xa mục tiêu của việc thực tập chân giáo pháp.

Việc này dẫn đến khổ đau nhưng người ta nghĩ rằng làm vậy, tưởng nghĩ như vậy, học hỏi như vậy... như vậy... sẽ đưa đến chấm dứt khổ đau. Giống như một người muốn quá nhiều thứ. Anh ta cố gắng hết khả năng của mình để tom góp thật nhiều, nghĩ rằng anh như thế, nỗi khổ trong anh sẽ vơi dần đi. Người ta vẫn thường nghĩ như thế nhưng lối suy nghĩ của họ lầm lạc xa dần chánh đạo, chỉ như một người đi hướng bắc, một người khác đi hướng nam nhưng họ tin chắc họ đang đi về một hướng.

Hầu hết mọi người vẫn còn dính mắc với mớ đau khổ, vẫn rong ruổi trong vòng luân hồi (saṃsāra), chỉ vì họ suy nghĩ giống như thế. Nếu bệnh hoạn, đau đớn khởi lên, tất cả họ có thể đều khởi lên ý nghĩ là làm thế nào để không còn chịu bệnh hoạn đau đớn. Họ muốn nó hết bệnh càng nhanh càng hay, bằng mọi giá họ cố tìm cách chữa trị. Họ không suy tư rằng đấy thật bình thường trong dòng vận hành củahành (saṅkhāra). Không ai nhận ra điều này. Thân thể thay đổi, song mọi người không thể chịu đựng được, họ không thể chấp nhận. Bằng mọi giá, họ phải tìm cách chữa trị mong chấm dứt khổ ấy. Tuy nhiên, cuối cùng họ không thể chiến thắng, họ không thể đấu lại sự thật. Tất cả đổ vỡ. Đấy là điều con người ta không muốn đối mặt, họ tiếp tục gia cố cho quan kiến sai lầm của họ.

Tập nhận diện các Pháp là phương pháp tuyệt diệu nhất. Tại sao Đức Thế Tôn tu tập viên mãn các Ba-la-mật?[v] Nhờ công đức tu tập viên dung, Ngài kinh nghiệm phương pháp nhận diện này và hướng dẫn người khác có thể thấy Pháp, nhận diện Pháp, thực tập Pháp và thể nhập giáo pháp, giúp họ biết buông xả, đặt gánh nặng xuống.

“Đừng tham chấp vào việc gì, vật gì cả”. Hay nói cách khác: “Nắm, nhưng không nắm chặt”. Đấy cũng đúng. Nếu thấy vật gì, chúng ta hãy nhặt nó lên... “Ồ, nó đây”... rồi hãy đặt nó xuống. Chúng ta thấy thứ khác, nhặt nó lên... cầm nó nhưng không giữ chặt. Cầm nắm nó trong khoảng thời gian vừa đủ để quán chiếu nó, để biết nó, rồi buông xả ngay. Nếu cứ giữ nó mãi, không chịu buông xả, cưu mang không chịu đặt gánh nặng xuống, bạn sẽ rất nặng nề. Nếu nhặt một món đồ lên và mang chúng đi trong chốc lát rồi khi cảm thấy nặng, bạn đặt nó xuống, quăng bỏ nó đi. Đừng làm khổ chính mình.

 

Thiền sư Ajahn Chan - Trích Bản Thể Siêu Việt

Các tin tức khác

Back to top