Tùy thuận chúng sinh

2/05/2013 3:31
Tùy duyên đối với con người ở nghĩa rộng nhất là thuận với chúng sanh với hai nghĩa, thuận theo xấu và thuận theo tốt. Người khác có lập trường quan điểm tiêu cực, hại mình hại người, ấy thế mà chúng ta đồng lõa, hoan hỷ, tán dương, hỗ trợ, có nghĩa chúng ta đang gieo một hạt giống tiêu cực ở mức độ cộng nghiệp mà giá trị nhân quả và tính trách nhiệm nhân quả của mình trong tương lai cũng không thua kém gì người trực tiếp làm ra chuyện đó.

Tòng phạm và đồng lõa được luật pháp các quốc gia trên thế giới nghiêm trị một cách tương đương với người trực tiếp gây ra. Cho nên, tùy thuận theo chúng sinh theo nghĩa này là không tốt. Còn đối với các chúng sinh có nhiều giá trị đóng góp, chúng ta thuận theo họ, rõ ràng sự tùy hỷ này có giá trị.

Hằng thuận chúng sinh vô quái ngại”, Bồ tát Phổ Hiền nêu trong mười nguyện lớn của mình lại có ý nghĩa hoàn toàn khác. Bản tính con người không chỉ đơn thuần là chín người mười ý, đôi lúc có thể thành hàng trăm ý, càng thảo luận lại càng phát sinh ra nhiều ý kiến khác nhau. Người

khó tính, người dễ chịu, người nghiêm túc, người sao cũng được, những cá tính khác biệt này có thể tạo thành đầu mối của tranh luận hơn thua để phân ranh giới bạn và thù. Do đó, học theo phong cách của Bồ tát Phổ Hiền, chúng ta tùy thuận chúng sinh vô quái ngại, nghĩa là sống với người đàng hoàng đứng đắn, chúng ta được ảnh hưởng cái tốt từ người đó, hoặc mình làm cho người khác tốt lên, đó là điều hẳn nhiên. Còn sống với người xấu, chúng ta vẫn không bị phiền não, ngược lại nỗ lực giúp họ hoàn lương, chuyển hóa.

Sống với người biết tùy hỷ, dễ dàng cảm thông, chia sẻ, rộng lượng, tha thứ thì tâm chúng ta hoan hỷ, hạnh phúc đã đành, nhưng sống với người cau có, khó chịu, bắt bẻ, hơn thua từng câu, từng chữ, không chịu thương lượng, lúc nào cũng háo thắng, chúng ta có hạnh “chúng sinh vô quái ngại” vẫn có thể giúp họ tháo gỡ phần cá tính tiêu cực ấy mà bản thân không bị phiền não ở những tình huống chướng tai gai mắt.

Như vậy, nghệ thuật tùy thuận chúng sinh là bài thực tập buộc hành giả phải làm. Ở công sở, ở nhà, với những người thân, người thương, quan hệ huyết thống, đôi khi chúng ta vẫn phải đối diện với những điều không như ý hằng ngày, hằng giờ. Nếu không có năng lực tùy thuận để hóa giải thì những ức chế tâm lý đó biến mình trở thành nạn nhân. Dù nhà cao cửa rộng, phương tiện, vật chất đủ đầy, nhưng thái độ tâm lý không hân hoan, không hạnh phúc do nghịch cảnh của người thân gây ra cũng khiến chúng ta mất đi ý nghĩa của cuộc sống. Cho nên, phải thực tập hạnh tùy thuận chúng sinh bằng cách buông xả những việc không đáng để tâm và chỉ giữ lại trong lòng những điều tích cực, những giá trị giúp tâm luôn hướng đến điều thiện.

Sống với người tính toán hơn thua, câu chấp, làm tâm chúng ta mỏi mệt. Không có năng lực hóa giải bằng tùy

thuận chúng sinh thì hằng ngày hằng giờ, mỗi lời nói, cử chỉ cũng dẫn đến những phản ứng đối đầu. Căng thẳng này làm tiền đề cho căng thẳng khác, khổ đau này đưa đường đến bế tắc khác. Cuối cùng, mất lối thoát. Cho nên, tùy thuận theo cái đúng, nhưng hóa giải những tình huống sai, đó được gọi là “tùy thuận chúng sinh vô quái ngại”. Đây chính là sự thực tập rất quan trọng của người Phật tử.

Giải quyết nghịch cảnh để có sự tùy thuận theo hướng tốt và tích cực là ta đã giải quyết được 80% bế tắc của các vấn đề diễn ra trong đời sống. Quan niệm “ai sao tôi vậy” dễ dẫn đến tình trạng rất nguy hại, “ai làm bậy tôi làm theo”. Đó không phải là tùy thuận chúng sinh mà là tùy thuận theo bản năng, tùy thuận theo sự xúi dục, theo những điều không tốt đẹp. Do đó, trách nhiệm, đạo đức và cộng hưởng nhân quả trong tình huống này khó có thể tránh khỏi. Tội đồng lõa, “Ai sao tôi vậy, ai làm bậy tôi làm theo” cần được thay đổi lại, ai làm tốt mình làm tốt theo, ai làm bậy mình không chấp mà cố gắng vượt qua. Đó là tùy thuận chúng sinh.

Nếu không thực tập mà chỉ làm lơ, không ngó ngàng tới, xem người đó có mặt như không thì cách ứng xử này chỉ mới đạt được một phần của tùy thuận, chưa đạt đến nội dung chính yếu mà nhà Phật dạy là “vô quái ngại”, tức là không có bất kỳ sự trở ngại nào.

Cho nên, khi không như ý, bất hòa với người nào, thì hành giả nên tùy thuận để chuyển hóa dòng cảm xúc, làm chủ vận mệnh của mình. Còn thấy chướng ngại với người nào, tìm cách lánh mặt, gặp người đó ở cổng A, thì ta đi cổng B; họ có mặt chỗ này, thì ta xuất hiện chỗ khác như mặt trời mặt trăng, đó không phải là “vô quái ngại”, mà chính ta đang có ngại, thậm chí rất nhiều trở ngại trong tâm. Do đó tính cách

loại trừ là thái độ bị trở ngại trong nhiều tình huống mà sự chấp mắc của nó là điều khó vượt qua.

Con người thường mặc cả, đong đo, tính đếm vai trò vị trí của mình với những người khác. Cho nên người ta thường đặt để tính điều kiện trong các hợp đồng, các việc làm ăn. Mặc dù chúng ta biết rằng có những tình huống khi bị đặt để điều kiện, chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác là phải hợp tác luôn cả với người mà mình không thuận. Tuy công việc tiến triển cụ thể rất tốt nhưng vì chúng ta và người kia có hàng rào ngăn cách, thay vì nó là sự hỗ trợ tình cảm và tình thân, cả hai bên lại không chịu thực tập “vô quái ngại”, đó là tâm vị kỷ, tiêu cực thiết lập sự phá vỡ. Chính vì thế, tùy thuận chúng sinh là nhu cầu giúp hành giả thành công trong tất cả những bế tắc.

 

Thầy Thích Nhật Từ (Trích từ sách Con Đường An Vui)

Các tin tức khác

Back to top