Bàng Uẩn ngữ lục

14/09/2018 2:58
Ông Bàng Uẩn (tên Trung Hoa là P'ang Yun, theo cuốn A Man of Zen, của R.F. Sasaki, Y. Iriya và D.R. Fraser) người huyện Hành Dương, Trung Hoa, tự là Đạo Huyền (Tao-hsuan) sinh khoảng năm 740 và chết năm 808. Ông sống tại Hành Dương với vợ và hai con: một trai tên Kenh-huo, một gái tên Linh Chiếu (Ling-Chao). Tất cả gia đình tu theo Thiền Tông, và đều được coi như đã ngộ đạo hết.

Sau khi đốn ngộ, ông về nhà lấy thuyền chở của cải đem đổ xuống sông, căn nhà thì cúng dường để xây chùa. Ông cất một thất nhỏ để tu ở.

Cô Linh Chiếu thường theo hầu hạ, chuyên việc chẻ tre bện sáo bán để nuôi cha. Người con trai thì lo việc trồng trọt để nuôi mẹ.

Ông Bàng Uẩn thường đi nhiều nơi để tham vấn các vị thiền sư nổi danh thời đó. Theo Thiền Tông thì việc đi tham vấn là phương pháp cần thiết để học hỏi và trao đổi những kinh nghiệm tu tập, các thầy còn khuyến khích trò của mình phải đi tham vấn, chứ không có ngăn cản. Ông Bàng Uẩn đã gặp nhiều Thiền Sư nổi tiếng như Thạch Đầu, Mã Tổ, Đơn Hà và đều được các vị ấy coi như ông đã chứng đắc.

Khi gặp Thạch Đầu, Ông được coi như đã giải ngộ, nhưng sau đó được gặp Mã Tổ thì ông mới thiệt triệt ngộ và ở lại với Mã Tổ hơn một năm.

Ông có làm chừng ba trăm bài thơ về đạo và được truyền tửng rộng rãi. Ông có dịp gặp vị quan châu Vu Công (Tr. Hoa: Yu Ti) và vị này nhờ ông mà được ngộ đạo nên theo học ông cho đến khi ông chết. Nhờ vậy ông Vu Công đã ghi chép những mẩu chuyện, những bài thơ và viết cuốn "Bàng Uẩn ngữ lục" mà đã được dịch thành cuốn " A Man of Zen - The Recorded Sayings of Layman P'ang". 

Dưới đây là một vài đoạn đối thoại của cư sĩ Bàng Long Uẩn

Đối Thoại Với Thạch Đầu

1.-Khoảng đầu năm Đường Trinh Nguyên ông đến thăm Thạch Đầu hỏi
-Người không làm bạn với vạn pháp là ai ?
Thạch Đầu lấy tay bịt miệng ông. Ông hoát nhiên có tỉnh (ngộ).

2.-Một hôm Thạch Đầu hỏi ông :
-Từ khi ông gặp lão tăng, việc hàng ngày thế nào?
-Nếu hỏi việc hàng ngày thì con không có chỗ mở miệng.
-Vì tôi biết ông như thế nên nay tôi mới hỏi.
Ông bèn trình lên bài kệ :
Việc hàng ngày không khác
Riêng tôi tự thấy vui
Mọi việc chẳng nắm bỏ
Mọi chốn chẳng nghịch suôi
Gò núi hết bụi đời
Thần thông và diệu dụng
Xách nước, bổ củi thôi.
Thạch Đầu chấp nhận và hỏi :
-Ông sẽ mặc áo đen hay áo trắng ?
-Xin cho con theo sở nguyện.
Do đó ông không cạo đầu, không nhuộm áo.

Đối Thoại Với Mã Tổ

1.-Sau ông tới Giang Tây tham Mã Tổ. Ông hỏi :
-Người không cùng vạn pháp làm bạn là ai?
-Đợi tới khi ông hớp một ngụm cạn hết nước Tây Giang tôi sẽ bảo ông.
Ngay câu nói ấy ông lãnh ngộ huyền chỉ (ngộ triệt để). Bèn trình bài kệ :
Mười phương đều tụ lại
Người người học vô vi
Đây là trường chọn Phật
Tâm Không trúng kỳ thi.
Ông ở lại tham học với Mã Tổ hai năm.
Ông có viết bài kệ :
Có trai chẳng cưới vợ
Có gái chẳng gả chồng
Cả nhà vui hội họp
Cùng bàn lý vô sanh. 
2.-Một hôm ông hỏi Mã Tổ :
-Một người chẳng rõ bản lai, thỉnh hòa thượng ngưởng mặt.
Mã Tổ cúi mặt xuống.
-Chỉ có hòa thượng là người chơi được đàn không dây.
Cư sĩ bèn lạy. Mã Tổ  trở về phòng phương  trượng. Bàng Uẩn nói với theo :
-Hòa thượng khéo quá hóa vụng!
 
3.-Một hôm ông hỏi Mã Tổ
-Nước không gân cốt sao mang nổi thuyền nặng vạn hộc?
-Nơi đây chẳng có nước, cũng chẳng có thuyền, nói gân cốt cái gì?

Gặp Một Ông Tăng Hóa Duyên
Một hôm, ông đi bán giỏ  tre ở  chợ Hồng Châu gặp một ông  tăng hóa duyên, ông lấy ra một xu và hỏi :
-Làm sao không hạnh phụ tín thí, nếu nói được thì tôi cho ông xu này!
Ông tăng không nói được.
-Ông hỏi tôi, tôi sẽ nói cho nghe.
-Làm sao không hạnh phụ tín thí ?
-Ít người nghe, ông có hiểu không ?
-Không hiểu.
-Người không hiểu là ai ?

Cư Sĩ Và Giảng Sư
Ông gặp vị giảng sư đang giảng kinh Kim Cương tới đoạn vô ngã, vô nhân ông liền hỏi :
-Giảng sư nếu đã vô ngã, vô nhân thì ai đang giảng và ai đang nghe ?
Giảng sư không trả lời được.
-Tuy tôi chỉ là người thường nhưng biết chút ít.
-Ý ông là sao ?
Ông bèn đọc bài kệ.

1. Tâm như cảnh cũng như
Không thực cũng không hư
Không quản vô vì hữu
Cũng không chấp không là
Không phàm phu thì thánh.
 
2. Dễ lại dễ
Chân lý ngũ uẩn đây
Mười phương thế giới một thừa đó
Vô tướng pháp thậm há có hai
Vào Bồ đề nếu bỏ được phiền não
Chẳng biết đường nào hướng về Tây.
 
3. Hộ sinh cần phải giết
Như thế mới an cư
Nếu hiểu được ý đó
Trên nước thuyền sắt ư.



Trích Bàng Uẩn Ngữ Lục

Các tin tức khác

Back to top