Quán chúng sinh

2/10/2016 12:48
Văn Thù hỏi Duy Ma Cật rằng: “Bồ Tát quán chúng sanh phải như thế nào ?”
Duy Ma cật đáp: “Giống như nhà ảo thuật thấy người huyễn hóa của mình làm ra. Bồ Tát quán chúng sanh cũng như thế”.

Văn Thù hỏi: “Nếu Bồ Tát quán như thế làm sao làm hạnh Từ ?”

Duy Ma Cật đáp: “Bồ Tát quán như thế rồi tự nghĩ: ta phải vì chúng sanh thuyết pháp này, như vậy tức là hạnh Từ chân thật:
 
– Làm hạnh Từ tịch diệt, vì vô sở sanh.

– Làm hạnh Từ bất nhiệt (không nóng), vì không phiền não.

– Làm hạnh Từ bình đẳng, vì tam thế đều bình đẳng.

– Làm hạnh Từ vô tranh, vì không chỗ khởi.

– Làm hạnh Từ bất nhị, vì trong ngoài chẳng hợp.

– Làm hạnh Từ bất hoại, vì cứu cánh tận (hết).

– Làm hạnh Từ kiên cố, vì tâm chẳng hoại.

– Làm hạnh Từ thanh tịnh, vì pháp tánh thanh tịnh.

– Làm hạnh Từ vô biên, vì như hư không.

– Làm hạnh Từ A La Hán, vì phá được kiết tặc (giặc phiền não).

– Làm hạnh Từ bồ tát, vì khiến chúng sanh được an vui.

– Làm hạnh Từ như lai, vì được như thật tướng.

– Làm hạnh Từ của Phật, vì giác ngộ chúng sanh.

– Làm hạnh Từ tự nhiên, vì chẳng nhơn mà được.

– Làm hạnh Từ bồ đề, vì bình đẳng một vị (mùi vị).

– Làm hạnh Từ vô đẳng (không gì bằng) vì đoạn tất cả ái.

– Làm hạnh Từ đại bi, vì dẫn dắt theo đại thừa.

– Làm hạnh Từ vô yểm (không chán), vì quán Không, Vô Ngã.

– Làm hạnh Từ pháp thí, vì thương mến chẳng thiếu sót.

– Làm hạnh Từ trì giới, vì giáo hoá kẻ phá giới.

– Làm hạnh Từ nhẫn nhục, vì hộ giúp cho người.

– Làm hạnh Từ tinh tấn, vì gánh vác chúng sanh.

– Làm hạnh Từ thiền định, vì chẳng thọ thiền vị.

– Làm hạnh Từ trí huệ, vì chẳng có lúc bất tri.

– Làm hạnh Từ phương tiện, vì thị hiện tất cả

– Làm hạnh Từ vô ẩn, vì tâm ngay thẳng thanh tịnh.

– Làm hạnh Từ thâm tâm, vì chẳng có hạnh phức tạp.

– Làm hạnh Từ vô cuống (không nói dối) vì chân thật bất hư.

– Làm hạnh Từ an lạc, vì được sự vui của Phật.

– Hạnh Từ của Bồ Tát là như thế !

Văn Thù lại hỏi : “Thế nào là Bi ?”

Đáp rằng : “Công đức của Bồ Tát làm là chung cho tất cả chúng sanh”.

Hỏi :- “Thế nào là Hỷ ?”

Đáp :- “Thấy chúng sanh được lợi ích thì lòng sanh hoan hỷ”.

Hỏi :-“Thế nào là Xả ?”

Đáp :-“Làm việc phước đức mà không có sự hy vọng (Vô sở đắc)”.

Văn Thù hỏi thêm : Đối với sanh tử có sợ, Bồ Tát phải dựa vào đâu ?

Đáp :- Phải dựa theo sức công đức của Như Lai.

Hỏi :- Muốn dựa theo công đức của Như Lai phải trụ nơi nào ?

Đáp : – Phải trụ nơi độ thoát tất cả chúng sanh.

Hỏi : – Muốn độ chúng sanh phải trừ cái gì ?

Đáp : – Phải trừ phiền não cho họ.

Hỏi : – Muốn trừ phiền não phải làm thế nào?

Đáp : – Phải hành nơi chánh niệm.

Hỏi : – Thế nào là hành nơi chánh niệm ?

Đáp : – Phải hành bất sanh bất diệt.

Hỏi : – Pháp nào bất sanh, pháp nào bất diệt ?

Đáp : – Bất thiện chẳng sanh, thiện pháp chẳng diệt.

Hỏi : – Thiện, bất thiện lấy gì làm gốc ?

Đáp : – Lấy thân làm gốc.

Hỏi : – Thân lấy gì làm gốc ?

Đáp : – Lấy tham dục làm gốc.

Hỏi : – Tham dục lấy gì làm gốc ?

Đáp : – Lấy hư vọng phân biệt làm gốc.

Hỏi : – Hư vọng phân biệt lấy gì làm gốc ?

Đáp : – Lấy điên đảo tưởng (tư tưởng chấp thật) làm gốc.

Hỏi : – Điên đảo tưởng lấy gì làm gốc ?

Đáp : – Lấy vô trụ làm gốc.

Hỏi : – Vô trụ lấy gì làm gốc ?

Đáp : – Vô trụ chẳng có gốc.

Nói đến đây Duy Ma Cật liền nhấn mạnh rằng :

– Văn Thù ! Từ gốc vô trụ, lập tất cả pháp. (Như thế mới là thật Vô sở trụ vậy).
 

(Trích lục: Kinh Duy Ma Cật Phẩm thứ bảy)

Thiền sư Thích Duy Lực dịch

Các tin tức khác

Back to top