Tê chân đổi cách ngồi

26/03/2013 10:37
Trong khi thiền tọa, nếu chân bạn tê hay đau đến mức bạn không còn nhất tâm được nữa thì bạn cứ tự nhiên tháo chân và ngồi lại bằng cách thay đổi vị trí của chân, chân trên thay xuống dưới, chân dưới thay lên trên; hoặc chân để vào trước bây giờ để vào sau, chân để vào sau bây giờ để vào trước.

Bạn làm như thế một cách cẩn trọng, chậm rãi, luôn luôn theo dõi hơi thở và cử động của mình. Nếu cần bạn có thể đứng dậy đi kinh hành một vòng rồi ngồi xuống trở lại. Tại nhiều thiền viện, thiền sinh không được phép làm như thế mà phải ráng ngồi lại và chịu đựng sự đau đớn. Tôi nghĩ điều đó trái với tự nhiên. Khi thân thể ta đau tê, thân thể ta muốn nói với ta rằng nó đau tê, và ta phải nghe được tiếng nói của nó. Ngồi thiền là để được an lạc chứ không phải để chịu đựng một cực hình. Thay vị trí của bắp chân hoặc đi kinh hành một vòng, điều đó không làm nhiễu loạn những thiền sinh khác. Bài kệ này là để cho bạn thầm đọc khi thay đổi vị trí của bắp chân.

Khổ Thọ Và Lạc Thọ
Như Mây Trời Theo Gió
Hơi Thở Là Giây Neo
Thuyền Về Nơi Bến Cũ
Có ba loại cảm giác: cảm giác dễ chịu gọi là lạc thọ, cảm giác khó chịu gọi là khổ thọ và cảm giác trung hòa, không dễ chịu cũng không khó chịu, gọi là xả thọ. Tôi thấy lối phân biệt ấy trong luận tạng không được chính xác lắm. Theo kinh nghiệm của tôi, xả thọ nếu được ý thức, có thể trở nên một thứ lạc thọ lành mạnh và lâu bền hơn bất cứ lạc thọ nào.

Ăn một miếng  ngon hoặc nghe một câu khen ngợi bùi tai, ta thường có lạc thọ. Nhức một cái răng hoặc nổi giận đùng đùng, ta có khổ thọ. Những cảm giác này thường đưa đẩy và lôi kéo ta đi theo chúng như mây theo gió, như bèo theo sóng. Niềm an lạc của ta sẽ vững chãi và lâu bền hơn nếu ta tìm tới nguồn xả thọ. Một cơ thể không đau nhức, một tâm hồn không bị dằn vặt bởi lo âu và phiền não: đó là căn bản của hạnh phúc. Ngồi trong tư thế kiết già, thấy được thân tâm thanh tịnh, không bị lôi kéo theo phiền não, ta có thể đạt tới một trạng thái an lạc khá bền vững. Sự an lạc ấy có thể được diễn tả bằng từ ngữ le sentiment du bien-être của người Pháp. Ta thấy điều này: điều kiện thiết yếu để cho sự an lạc là ý thức rằng mình có an lạc.

Ta có đôi mắt có thể nhìn thấy được màu sắc của mọi loài hoa cỏ. Cảm giác của ta khi thấy những màu sắc ấy có phải là một lạc thọ hay không, đó là tùy ở chỗ ta có ý thức về sự quý hóa của cặp mắt ta và của những màu sắc mà ta trông thấy hay không. Nếu không thì cảm giác ấy là một xả thọ. Nếu có, nó là một lạc thọ mà ta có thể duy trì bao lâu cũng được, tùy theo ước muốn của ta.

Thiền tọa, như bạn đã biết, trước hết là để thanh tịnh và an lạc. Thanh tịnh và an lạc thường đi đôi với nhau. Giây neo là phương tiện cho thuyền không trôi giạt; hơi thở là phương tiện duy trì chánh niệm, duy trì sự thanh tịnh và an lạc. Hơi thở là giây neo để ta trở về với chính ta, để ta duy trì được sự tỉnh thức.


Thầy Thích Nhất Hạnh

Các tin tức khác

Back to top