Đưa tâm quay về

5/06/2019 8:58
Chúng ta phải luôn tu tập chánh niệm. Khi chúng ta gặp vấn đề, tại nơi làm việc hoặc ở nhà, tâm của chúng ta có khuynh hướng bắt đầu suy nghĩ lung tung về việc đó và trở nên bối rối và lo âu. Vì vậy, khi chúng ta phát hiện ra mình đang chìm đắm trong các luồng suy nghĩ, chúng ta phải đưa tâm quay trở về khoảnh khắc hiện tại càng sớm càng tốt, tập trung vào công việc ngay trước mắt.

Và có lẽ chúng ta sẽ đợi cho tâm lắng dịu xuống và định tĩnh trở lại mới bắt đầu thiết lập lại chánh niệm và tỉnh giác trước khi xem xét lại những mặt sai sót của vấn đề. “ Tại sao điều này lại xảy ra? Nếu mình phạm sai lầm, vậy nó là gì? Làm thế nào để mình không để điều này xảy ra nữa?” Những loại phản tĩnh này có thể thực hiện một khi tâm đã lắng xuống. Chúng ta không nên phản tĩnh ngay lập tức, trong khi chúng ta vẫn còn căng thẳng trong tình huống.

Công việc đầu tiên của chúng ta đưa tâm quay về với chánh niệm, tỉnh giác ngay trong khoảnh khắc hiện tại và không để mình vướng quá nhiều vào sự căng thẳng của vấn đề. Nếu chúng ta thực hành như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng nhiệm vụ thực sự của chúng ta là học cách để thiết lập chánh niệm một cách nhanh chóng. Khi chúng ta nhận ra chúng ta mất chánh niệm, bị mắc kẹt vào những tâm trạng và cảm xúc khác nhau, việc thực hành là nhận ra sự mắc kẹt này để có thể thiết lập lại chánh niệm và tỉnh giác trong khoảnh khắc hiện tại. Và chúng ta có thể làm việc đó khéo léo như thế nào là tùy thuộc vào sự tiến bộ của việc thực hành của chúng ta ra sao.

Giống như huấn luyện trâu

Khi chúng ta dính mắc vào các suy nghĩ sinh khởi trong tâm, chúng sẽ trở thành nghiệp của chúng ta. Thỉnh thoảng khi chúng ta thực hành, những suy nghĩ bất thiện, không khéo léo xuất hiện trong tâm. Chúng đến rất nhanh và dường như chúng ta không thể kiểm soát được chúng. Vậy, chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải tiếp tục thiết lập lại chánh niệm để có thể chộp ngay những suy nghĩ này khi chúng sinh khởi. Chúng ta phải cố gắng cảnh giác với những gì chúng ta đang suy nghĩ. Trạng thái tâm chúng ta hiện đang trải nghiệm là thiện hay bất thiện. Nếu chúng ta biết nó là bất thiện, hãy buông bỏ nó. Hãy sử dụng sự tỉnh giác đó để nhận thức rõ rằng trạng thái tâm bất thiện đó sẽ đem lại cho chúng ta sự tổn hại và đau khổ và buông bỏ nó; do vậy, nó chưa hoặc không thể tạo ra nghiệp bất thiện. Thật ra, nhận ra trạng thái tâm bất thiện là một nghiệp thiện vì đó cũng chính là khoảnh khắc ta đang thiết lập lại chánh niệm và buông bỏ nó.

Ngài Ajahn Chah thường so sánh việc này với người nông dân và con trâu của mình. Người nông dân biết rằng lúc nào mình cũng phải canh chừng cẩn thận con trâu bởi vì nếu anh ta không làm như vậy con trâu sẽ xông vào ruộng lúa và phá hoại vụ mùa. Nếu người nông dân mất chánh niệm, con trâu sẽ phá hoại toàn bộ cánh đồng. Việc này cũng tương tự như đối với tâm. Nếu chúng ta không canh chừng nó chặt chẽ, nó sẽ chạy theo những hành uẩn liên tục sinh khởi.

Bất cứ chúng ta làm gì, cho dẫu là trong đời sống hàng ngày hay trong tu viện, nhiệm vụ của chúng ta là giữ chánh niệm, liên tục quan sát và biết mọi cảm giác đi vào trong tâm. Nó đang trải nghiệm hạnh phúc? Buồn bực? Khó chịu? Bất an? Cho dẫu cảm giác đó là sự hỷ lạc, thanh thản hay trí tuệ, chúng ta chỉ việc luôn quan sát nó, biết bất cứ thứ gì đang có mặt trong tâm. Bất cứ điều gì chúng ta kinh nghiệm, chúng ta phải tự nhắc đi nhắc lại rằng nó là vô thường, nó không chắc chắn. Bất cứ khi nào chúng ta kinh nghiệm các cảm giác khổ như ghét, sân, căng thẳng hoặc sợ hãi, nhiệm vụ của chúng ta cũng tương tự. Chúng ta phải tự dạy và nhắc nhở ngay cả cảnh báo chúng ta: “Này đau khổ, bạn không thường hằng! Tôi không phải là chủ nhân của bạn! Nếu bạn muốn đau khổ thì cứ đi mà tự đau khổ lấy! Hãy đi con đường của bạn, tôi sẽ không dính dáng đến bạn!” Đây được gọi là dùng sự tỉnh giác trong khoảnh khắc hiện tại để liên tục canh chừng và huấn luyện tâm.

Ajahn Anan Akiñcano - Theo: Simple Teachings on Higher Truths

Chuyển ngữ: Supañña Thiện Trí


Các tin tức khác

Back to top