ĐÁP: Ở trong Duy thức gồm có bát thức: Năm căn trước gọi là tiền ngũ thức, thức thứ sáu là ý thức, thức thứ bảy là Mạt na thức, thức thứ tám là A-lại-da thức, cũng gọi là Tạng thức. Nhưng tám cái thức chẳng phải có tám người, chỉ là tác dụng có tám. Lục thức trước người ta hiểu nhiều hơn, còn thức thứ bảy và tám thì ít người biết: Thức thứ bảy là cái thức ngày đêm chấp ngã, ngoài ra còn có tác dụng truyền tống, tức thức thứ sáu lãnh đạo năm thức trước làm mọi việc, tạo đủ thứ nghiệp nhân, rồi thức thứ bảy truyền vào tạng thức (thức thứ tám), khi chủng tử trong thức thứ tám đủ nhân duyên vận hành rồi, cũng sẽ do thức thứ bảy truyền cho thức thứ sáu để lãnh đạo năm thức kia thi hành.
Khi con người ngủ nghỉ rồi, năm thức trước ngưng hoạt động, còn thức thứ sáu từ vô thỉ đến nay ngày đêm hoạt động chẳng ngừng. Bởi năm thức trước là dưới sự lãnh đạo của thức thứ sáu, tạo thiện tạo ác đều do thức thứ sáu, nên Lai Quả Thiền sư nói: “Khi cây đèn dẹp bỏ rồi thì chẳng ai lãnh đạo hoạt động, không ngưng cũng tự ngưng”.
Trước kia tôi đã giảng về Tâm Kinh: “Vô lão tử diệc vô lão tử tận”, không có già không có chết; có già có chết tức có sanh tử, có luân hồi. Nếu thật có sanh tử luân hồi thì sanh tử luân hồi hết là tận, tức lão tử tận, trong Kinh nói chẳng thật có sanh tử luân hồi thì làm sao có sanh tử luân hồi để hết? Thế thì tại sao nay chúng ta thấy có sanh tử luân hồi, thấy có già có chết? Như nay tôi cũng già rồi, sau này cũng phải chết vậy! Tại sao nói không có sanh tử? - Sở dĩ thấy có sanh tử là do cảm giác sai lầm, do bệnh chấp thật của mình mới sanh ra. Cảm giác sai lầm này do thức thứ sáu ngày đêm hoạt động, tự nhiên phải thấy sanh tử luân hồi mãi.
Theo Giáo môn, khi ban đêm thức thứ sáu hoạt động một mình, Phật học gọi là “Độc đầu ý thức biến hiện cảnh chiêm bao”. Trong cảnh giới chiêm bao có người quen cũng có người lạ, tất cả thế giới chiêm bao, sơn hà đại địa, nhà lầu xe hơi, luôn cả cái thân đều do thức thứ sáu biến hiện, đều do vọng tâm này biến hiện, trong Kinh gọi là “Nhất thiết duy tâm tạo”. Nay chúng ta không có ngủ, tiền ngũ thức hoạt động như thường, Phật học gọi là “Đồng thời ý thức biến hiện”, tức tiền ngũ thức và thức thứ sáu đồng thời biến hiện hiện tượng thế giới này.
Theo Thiền tông thì độc đầu ý thức biến hiện nhắm mắt chiêm bao, với đồng thời ý thức biến hiện mở mắt chiêm bao đều là chiêm bao, Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nhất thiết duy tâm tạo”, nhắm mắt chiêm bao là duy tâm tạo, mở mắt chiêm bao cũng là duy tâm tạo, chẳng có khác nhau, chỉ khác ở chỗ là do độc đầu ý thức hay do đồng thời ý thức biến hiện mà thôi.
Thiền tông và Giáo môn khác nhau ở chỗ: “Thiền tông không cần nghĩa giải mà cần sự kiến tánh, còn Giáo môn thì cần có nghĩa giải, về phần kiến tánh thì từ từ cũng được, ấy là sự khác biệt vậy.
Trích Duy Lực Ngữ Lục
Các tin tức khác
- Hãy bằng lòng với những gì mình có ( 5/10/2015 4:50)
- Có nên nhẫn nhịn mãi không? ( 4/10/2015 3:37)
- Cái giếng nước ( 4/10/2015 2:58)
- Xử lý chuột như thế nào để không mang tội sát sinh? ( 3/10/2015 4:45)
- Không có gì là hoàn hảo ( 2/10/2015 4:22)
- Tâm đạo lúc tinh tấn lúc lui sụt (30/09/2015 3:28)
- 10 bài học đáng suy ngẫm (28/09/2015 4:43)
- Thì sao chứ (27/09/2015 4:26)
- Ba cái sàng của ông Socrate (26/09/2015 3:13)
- Chiếc bát vỡ (24/09/2015 11:44)