Những trường hợp không nên sát sinh

9/01/2013 3:39
Phàm người thế gian, nhất là người tại gia luôn có nhiều chướng ngại trong việc khởi sự tu tập các việc lành nhất là việc phóng sinh. Ngày nay nhìn quanh thế giới thật khó tìm đâu ra niềm an vui thật sự. Chiến tranh vẫn còn, niềm hy vọng một thế giới hòa bình thật mong manh như làn khói mỏng.

Mạng sống con người ngày càng ngắn ngủi, lại bị đe dọa bởi nhiều căn bệnh quái ác như ung thư, tiểu đường, cao huyết áp, và những trận đại dịch vô cùng hiểm nguy. Nguyên nhân cũng vì lòng ham thích giết chóc mà ra. Giết vì thù hận, giết vì ghen tức, giết vì tranh nhau quyền lợi, danh vọng, giết gì miếng ăn… máu và tiếng kêu than của muôn loài chúng sinh chưa hề dứt vì, lẽ đó mà thế giới này vẫn luôn hỗn loạn, đau thương. Nay muốn thế giới hòa bình mỗi người nên tự giác tránh xa nghiệp ác, tạo nhiều việc lành như bố thí, phóng sinh, học Phật, niệm Phật. Kinh Phạm Võng, Phật có dạy: “ Người con Phật lấy lòng từ mà phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình. Vì mình trải qua nhiều đời nên chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ của mình. Nếu giết hại sinh mạng để ăn thịt tức là tự giết cha mẹ mình, cũng là tự giết thân cũ của mình….Cho nên thường hành phóng sinh thì đời đời sinh ra thường gặp Chánh pháp. Khuyên dạy người làm việc phóng sinh, nếu thấy người đời giết hại sinh vật, nên tìm phương tiện để giải cứu khiến cho chúng thoát khỏi khổ nạn.” Thế nên, người có tâm thiện lương, hơn hết là người con Phật cần có phương tiện khéo léo chuyển hóa gia đình, khuyến hóa mọi người tập ăn chay, không nên sát sinh, thực hành phóng sinh theo tinh thần Tâm Bồ Đề. Nhân đây xin trích dẫn những trường hợp cần tránh sát sinh và nên thực hành phóng sinh để người đọc tham khảo, suy tư và áp dụng thực hành:

Thứ nhất, ngày sinh nhật, mừng thọ không nên sát sinh

Thế gian có tục lệ mừng ngày sinh nhật cho người dưới 60 tuổi và mừng thọ cho người trên 60 tuổi. Đây được xem là ngày vui của cá nhân và gia đình. Trong ngày vui này không nên sát sinh để làm tiệc đãi bạn bè, người thân vì ý thức rằng mạng sống mình được lâu dài khỏe mạnh đâu phải do sát hại sinh vật mà được. Mình và vật giống nhau ở chỗ tham sống sợ chết, đừng làm vui trên sự đau khổ của chúng sinh khác. Trong ngày đó hãy phóng sinh, làm việc thiện để có thêm công đức, tăng sức khỏe và được trường thọ.

Thứ hai, ngày sinh con không nên sát sinh

Nước bốn biển có thể gọi là nhiều nhưng không sao đong đầy tình mẹ. Mang thai 9 tháng 10 ngày đã là việc khó, nhưng càng khó hơn khi phải vượt cạn để đưa con đến được thế giới loài người một cách an toàn. Trong lúc ấy sinh mạng của mẹ và con như chỉ mành treo chuông, Quỷ Dạ Xoa ăn máu tanh của sản phụ và thịt thai nhi đang bu quanh để chờ cơ hội cướp lấy sinh mạng của cả hai mẹ con. Vì lẽ đó, người thân trong gia đình nếu muốn giúp phần phúc đức cho mẹ tròn con vuông thì không nên sát sinh và phải phóng sinh, niệm Phật, làm việc phúc thiện để mẹ con được mạnh lành. Hơn nữa đứa con ra đời tuy được an toàn nhưng trong ba năm đầu sinh mạng vẫn còn nhiều hiểm nguy chầu chực vì thế nên tránh việc sát hại sinh vật, làm nhiều việc thiện để tạo công đức lành cho con trẻ bình an. Lại nữa, cha mẹ phải tránh việc giết hại chúng sinh trực tiếp trước mặt con trẻ như lấy tay đập ruồi, đập muỗi, giết kiến, giết chuột… vì con trẻ trong giai đoạn đang lớn tâm thức rất nhanh nhạy, tiếp thu được tất cả những hình ảnh từ hành động của cha mẹ chúng, nhất là những đứa hiếu động nhiều nghiệp sát thì khi thấy việc làm ấy chúng rất thích thú. Điều này sẽ rất nguy hiểm vì sự giết hại đã ăn sâu trong tiềm thức của con trẻ, sau này khi gặp chuyện bực tức, nếu không kiềm chế chúng rất dễ đánh và giết người.

Thứ ba, Cúng giỗ không nên sát sinh

Ngày giỗ chạp, tiết thanh minh là dịp để cháu con ôn lại ân tình của Tổ tiên đối với dòng tộc, gia đình. Anh em quần tụ, dâng lên Tổ tiên ông bà mâm xôi, lá trầu trái cau, hoa, quả, trà, hương tinh khiết thể hiện lòng tri ân và báo ân của con cháu đối với bậc tiền nhân. Đồng thời làm việc phóng sinh, tạo công đức lành, tụng kinh cầu siêu góp phần công đức để Tổ tiên sớm được sinh về cảnh giới an lành. Không nên sát sinh, uống rượu, bày tiệc uống ăn, chén tạc chén thù dẫn đến tranh đấu bất hòa nhau. Con cháu hiếu thảo là biết sống lương thiện, hoà thuận kính nhường, món quà quý giá nhất con cháu dâng lên ông bà chính là sự sống trong sạch, và tâm hồn thanh khiết. Của cải lương thiện tạo ra đem dâng Tổ tiên còn không nhận được huống chi là của bất chính. Hãy thận trọng!

Thứ 4, Hôn lễ không nên sát sinh

Ngày Hôn lễ là ngày quan trọng nhất của đời người vì kể từ ngày đó hai tâm hồn là một, biết cảm thông và chia sẻ cho nhau nhiều hơn và đó cũng là ngày đánh dấu bước trưởng thành tiếp theo trong đời người. Có gia đình rồi ai cũng muốn được hạnh phúc, muốn sinh con hiền cháu thảo. Đồng thời trước ngày cưới đã đi xem ngày, chọn giờ tốt nhưng vào ngày đó lại giết hại sinh linh, cười vui trên sự đau khổ, tiếng rên xiết của biết bao sinh mạng, điều này thật đáng không nên. Không có đạo lý nào cho phép vui cười trên sự khốn cùng của kẻ khác nhất là vào ngày linh thiêng trọng đại của đời người. Hãy tránh việc sát sinh, nên làm việc phóng sinh và nhiều điều phúc thiện trước và sau khi cưới. Điều tốt đẹp chỉ có thể xảy đến khi ta biết hiến dâng sự tốt đẹp cho người khác.

Thứ năm, Đãi khách không nên sát sinh

Thói thường “phú quý sinh lễ nghĩa” nên kẻ giàu sang mà thiếu ý thức mang tội nhiều hơn kẻ nghèo. Người con Phật đã giác ngộ nên hạn chế việc giết hại, tổ chức ăn thịt uống rượu. Hãy tập ăn chay vì sức khỏe và sự sống lâu dài, đồng thời tránh được nghiệp sát thân do đao binh, tai nạn. Ngày nay ăn uống vui say trên sinh mạng chúng sinh mà đâu biết đó chính là thịt của cha mẹ hay người thân chính mình.

Thứ sáu, Lễ tang không nên sát sinh

Người thân mình mất, tâm thức lìa khỏi xác thân còn chưa biết về đâu, đường trước mịt mờ, ngõ sau mất lối. Nếu người khi sống làm nhiều phúc thiện, khi chết hiện tướng an lành thì sẽ được sinh về cõi lành. Người sống làm nhiều điều ác, khi chết hôn mê bất tỉnh sẽ bị đọa vào ba cõi khổ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Còn kẻ thiện ác chưa phân, khi chết tỉnh mê lẫn lộn, hạng người này cần phải trải qua 49 ngày phân định nghiệp nặng nhẹ để theo nghiệp mà đầu thai. Người thân không nên khóc than, gào thét, nếu thương người mất, không nên sát sinh mà phải phóng sinh, bố thí, cúng dường, tụng kinh cầu siêu và hồi hướng công đức ấy giúp cho người mất có thêm thiện nghiệp để sinh về cõi lành. Ví như người lữ hành đang lúc không còn thức ăn, bỗng nhiên được tiếp tế lương thực để đi tiếp chặng đường dài phía trước. Còn nếu sát sinh cúng tế, làm cho người chết càng thêm nặng tội. Ví như người cõng đá to đi trong bùn, đang bị lún dần trong vũng lầy dơ bẩn, bỗng nhiên có người gửi thêm vài tảng đá nữa khiến cho người cõng đá kia phải chìm sâu trong vũng bùn nhơ nhớp đó.

Đây là sáu trong số muôn vàn trường hợp cần tránh, vì nhận thấy sáu trường hợp này người thế gian dễ tạo tội sát sinh nhất. Nhưng cũng chính sáu trường hợp này mà biết ăn năn sám hối, từ bỏ sát sinh thực hành phóng sinh, làm điều phúc thiện, lợi lạc thật lớn vô cùng.
 


Trích từ sách Phóng sinh với tâm Bồ Đề - TG. Thích Tâm Hòa (CHP)

 

Các tin tức khác

Back to top