Thượng thiện nhược thủy

5/02/2015 5:05
Người thiện vào bậc cao [có đức cao] thì như nước. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, ở chỗ mọi người ghét (chỗ thấp) cho nên gần với đạo.

上善若水水善利萬物而不爭處眾人之所惡故幾於道.

居善地心善淵與善仁言善信正善治事善能動善時.

夫唯不爭故無尤.

°

Thượng thiện nhược thuỷ. Thuỷ thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ ư đạo.

Cư thiện địa, tâm thiện uyên, dữ thiện nhân, ngôn thiện tín, chính thiện trị, sự thiện năng, động thiện thời.

Phù duy bất tranh, cố vô vưu.

°

Người thiện vào bậc cao [có đức cao] thì như nước. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, ở chỗ mọi người ghét (chỗ thấp) cho nên gần với đạo.

[Người thiện vào bậc cao] địa vị thì khéo lựa chỗ khiêm nhường, lòng thì khéo giữ cho thâm trầm, cư xử với người thì khéo dùng lòng nhân, nói thì khéo giữ lời, trị dân thì giỏi, làm việc thì có hiệu quả, hành động thì hợp thời cơ.

Chỉ vì không tranh với ai, nên không bị lầm lỗi.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

持而盈之不如其已揣而銳之不可長保.

金玉滿堂莫之能守富貴而驕自遺其咎功成身退天之道.

°

Trì nhi doanh chi, bất như kì dĩ; suỷ nhi nhuệ chi, bất khả trường bảo.

Kim ngọc mãn đường, mạc chi năng thủ; phú quý nhi kiêu, tự di kì cữu. Công thành thân thoái, thiên chi đạo.

°

Giữ chậu đầy hoài, chẳng bằng thôi đi; mài cho bén nhọn thì không bén lâu.

Vàng ngọc đầy nhà, làm sao giữ nổi; giàu sang mà kiêu là tự rước lấy họa.

Công thành rồi thì nên lui về, đó là đạo trời.

 

Chương 68 khuyên nên chiến đấu với tinh thần “bất tranh”:

“Viên tướng giỏi không tỏ ra vũ dũng, người giỏi tác chiến không tỏ ra hung hăng, người khéo thắng dịch không giao phong với địch, người khéo chỉ huy thì tự đặt mình ở dưới người. Như vậy là có cái đức không tranh với người, như vậy là biết dùng sức của người, như vậy là hoàn toàn hợp với đạo”.

Chương 69 lại tiếp:

“Thuật dụng binh có câu: “Ta không dám làm chủ (tức khiêu chiến) mà chỉ muốn làm khách (tức ứng chiến), không dám tiến một tấc, thà chịu lùi một thước (không muốn hung hăng mà chịu nhường địch)”. Như vậy dàn trận mà không thành hàng, xua đuổi mà không dám đưa cánh tay ra. Tuy có binh khí mà như không dùng binh khí, tuy có địch mà như không chạm trán với địch.

Hoạ không gì lớn bằng khinh địch, khinh địch thì sẽ mất những vật báo của ta. Cho nên khi hai bên cử binh giao chiến, bên nào từ ái bên đó sẽ thắng lợi”.

Phải ngăn ngừa thật sớm:

“Giải quyết việc khó từ khi còn dễ, thực hành việc lớn từ khi còn nhỏ [vì] việc khó trong thiên hạ khởi từ chỗ dễ, việc lớn trong thiên hạ khởi từ lúc còn nhỏ. Do đó thánh nhân trước sau không làm việc gì lớn mà thực hiện được việc lớn” (ch.63).

Phải thật sáng suốt – nhờ đức hư tĩnh – để thấy trước cái loạn sắp xảy ra:

“Cái gì an định thì dễ nắm, điểm chưa hiện thì dễ tính (…) Ngăn ngừa sự tình từ khi chưa manh nha, trị loạn từ khi chưa thành hình. Cây lớn một ôm, khởi sinh từ cái mầm nhỏ; đài cao chín tầng khởi từ một sọt đất, đi xa ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân” (ch.64).

 

Trích Đạo Đức Kinh - Lão Tử

Các tin tức khác

Back to top