Ý nghĩa bảy bước nở hoa sen

20/05/2013 10:07
Nghiên cứu trong các kinh điển Vệ Đà, Áo Nghĩa Thư, các sách lịch sử cổ đại Ấn Độ và các sách sử Trung Hoa, chúng ta thấy con số 7 nó mang một ý nghĩa tâm linh vũ trụ rất lớn. Vì có những tôn giáo thường nói đến.

- Sự tích chúa tạo ra vũ trụ 7 ngày.

- Các dân tộc Tây Nguyên cho rằng sau khi chết người ta phải “7 lần” chết nữa, linh hồn mới về được với Tổ tiên.

- Một số dân tộc theo đạo Hồi cho rằng linh hồn người chết còn lại bên mồ “7 ngày” nữa mới bay đi.

- Người Nhật lại cho rằng linh hồn người chết còn ở lại trên mái nhà của mình “49 ngày”.

- Chức Nữ gặp Ngưu Lang vào đêm mùng 7 tháng 7.

Con số 7 biểu tượng cho con người hoàn chỉnh và trọn vẹn.

- Sau khi sinh 7 ngày đứa trẻ mới rụng rốn.

- Thân thể con người có 7 chỗ đi vào cơ thể.

- Tâm hồn con người có 7 tình.

Như vậy tính biểu trưng của số 7 là phổ biến, được hình thành có liên quan một phương diện số lượng trong thế giới khách quan. Như cầu vồng có 7 sắc. Hoa hồng thường có 7 cánh…

Con số 7 chỉ cho sinh thái của không gian và thời gian vũ trụ. Vũ trụ thế giới gồm không gian và thời gian:

- Thời gian có ba chiều: Quá khứ, hiện tại và vị lai. Không gian có 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Vũ trụ gồm thời gian và không gian vô thường biến đổi, là thế giới của trùng trùng duyên khởi nhân quả luân hồi lục đạo chúng sanh.

- Con số 7 còn là con số Thành của hệ thống số học Ấn Độ cổ đại.             

- Thường thì được coi là một chu kỳ sinh thành của một hiện hữu, là sự thành tựu viên mãn.

- Bảy bước chân của Thái tử Sĩ Đạt Ta (Bồ-tát Hộ Minh) có sự quan hệ với câu tuyên bố:

Thiên thượng thiên hạ

Duy ngã độc tôn

Là bảy bước đến Niết-bàn, là sự giác ngộ tối hậu, không còn tái sinh nữa.

- Bảy bước của Thái tử lúc mới sinh là: Biểu tượng của bước chân vững chãi vượt thoát khỏi sanh tử.

- Đó là bước chân vững chãi của Bồ-tát đã trải qua nhiều kiếp tu hành Lục độ Ba-la-mật. Những bước chân vững vàng trên đường đạo hạnh, bảy bước đến quả vị Phật.

- Bảy bước thành Phật được trình bày trong Kinh Trạm Xe (Trung Bộ). Kinh Thất Xa (Trung A Hàm) như sau:

Bước thứ nhất: GIỚI THANH TỊNH

Người Phật tử phải Sống đời đức hạnh và hành vi ứng xử có đạo đức chuẩn mực (Tiêu chuẩn đạo đức lấy năm giới làm chuẩn), và thu thúc lục căn, các giác quan được bảo hộ một cách an ổn. Đức Phật dạy: “Giới đức rất liên hệ với vấn đề nhân quả”. Từ xưa, người Ấn Độ đã biết ý thức rằng không một hành vi lớn nhỏ tốt xấu nào mà không tác động tới kiếp sau. Mỗi việc làm đều có hậu quả của nó. Đó là luật quả báo ứng. Hễ có vay thì phải có trả, gieo cái chi thì gặt cái nấy và đó là nghiệp.

- Thật ra, Phật thuyết pháp dạy Tam Quy Ngũ Giới, Oai Nghi… cùng muôn ngàn pháp môn, đều vì để đối trị tâm chúng sanh. Tập khí xấu xa của chúng sanh có 84 ngàn pháp môn để đối trị. Đó là phương tiện thiện xảo của Phật. Phật thuyết ra tất cả pháp vì để độ tất cả tâm. Trước hết, Đạo Phật với phương pháp Giới Định Huệ chủ trương gạn lọc tâm niệm, gạn lọc tư tưởng, để con người được thanh cao tinh khiết có được một đời sống hạnh phúc chân thực, lìa những ác tính tập nhiễm từ lâu.

Giới: nhằm điều chế phong thái bên ngoài (sơ thiện).

Định: nhằm điều chế tâm tư (trung thiện).

Huệ: nhằm hiểu biết chân xác (hậu thiện).

- GIỚI có nhiều bậc, nhưng Ngũ Giới, Thập Thiện là cội gốc căn bản. Nếu không giữ giới sát sanh thì tiệt giống từ bi. Nếu không giữ giới trộm cắp thì tiệt giống phú quí. Nếu không giữ giới dâm dục thì tiệt giống thanh tịnh. Nếu không giữ giới vọng ngữ thì tiệt giống chơn thật. Nếu không giữ giới ẩm tửu thì tiệt giống trí tuệ.

- Đây là bước đầu tiên trên đường đạo, là hòn đá tảng để thiết lập lộ trình tâm giải thoát.

- Kinh Trường Bộ I (Tr. 563, HT. Thích Minh Châu dịch, Xb năm 1991), Đức Phật có nói đến năm sự lợi ích cho người giữ giới, sống đúng giới luật.

1- Được tiếng tốt đồn xa

2 - Khi đi vào hội chúng nào hoặc Sát-đế-lỵ hoặc Bà-la-môn hoặc gia chủ hoặc sa môn, người ấy đi vào với tâm hồn không sợ hãi, không bối rối.

3 - Tiền của không hư hao vì sống không phóng dật.

4- Khi lâm chung tâm hồn không rối loạn.

5- Sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh vào thiện thú, thiên giới.

Hay như trong kinh Hoa Nghiêm cũng khẳng định rằng: “Giới vi Bồ Đề chi bổn, Niết Bàn chi sơ, độ khổ hải chi phù nang, đạt bỉ ngạn chi kiều lương”.

Dịch: “Giới là cội gốc của Bồ Đề, là nền tảng của Niết-bàn, là chiếc phao nổi để qua biển khổ, là chiếc cầu bắt qua bờ bên kia”.

Trong Thanh Tịnh Đạo Luận nói :

“Có bậc thang nào bằng thang giới

Có thể bắt lên đến cõi trời

Có cửa ngõ nào bằng cửa giới

Mở đến thành Niết-bàn như vậy”.

Bước thứ hai: TÂM THANH TỊNH

Giới năng sanh Định. Bước thứ hai sau khi giữ giới, tiến tu Thiền định, đưa tâm đến sự Tĩnh lặng, làm vắng mặt năm yếu tố làm mờ tối tâm thức con người, đó là Tham dục, Sân hận, Hôn trầm, Trạo cử và Hoài nghi.

- Qua sự tu tập Thiền định, đưa tâm thức thăng hoa qua 4 tiến trình tu tập, đó là 4 cấp độ của Thiền định.

- Đây là bước thứ hai làm An định nội tâm.

Bước thứ ba: KIẾN THANH TỊNH

Là phát Huệ, sau khi tu Định, phát Huệ là chuyển hoá cái nhìn, cái nhận thức, từ cái nhìn tham ái đắm nhiễm, chấp thủ chuyển thành cái nhìn vô ngã giải thoát, cái nhìn đó gọi là Kiến Thanh Tịnh.

- Giới năng sanh Định, Định năng phát Huệ.

- Huệ là sự nhận thức chính xác sâu sắc và sáng tỏ về bản chất của sự vật hiện tượng, tức là thấy rõ và quán chiếu bản chất vô ngã trong tiến trình tâm lý. Sự quán chiếu dựa trên tâm thức định tĩnh.

Bước thứ tư: ĐOẠN NGHI THANH TỊNH

Là đoạn trừ nghi hoặc của tâm, chứng ngộ chân lý. Tâm không còn nghi hoặc, mê mờ, vô minh, sự thật sáng tỏ, chân lý hiển lộ, thấy rõ nhân quả tội phước, nhân duyên sanh khởi và hủy diệt của các pháp, tâm thể chơn như làu làu sáng tỏ. Bước thứ tư này được gọi là Đoạn Nghi Thanh Tịnh.

- Tu chứng ngộ chân lý. Tuệ trí hiển phát. Lúc bấy giờ với Tuệ quán đã thấy rõ và xác định một sự thật được phơi bày. Đó là sự thật vô ngã của cuộc đời. Niềm hỷ lạc tràn ngập như một sự bùng vỡ trong tâm thức. Đó là ngộ đạo.

- Nhận thức vô ngã lúc này tự trải ra trước mặt, không cần ai chỉ cho.

- Vì vậy mọi nghi ngờ về pháp đều chấm dứt.

- Tất cả các pháp hữu vi trong thế gian đều do nhân duyên hoà hợp mà sinh, nên các tướng hiện bày của pháp Duyên Sinh đều là giả tướng hư vọng. Các giả tướng này sanh diệt vô thường.

- Nếu chấp trước chúng, lấy huyễn hữu làm thật hữu thì còn luân hồi sanh tử.

Bước thứ năm: ĐẠO PHI ĐẠO TRI KIẾN THANH TỊNH


- Khi đã ngộ đạo tức nhận thức vô ngã đã trải ra trước mặt hành giả.

- Lúc đó giai đoạn này bước thứ năm là Triệt ngộ. Biết rõ điều gì là đúng và điều gì là không đúng.

- Điều không đúng ở giai đoạn này là sự chấp trước vào lạc thọ do cái thấy vô ngã đưa tới.

- Tức phá bỏ mọi khái niệm mê chấp, cố chấp các pháp.

Bước thứ sáu: TRI KIẾN THANH TỊNH (Thấy biết thanh tịnh)


Có 4 thứ ngã:

1- Ngã kiến: Là sự hiểu biết nhận thức sai lầm về ngã, cho rằng đó là một cái ngã độc lập vĩnh hằng.

2 - Ngã ái: Là sự yêu mình, yêu cái tôi, cái của tôi, cái tự ngã của tôi.

3 - Ngã mạn: Là thái độ kiêu căng cho rằng ta là hơn.

4 - Ngã si: Quan niệm sai lầm về ngã. Tri kiến thanh tịnh là nhìn thấy mọi sự vật, sắc pháp hay tâm pháp, đều hiển lộ tự tánh vô ngã. Ngã tướng bị tan rã dẫn đến tác dụng làm tan rã 10 kiết sử phiền não, đạt được thanh tịnh hoàn toàn.

Sau cùng là bước thứ bảy: VÔ THỦ TRƯỚC NIẾT BÀN

Không còn vướng mắc bất cứ cái gì kể cả khái niệm hay tướng trạng Niết-bàn. Một sự viên mãn tự do tự tại, thành tựu đạo quả. Đây là chỗ chứng đạo, tâm thể hiện bày, không còn một chút dấu vết của sự chấp ngã. Vô tu, vô vô chứng, vô ngã, vô cầu, vô danh, giải thoát viên mãn. Tu tới đây gọi là thành Phật.

TU LÀ TÌM HIỂU TƯ KỶ

Tu hành theo phật pháp là tìm hiểu tư kỷ. Tìm hiểu tư kỷ tức là thể nhập tự tâm. Thể nhập tự tâm, tức liễu ngộ vạn pháp. Tất cả Tâm và Vật của mình và người đều thoát lạc không còn gì cả.

Chánh Pháp Nhãn Tạng:

Tuyệt vời bảy bước hoa sen

Trang nghiêm cho cõi bùn đen nhiệm mầu.

Giữa lòng biển lệ thiên thâu

Chợt nghe lóng lánh xưa sau nụ cười

Sáng nay Phật lại vào đời

Ngón tay hoa trỏ cho mười phương trăng.

 

Theo Đạo Phật Khất Sĩ

Các tin tức khác

Back to top