Câu chuyện con thằn lằn

1/12/2013 5:21
Đây là câu chuyện có thật ở Nhật Bản.

Một người Nhật muốn sửa lại ngôi nhà đôi chút nên đã phá bức tường đi. Nhà ở Nhật thường có một khoảng rỗng nhỏ giữa các bức tường gỗ. Khi phá những bức tường, người đó nhìn thấy con thằn lằn bị mắc kẹt vì có chiếc đinh từ phía ngoài đóng dính vào chân nó.

Người ấy nhìn thấy vậy nên rất thương cảm, hết sức tò mò vì khi kiểm tra chiếc đinh, anh thấy nó được đóng từ khi mới xây, tức là từ 10 năm nay rồi. Chuyện gì đã xẩy ra vậy?

Thằn lằn sống như thế ở một khoảng trống trong tường suốt 10 năm không hề xê dịch. Điều tưởng chừng như quá dị thường, thậm chí là không thể.

Anh đã tự hỏi làm sao thằn lằn sống suốt 10 năm mà không hề đi một bước nào vì chân nó bị đóng đinh. Anh tạm ngừng làm việc, ngồi một góc quan sát thằn lằn, xem nó làm gì và có gì để ăn... Lúc sau không biết từ đâu xuất hiện thằn lằn khác, miệng ngậm thức ăn, bò về phía thằn lằn mắc kẹt.

Không biết thằn lằn mang thức ăn tới có họ hàng gì với thằn lằn mắc kẹt hay chúng cùng gia đình? Nó đã mang thức ăn tới trong suốt 10 năm, không mệt mỏi, không từ bỏ hy vọng. Nếu người Nhật kia không phá bức tường thì không biết sự yêu thương này còn tiếp tục đến bao giờ?

Trong xã hội đầy đủ những tiến bộ về công nghệ thông tin, sự tiếp cận của chúng ta đối với thông tin ngày càng nhanh hơn, liên lạc ngày càng dễ hơn, nhưng khoảng cách giữa con người với nhau... dường như mỗi ngày một xa hơn. Chớ rời xa những người mà bạn yêu thương!

NHẬN XÉT

Câu chuyện này đã được đăng báo Tuổi Trẻ số 375, tháng 06 năm 2009 và báo Khuyến học Hải Phòng, tháng 09 năm 2009 (theo thông tin của Phan Thanh Quang).  Đọc đi đọc lại, tôi càng thấy xúc động! Trân trọng cám ơn Janet Nguyễn đã sưu tầm được bài này và anh Phan Thanh Quang đã gửi lại cho tôi. Vài suy nghĩ của tôi, xin gửi Báo Đạo Phật Ngày Nay mong được trao đổi, chia sẻ thêm với các bạn đọc.

Cuộc sống thực tại của mỗi loại sinh vật trong vũ trụ này, tất cả đều có giới hạn, dài ngắn khác nhau theo các quy luật tự nhiên.

Con người đã tự xác định là sinh vật “Cao cấp”, có khả năng hiểu biết sâu rộng, gần xa… hơn nhiều so với các loại sinh vật khác.

“Câu chuyện con thằn lằn” rất đơn sơ nhưng chứa đựng nhiều thông tin, gợi rất nhiều vấn đề để bàn, để học, rất bổ ích. Đặc biệt là về tình nghĩa trong gia đình, trong xã hội, tình đồng loại và nhiều bài học từ câu chuyện ngắn này !

 Ta không cần bàn nhiều, hãy bình tĩnh đọc, suy ngẫm rút ra cho mình những bài học thiết thực, làm nhiều việc tốt cho gia đình, xã hội theo những quy ước của loài người đã định ra. Hơn thế nữa, chúng ta không quên bắt chước (làm theo) những hành động tốt của cả những động vật “Cấp thấp” như trong câu chuyện con thằn lằn, với tấm lòng bền bỉ, dũng cảm, cao cả, đẹp tuyệt vời!

Ta hãy quý thời gian hiện tại, tạo cho mình có sức khỏe tốt, ý chí bền bỉ, làm việc hiệu quả, cứu chính mình và gia đình mình; miệt mài tự nguyện tham gia vào những tình huống, những công việc khó khăn của xã hội…

Ta tham gia bảo vệ thật tốt môi trường sống cho mọi sinh vật trong vũ trụ này. Tránh gây nguy hại trực tiếp hay gián tiếp tới mọi sinh vật. Con người cần có năng lực khoa học, dự phòng chủ động, có hiệu quả, tránh được những thiên tai do thay đổi của vũ trụ hoặc do chính con người gây ra.

Chúng ta có hiện tại tốt mới có tương lai ngày càng huy hoàng: Xây dựng vũ trụ xanh, sạch, đẹp; mọi sinh vật sống và phát triển hài hòa theo quy luật; con người khỏe mạnh, có tài, có tâm, có ích và có được nhiều tính Phật!

GS. TS.  Lê Văn Điền

Các tin tức khác

Back to top