Không nói được

24/09/2018 1:25
Trong đời sống thường ngày, chúng ta cũng có thể có những phút “giác ngộ”: Đời là vô thường, là bóng câu qua cửa sổ, là bọt bèo, là giấc mộng. Nhưng ta chỉ giật mỉnh khi “ngộ” một chút rồi quên, rồi “trôi lăn” theo những tham sân si, những quấn quýt chằng chịt vô cùng hấp dẫn không sao thoát nổi kia!

Ngay những triết gia quây quắt tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, sự hiện hữu của kiếp người cũng vẫn loay hoay với bao triết thuyết, rồi đâu vào đó. Phải có một con đường khác đó. Phật khẳng định có con đường khác đó : “ Đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí ”. Đó chính là con đường hạnh phúc trải nghiệm của Đức Phật. Với nụ cười tự tại trên môi, nhất quán, xuyên suốt 45 năm tận tụy sẻ chia cho mọi người từ ngày thành đạo. Đó là con đường thực nghiệm, thể nghiệm, không lý thuyết suông, không hý luận, được kiểm chứng và có tính phổ quát. Những lời dạy cuối cùng của Đức Phật cùng các đệ tử cũng đã không quên nhắc lại “con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh” … này, bởi sợ rằng sau này người ta lại dễ rơi vào tranh luận, hý luận, mà quên thực hành, để đi vào trăm ngả thị phi. Con đường đó chính là Thiền định.

Chính Đức Phật, trong khi tìm kiếm con đường giải thoát, tình cờ nhớ lại tuổi ấu thơ của mình có lần đã rơi vào trạng thái sơ thiền mà nhanh chóng phát hiện ra con đường thiền của mình, con đường không những “diệt trừ khổ ưu” mà còn dẫn đến “ thành tựu chánh trí”, giải thoát rốt ráo. Không phải vô cớ mà ngày nay các trung tâm y khoa lớn trên thế giới đưa Thiền vào giảng dạy như một liệu pháp hữu hiệu chữa trị nhiều thứ bệnh thời đại.

Thế nhưng đọc cả chống sách luận về Thiền càng dễ tẩu hỏa nhập ma, bời có lẽ nó là cái gì đó “bất khả thuyết” và đặc biệt “bất khả đắc” khi ta nóng lòng muốn “chộp” lấy nó!

Nói cho cùng. Thiền có vẻ thật đơn giản mà không giản đơn chút nào! Nó như thách thức những nhà triết học, các học giả, mà lại mỉm cười với anh hàng thịt  người gánh rau, bởi nó đòi hỏi sự chuyên tâm thực hành, thể nghiệm trên chính bản thân mình hơn là ngàn chương khảo luận.

Có một sự nhất quán, xuyên suốt trong lời dạy hướng dẫn kỹ năng thiền định của Đức Phật, dù là Tứ Niệm xứ ( Satipatthàna ) hay Thân hành niệm ( Kàyagatàsati). Nhập tức xuất tức niệm ( Ànàpànasati ) một động tác cốt lõi : “ thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra, thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra ngắn thì biết thở ra ngắn…” tóm lại, quan sát hơi thở, hay đặt chánh niệm vào hơi thở. Chỉ có vậy. Mà vô vàn. Mà nói không được! (dù gọi là Thiền (Việt ) hay Chan  Hoa), Zen (Nhật) … đều cũng là do dịch âm  Dhyana ( Sankrist ) hay Jhanas ( Pali ). Theo ngữ nguyên thì “Jha” là nhìn, là quan sát hay quan sát và “Ana” là thở, hơi thở, khí. Vậy quan sát hơi thở là vấn đề cơ bản trong khái niệm “Jhanas” hay dhyana”. Đơn giản vậy mà không giản đơn chút nào!. Đức Phật đã nhắc đi nhắc lại như là một chìa khóa căn bản. Phải mở cánh cửa này đã rồi các cửa khác mới mở ra tiếp được. Vấn đề là tại sao và cách nào chỉ từ môt việc có vẻ rất giản đơn là quan sát hơi thở lại có thể dẫn tới tuệ giá.

Quan sát hơi thở thì có gì hay? Tại sao không quan sát các đói tượng khác? thật ra thì quán sát cái gì cũng được cả, bởi tấ cả đều lả “pháp”. Nhưng quan sát hơi thở thì có điều kiện dễ thấy vô ngã hơn.Vô ngã ở đây không còn là một ý niệm, một khái niệm mà là một trạng thái. Thấy trạng thái vô ngã là thấy :ngũ uẩn giai không”, là “độ nhất thiết khổ ách”!

Dĩ nhiên để thấy “vô ngã” thì phải từ “ngã”. Nên tốt nhất là chọn một đối tượng sẵn có ngay trong bản thân mình. Chẳng hạn như tâm mình, thân mình. Nhưng tâm thì nhảy nhót triền miên, khó bắt dừng lại để quan sát; còn thân thì lục cục đi đứng nằm ngồi đâu có dễ mà chăm chăm dòm ngó! Tim đập cũng lúc nhanh lúc chậm, nhưng khó thấy, khó can thiệp. Dạ dày thì làm việc âm thầm, ngoài ý muốn, khó quan sát. Các bộ phận khác cũng vậy. Trừ hơi thở! Hơi thở dễ quan sát nhất vì nó nằm ngay trước mũi mình, ngay dưới mắt mình! Lúc nào cũng thở đi. đi đâu cũng thở. Quan sát nó thì không ai nhìn thấy, chỉ riêng ta với ta thôi! Mỗi phút lại phải thở cả chục lần. Lúc mau lúc chậm, lúc ngắn lúc dài, lúc phì phò lúc êm dịu, Hơi thở lại gần với cảm xúc! Rất nhạy với cảm xúc. Trước một cảnh đẹp, tự dưng ta “nín thở”. Lúc lo âu, ta hổn hển. Lúc sảng khoái ta lâng lâng. Lúc sợ hãi, hồi họp ta thở nhiều kiểu khác nhau, muôn hình vạn trạng. Như vậy, thở gắn với tâm trạng, gắn với cảm xúc, thay đổi liên tục. Quan sát hơi thở là ta quan sát được cảm xúc, tâm trạng. Nói khác đi, quan sát được cái tâm ta. Tâm quậy phá, tâm lộn xộn, tâm an vui  ta biết hết!. Thở cũng gắn với hoạt động của cơ bắp ; Khi mệt, ta mệt “bở hơi tai”, muốn đứt hơi, muốn hết hơi! Lúc đó ta chỉ mong được …xả hơi! Do vậy mà quan sát hơi thở ta quan sát được cái thân ta. Thân mệt, thân khỏe, thân an vui ta thấy biết hết! Rõ ràng chỉ có hơi thở mới là một sợi dây nhạy cảm buộc vào thân và tâm ta. Hình ảnh “chăn trâu” trong dẫn dụ thiền học thật là tuyệt! Không chỉ thế, thở còn vừa là ý thức, vừa là vô thức. Lâu lâu muốn ngưng chơi một chút cũng được. Nhưng đến một lúc, nó tự động thở. Như không cần ta, như không phải ta. Nói khác đi. quan sát thở, ta có dịp đào sâu xuống …vô thức. Chẳng hạn thở gắn liền với sự sống chết. Còn sống là còn thở, chết là hết thở, là tắt thở, là ngừng thở. Mở mắt chào đời, thở vào ; nhắm mắt lìa đời, thở ra. Mỗi hơi thở như một kiếp sống, một đợt sóng lăn tăn nối tiếp. Mỗi hơi thở vào ra trung bình khoảng 5-10 giây, trong cơ thể con người có hàng trăm triệu tế bào hồng cầu bị hủy diệt và hàng trăm triệu hồng cầu khác được sản sinh. Thở có thể làm chuyển biến tâm trạng ta. Nó tác động  hai chiều như một phản ứng hóa học! Đang giận, đang tức, mà kịp tập trung quan sát hơi thở của mình thấy nó kỳ cục, tức cười, bèn  thở chậm lại, quên giận lúc nào không hay! Quan sát hơi thở lôi kéo ta về hiện tại tức khắc, điểm hưng phấn trên vỏ não đã bị dịch chuyển! Nói cách khác, ta có thể dùng hơi thở làm trung gian để kiểm soát thân tâm ta, làm cho tâm yên ắng, thân êm ắng nếu muốn! Ta biết hô hấp không phải xảy ra ở phổi mà ở từng tế bào, Cơ thể ta có hàng vạn tỷ tế bào. Hô hấp diễn ra trong từng tế bào, ở đó, các phản ứng hóa học dùng oxy từ phổi đưa vào để tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động và tồn tại. Người lao động nặng cần năng lượng gấp ba bốn lần người bình thường, trong đó hoạt động cơ bắp đã chiếm hết một nửa. Riêng não bộ, với trong lượng rất nhỏ bé, chỉ chiếm 2%  thể trọng mà đã tiêu dùng hêt 30 % khối lượng oxy đưa vào cơ thể. Giận dữ, lo âu, sợ hãi tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Cho nên những lúc đó ta dễ cảm thấy kiệt sức, rã rời là vậy! Ngủ là một cách giảm tiêu hao năng lượng, nhưng vẫn còn co cơ m vẫn còn chiêm bao. Một đem ác mộng sẽ thấy bải hoải toàn thân khi thức giấc! Thiền giúp iết giảm tiêu thụ năng lượng một cách đáng kể, hơn cả giấc ngủ. Một khi cơ thể giảm tiêu thụ năng lượng thì các tế bào được nghỉ ngơi, nên toàn thân cảm thấy nhẹ nhàng sảng khoái.

Trạng thái nhẹ nhàng sảng khoái đó xảy ra trên từng thế bào của cơ thể, một cảm giác lâng lâng dễ chịu toàn thân cảu hành giả.

Khi thân thể hoàn toàn thư giãn, buông xả, thì có vẻ như chỉ còn phần “khí” vận hành. Khi đó bầu khí quyển, từ vũ trụ, từ thiên nhien. Các sinh vật cùng chia sẻ một cách …bình đẳng, theo nhu cầu. Ta hút lấy oxy của không khí, lại tạo ra khí carbonic ; trong khi cây cỏ hút carbonic lại tạo ra oxy. Con thằn lằn, con tắc kè, con ễnh ương …cũng phình ra xẹp vào như vậy. Bầu khí quyển vẫn không thay đổi, không thêm bớt từ ngàn xưa. Nhưng chính con người làm hại môi trường sống của mình, tiêu diệt cây xanh, đến nỗi phải mua từng bình oxy mà hít!

Phổi ta hoạt động như cái piston để bơm khí vào ra. Áp suất âm, khí được hút vào; áp suất dương, khí được đẩy ra. Có một thời điểm ngắn, ở đó áp suất cân bằng, không âm không dương, khí bên trong phổi và ngoài phổi là một : “Kho trời chung và vô tận của  mình riêng” ( Nguyễn Công Trứ ).

Tự mỗi người phải thực hành và cảm nhận riêng, sự thể nghiệm, tự chứng nghiệm … Các vị thiền sư vì thế rất ít khi chịu nói, chỉ có thể “tâm nguyện tâm”. Đó chính là chỗ nói không được vậy!

BS. Đỗ Hồng Ngọc

Các tin tức khác

Back to top