Nghi ngờ

16/02/2017 1:23
Trên đời này, có biết bao bi kịch đã xảy ra vì sự nghi ngờ. Người Việt ai cũng biết câu chuyện về cái chết oan khiên của người thiếu phụ Nam Xương khi người chồng nghi ngờ đức hạnh của mình một cách hồ đồ.

Từ cổ chí kim, sự nghi ngờ như thuốc độc phá hoại hạnh phúc bao lứa đôi, làm tan vỡ bao gia đình, chia lìa bao tình bạn. Nhưng tại sao người ta vẫn cứ nghi ngờ nhau?

Đó là bởi vì chúng ta chỉ là những con người nhỏ bé tầm thường trước sự bí ẩn của vũ trụ. Có biết bao nhiêu điều chúng ta thấy, mà có hiểu được tại sao đâu, và đâu phải cái gì chúng ta thấy, cũng đúng là cái mà chúng ta đã thấy, xét về bản chất. Sự giới hạn của năng lực khiến con người trở nên hoài nghi. Thường những ai hay nghi ngờ là những người kém tự tin vào bản thân, nên họ luôn lo sợ và nhìn mọi thứ với con mắt tiêu cực, cảnh  giác. Tào Tháo đa nghi, chẳng qua là ông ta sợ chết, sợ bị người ta làm hại. Ông ta không đủ tự tin và tin vào Tâm, Trí, Dũng của mình có thẻ thu phục nhân tâm nên nhìn đâu cũng thấy có người làm phản. Một người đàn ông ( hay đàn bà) nghi ngờ người kia, chẳng qua cũng vì họ không tự tin vào bản thân mình đã đủ để người kia chung thủy. Người làm Sếp hay nghi ngờ nhân viên chẳng qua thấy mình chưa đủ tài để thu hút và lãnh đạo họ một cách tâm phục khẩu phục.

Rõ ràng, trong mỗi con người đều có một chút “yếm thế” nào đó khi chúng ta thấy mình nhỏ bé trước cuộc đời. Thế nhưng, có bao giờ ta tự hỏi: ta có cần phải hiểu hết bản chất của thực tại và cuộc sống hay không? Để làm gì? Thay vì nghi ngờ và tim câu trả lời, sao ta không chấp nhận cuộc sống và thực tại như nó vốn thế. Bởi mọi thứ xung quanh ta trong vụ trũ đều có mối quan hệ nhân quả tương sinh tương khắc. Biết chấp nhận chân lý ấy ta sẽ bớt khổ đau khi loay hoay đi tìm những câu trả lời cho các nghi ngờ của mình. Bởi dù ta có thông minh, tài giỏi tới mấy, có là giáo sư tiến sỹ hay nhà bác học, ta cũng không thể thoát khoải vòng quay luân hồi, không tránh được những mối quan hệ duyên sinh. Vậy nên thay vì loay hoay đi tìm kiếm bản chất sự thật mà ta đang nghi ngờ, sao ta không chấp nhận những gì ta thấy như nó vốn có, để sống thanh thản và hạnh phúc? Thay vì tìm hiểu hạt mưa rơi tới từ đâu, sao ta không ngửa mặt hứng lấy nó để thấy mát lành? Thay vì tìm hiểu gió bắt nguồn từ đâu, sao ta không nhắm mắt mặc cho gió thổi xua tan oi nồng ngày hạ? Thay vì tìm câu trả lời: tại sao người ấy lại thế? Sao ta không thấy rằng mình đã, đang và có thễ sẽ hạnh phúc với người ấy, nếu ta thôi nghi ngờ.

Đôi khi, sự nghi ngờ sẽ lớn dần thành định kiến và thành kiến rất khó thay đổi, nó làm méo mó cái nhìn của chúng ta về thực tại, đôi khi khiến chúng ta phải trả giá rất đắt cho sự sai lầm ấy. Đôi khi chỉ vì nghi ngờ một bàn tay chìa ra gần ta có thể sẽ móc túi ta, mà ta té ngã không có ai nâng đỡ. Đôi khi chỉ nghi ngờ lời nói ấy là có dụng ý xấu, mà ta đã bỏ qua một lời khuyên có ích. Đôi khi, ta mất người ta yêu quí chỉ vì định kiến nặng nề về những gì ta đã nghi ngờ. Mỗi khi ta nghi ngờ ai đó, trong ta luôn có một năng lượng xấu làm lu mờ những gì tốt đẹp của người ấy, nó khiến ta chỉ thấy phần xấu xa của họ. Khi nghi ngờ là ta đã sống trong bóng tối u mê lầm lạc, ta để cho những năng lượng xấu dẫn đường tới những hành động sai lầm. Thậm chí có những chứng cứ, những người chỉ cho ta thấy những khía cạnh tốt đẹp và tích cực, thì cái định kiến kia vẫn đeo đẳng khiến ta do dự không hoàn toàn tin tưởng vào người đó.

Tuy rằng, biết đặt nghi vấn để tìm câu trả lời là một sự cần thiết để phát triển nhận thức. Nhưng từ việc đặt câu hỏi nghi vấn, xuất phát từ tâm thức tò mò ham khám phá, tới sự nghi ngờ mù quáng là một ranh giới mong manh. Đạo Phật cũng dạy rằng: “Đại nghi, Đại ngộ”, sự  nghi ngờ càng lớn thì giác ngộ càng lớn, vì nghi ngờ tạo sức mạnh cho ta khám phá. Tuy nhiên, Phật cũng dạy ta rằng, chính ta phải là “ốc đảo của chính mình” và tự tìm câu trả lời cho những gì ta nghi vấn, và cũng không cần thiết đi tới tận gốc rễ của vấn đề một cách rõ ràng cụ thể, bởi vũ trụ là vô cùng. Ta không thể nào đi tới tận cùng của một chân lý nào cả.

Nếu ta sống bớt nghi ngờ, ta sẽ thấy dễ chịu, thoải mái, dễ tìm thấy hạnh phúc hơn. Ta cứ sống, cứ làm việc và mở rộng những quan hệ quanh mình một cách vô tư, như Trịnh Công Sơn đã viết :” em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”

 

Trích trong sách Hiểu Về Trái Tim - TG: Thích Minh Niệm

Các tin tức khác

Back to top