Chấp tâm

22/06/2013 11:38
Có một người làm thị giả cho Quốc sư Huệ Trung ở Nam Dương 30 năm. Quốc sư thấy ông suốt thời gian dài không ngại vất vả, một lòng trung thành nên muốn báo đáp lại công lao của ông bằng cách giúp cho ông sớm được khai ngộ.

Một hôm như thường ngày, Quốc sư Huệ Trung gọi “Thị giả”, Thị giả liền đáp “Quốc sư cần con làm việc gì?”. Quốc sư nói: “Không có việc gì cần đến ông”. Một lát sau, Quốc sư lại gọi “Thị giả”. Thị giả lại đáp như lần trước. Cứ thế, đối đáp qua lại mấy lần. Sau cùng Quốc sư gọi lớn “Phật Tổ, Phật Tổ”. Thị giả nghe, không hiểu gì nên hỏi Quốc sư: “Ngài gọi ai đấy?”. Quốc sư thấy thế nên đã ân cần gợi ý “Ta gọi ông đó”. Thị giả vẫn không hiểu, và nói: “Quốc sư, con không phải là Phật Tổ mà là thị giả của ngài. Ngài đã lầm rồi chăng?”. Quốc sư nghĩ không thể chỉ dạy được, bèn nói: “Không phải ta không muốn giúp đỡ ông, thật ra ông đã quá phụ ta rồi”. Thị giả đáp: “Thưa Quốc sư, dù bất cứ lúc nào, con không bao giờ phụ ngài, vẫn luôn luôn là thị giả trung thành của ngài”. Ánh mắt của Quốc sư trầm xuống, ngài nghĩ: Tại sao lại có người chỉ biết đáp lại và bị động, tiến thoái đều chạy theo người khác mà không nghĩ đến sự tồn tại của mình, chẳng lẽ ông ta không thể cảm giác được tâm hồn và tiếp xúc được mạng sống chân chính của chính mình ư? Và ngài nói tiếp: “Con nói là con không cô phụ, thật sự con đã cô phụ ta rồi. Ta đã dày công dụng tâm độ con, nhưng con hoàn toàn không hiểu. Con chỉ thừa nhận mình là thị giả mà không thừa nhận mình là Phật Tổ. Phật Tổ và chúng sanh thật ra không có khác biệt. Sở dĩ chúng sanh là chúng sanh chính vì chúng sanh không xem mình là Phật Tổ, thật là đáng tiếc vậy”.

Giải nghĩa:

Bồ tát Sĩ Đạt Ta ngồi dưới cội Bồ đề suốt 49 ngày đêm, đến đêm thứ 49, Bồ tát tuyên bố đã chiến thắng vô minh, ái dục là căn nguyên cội nguồn của luân hồi. Kiếp này là kiếp chót và Bồ tát đã thành Phật. Như vậy thành Phật là thế nào? Chẳng qua là Bồ tát trở về và sống được với chân tâm vô niệm. Đó là con người chưa từng sanh, chưa từng diệt, là con người bất tử. Con người bất tử đó được đức Thế Tôn chỉ rất rõ rằng: “Thế Tôn ở trên hội Linh Sơn, tay cầm cành hoa đưa lên, cả chúng hội đều ngơ ngác, chỉ riêng ngài Ca Diếp mỉm cười”. Ở đây cành hoa và cánh hoa không quan trọng. Quan trọng là động dụng đưa lên và cái thấy sự động dụng đó. Nếu tất cả mọi sự nói năng, đi đứng, thấy nghe, cúi ngước v.v… mà trong lòng rỗng rang, không có suy nghĩ, thì đó là bổn tánh chân thật, là Phật tánh, Phật tâm của chính mình. Ví như người thị giả kia, khi nghe tiếng gọi “Thị Giả”, “Phật Tổ” mà trực nhận ra chơn tánh thường hằng, thường biết qua cái nghe, cái thấy biết của mình thì đã cảm nhận được tâm ân cần, thiết tha của Quốc sư.

Nhiều người đến với đạo Phật để tìm cách giải trừ phiền não, khổ đau. Họ tụng kinh, ăn chay, niệm Phật, làm công quả, cúng dường, bố thí,… Nhưng đa số không biết diệt trừ bản ngã thì phiền não và khổ đau vẫn còn hiện hữu. Trải qua bao nhiêu năm trong đạo vẫn chấp vào cái ta, kiêu căng ngạo mạn, khoe khoang, chạy theo danh lợi, tiền tài… đến khi cái ngã bị trái ý tổn thương thì giận dữ, sân si mắng chửi, mạ nhục kẻ khác tạo khẩu nghiệp nặng nề. Dù tu theo bất cứ pháp môn nào mà còn chấp ngã và không biết dẹp trừ bản ngã, lúc nào cũng so đo, lo cho cái ta của mình hơn kẻ khác thì phiền não không giảm mà nhiều khi còn tạo thêm nghiệp xấu.

Vậy ta là cái gì? Có người cho ta (tôi, mình) là tên Nguyễn văn A, B, C…. Nhưng đó chỉ là tên họ, danh tánh do cha mẹ đặt ra để phân biệt đứa con này, đứa con kia của mình. Có người chấp cho ta bác sĩ, kỹ sư là danh vị, chức phận. Đó chỉ những bằng cấp thế gian, là những chức vụ chính trị hay là những địa vị công việc trong xã hội. Lại nữa, có người cho ta là thông minh trí thức, đẹp xấu, cho ta là người dễ vui, dễ buồn, giận, rộng rãi, keo kiết,... Đó là những đức tính, hay năng khiếu, hoặc là những tình cảm hay tánh tình của một con người.

Cho nên khi được hỏi ta là ai hoặc ta là gì, đa số người đời đều đồng hóa cái ta vào danh tánh bằng cấp, chức vụ, đức tính, tình cảm, v.v… Nhưng những thứ đó không phải là ta mà chỉ là những cái vỏ khoác bên ngoài mà thôi. Vậy ta là gì? Ta là ai? 

Ta là ai, từ nơi nào ta đến?

Mấy mươi năm tạm gọi một kiếp người

Vinh nhục, khen chê, được mất, khổ vui

Giờ chung cuộc về đâu ta chẳng biết.

Người thân khóc than vô cùng thương tiếc

Ta nằm im chẳng nói cũng chẳng ừ

Vài ngày sau hình hài ta cháy rụi

Mấy mươi năm còn lại nắm xương tro.

Ôi thôi, từ đó ngàn thu vĩnh biệt

Vòng luân hồi qua bao nhiêu kiếp tái sanh

Nhớ nhau chăng! Nhận ra chăng?

Hoặc thương mến, hoặc hận thù tiếp nối.

Ta là ai, ta là gì, tự hỏi?

Hay cam đành chấp nhận kiếp phù sinh.


Ta là gì? Đến đây sẽ có người trả lời: “Ta là một con người”. Câu trả lời này ngắn gọn và rất gần với chân lý. Bởi khi cho ta là cái này, hay cái nọ thì ta phải là một con người trước đã. Có con người rồi, sau đó mới có tên tuổi, buồn vui, thông minh, danh vị, chức vụ, v.v... Ta là một con người, gồm có hai phần thân và tâm. Thân là phần vật chất có hình tướng. Tâm là phần vô hình có khả năng hiểu biết, suy nghĩ, nhớ tưởng, tính toán lo âu, thương ghét… và điều khiển thân thể đi đứng nói năng, hành động v.v… Sự liên hệ giữa thân và tâm thức cũng như cái máy và nguồn điện. Một cái máy mà không có điện thì máy đó vô dụng. Điện là một năng lực vô hình nhưng cần thiết để làm cho máy chạy. Thân thể con người cũng vậy, nếu không có tâm hồn bên trong thì nó sẽ trở thành một cái xác chết. Tâm cũng giống như điện tuy vô hình nhưng rất cần thiết cho sự sống.

Tóm lại, cái ta là sự hình thành do thân và tâm kết hợp lại, vô thường sanh diệt, chỉ có chân tính là thường hằng bất diệt. Đó mới là cái ta chân thật của mỗi người, đó là Phật tâm tánh, là cái biết của chúng sanh vậy.

Cuộc đời đến đâu ư

Con người là gì vậy

Họa phúc có hay không

Kiếp sau ai đã thấy

Những mảnh hồn thao thức

Bơ vơ trong sương mù

Hư vô hỡi, giữa vô cùng còn mất

Ta là ai thăm thẳm có ta không.

 

TGT (Theo ĐPKS)

Các tin tức khác

Back to top