Tiền bạc là vật ngoài thân

19/01/2022 7:52
Tiền nhiều để làm gì ư? Nếu đã chi tiêu đủ cho bản thân, cho gia đình thì có thể dùng tiền đó để quyên góp từ thiện, để hành thiện tích đức, góp thêm phần công đức cho bản thân và gia đình sau này.
Tiền bạc là vật ngoài thân, con người ta chỉ có thể dùng tiền lúc còn sống chứ chẳng thể mang theo khi đã chết đi. Phật tử mất nhiều công sức để kiếm tiền chân chính thì cũng phải học cách sử dụng tiền bạc đúng pháp để đem lại lợi ích cho bản thân và mọi người trong xã hội, để tạo phúc cho đời này và cả đời sau nữa. 
 
Khi chúng ta biết cách sử dụng đồng tiền chân chính thì tiền bạc chính là người đầy tớ tốt, giúp chúng ta có được cuộc sống ấm no đủ đầy, giúp chúng ta có thể đưa tay nâng đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. 
 
Còn nếu để đồng tiền trở thành chủ nhân thì con người chúng ta sẽ trở thành đầy tớ cho nó, bị sức mạnh của đồng tiền chi phối, dám làm tất cả mọi điều tội lỗi chỉ để có tiền, để mưu cầu lợi ích cho cá nhân mình. 
 
Theo lời Phật dạy, tiền bạc không chỉ để chúng ta thỏa mãn đời sống vật chất mà còn phải biết cách làm cho đời sống tinh thần được thăng hoa. Có thể dùng tiền bạc mình kiếm được để cúng dường Phật pháp, giác ngộ chánh niệm, từ đó mở lòng từ bi, biết thương xót muôn loài, không còn ganh đua, hận thù, sân hận, tàn sát lẫn nhau. 
 
Không phải cứ có nhiều tiền mới làm được việc thiện, điều này phụ thuộc vào cách quản lý tài chính, cách mà chúng ta sử dụng tiền bạc của mình. Nên có kế hoạch chi tiêu cụ thể, tiêu cho những thứ đáng tiêu, đừng lãng phí cho những thứ không cần thiết rồi đến lúc cần thì chẳng có tiền trong tay.
 
Nếu không biết cách tiêu tiền, để bản thân nợ nần chồng chất, để mình tán gia bại sản tức là tự đẩy mình vào địa ngục. Khi học được cách sử dụng tiền bạc khôn ngoan, biết cách tiêu tiền đúng đắn và hợp lý, biết dùng tiền để làm việc nghĩa thì có nghĩa là biết tạo phước báu cho mình ở kiếp này và kiếp sau nữa. 
 
Cuộc sống sẽ an lạc, hạnh phúc khi chúng ta biết đủ, biết sử dụng đồng tiền chân chính và sẵn sàng tạo ra lợi ích cho người khác. Đạo Phật đề cao luật nhân quả, gieo nhân nào thì gặt quả ấy, gieo nhân tốt thì sẽ có được quả lành, phước đức sẽ còn đó cho mình, cho gia đình và cho cả con cháu đời sau nữa.
 
“Bởi chưng kiếp trước khéo tu,
Ngày nay con cháu võng dù thênh thang.”

St

Các tin tức khác

Back to top